.

Tổ quốc phía trùng dương - Kỳ 2: Thao thức... Trường Sa

Thứ Hai, 16/01/2017, 10:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Tàu buông neo ngay gần vùng biển đảo đá chìm Cô Lin. Suốt cả một buổi chiều mưa gió, biển động, thoắt một cái, giờ đây biển đã yên lặng. Nhưng “Biển dẫu yên mà lòng ta lại động” (thơ Nguyễn Thế Kỷ)...

>> Kỳ 1: Chạm vào phần "máu thịt" thiêng liêng

Không hiểu, quyết định của đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146-Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác có ý gì, khi cho anh em phóng viên chúng tôi thỏa thuê dầm mình vùng vẫy trong nước biển Trường Sa, rồi hào phóng cho anh em mượn kính lặn, ống thở để sục xuống ngắm nghía san hô ở điểm đảo chìm Đá Lớn C? Chắc chắn quyết định đó không phải chỉ để xua tan những mỏi mệt sau những ngày trường vật lộn với sóng biển, và cũng chẳng phải thuần túy chỉ để tắm biển theo kiểu du lịch khám phá. Với tôi, đó là một trải nghiệm, để rồi từ trong sâu xa tâm thức mình “bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi”.

Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên vùng biển Trường Sa.
Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên vùng biển Trường Sa.

Tại đây, 7 giờ sáng mai sẽ diễn ra một sự kiện thiêng liêng. Đó là lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên vùng biển Trường Sa thân yêu. Đêm ấy, ai nấy đều thao thức. Đến mãi khuya khoắt, mọi người vẫn đứng trên bong tàu, mặt hướng ánh nhìn đau đáu ra phía biển. “Không được lùi bước.

Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”, lời Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma còn vang. Trước lúc hi sinh, anh vẫn hiên ngang quấn cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội, đó là Anh hùng Nguyễn Văn Lanh đã kiên cường chiến đấu, dù đã bị thương nặng nhưng vẫn không rời bỏ vị trí, quyết giữ đảo đến cùng.

Đó là Anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo, chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ-505, vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin, để con tàu trở thành pháo đài giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên đảo...

Chính trong cái ngày 14-3-1988 bất khuất và kiêu hãnh ấy, máu của 64 cán bộ, chiến sĩ đã hòa cùng sóng biển, kết liền với những rặng san hô, đá ngầm, để giữ vững sự toàn vẹn của phần chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Giai điệu khúc “Hồn tử sĩ” vang lên giữa mênh mông biển trời Trường Sa. Vòng hoa tri ân nhẹ nhàng thả xuống biển cứ dập dềnh mãi bên thân tàu.

Những cơn gió mát lúc nhập nhoạng tối đã kéo tất cả chúng tôi lên bong tàu. Không quen mà cũng chẳng lạ, ai nấy nhanh chóng hòa nhập, chuyện trò rôm rả giữa lồng lộng biển khơi. Nhưng, sôi nổi nhất vẫn là nhóm chiến sĩ trẻ ra công tác ở các đảo, mỗi người một quê, một giọng nói, họ ngồi bệt xuống boong tàu, đàn hát, cười đùa như đã quen thân từ lâu.

Bất ngờ lẫn may mắn cho tôi khi tình cờ gặp những người đồng hương trên cùng chuyến hải trình này. Đó là trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Hưng, người ở huyện Quảng Trạch. Chuyến này, anh ra công tác ở điểm đảo Tốc Tan C. Chẵn 20 năm công tác ở Hải quân Vùng 4, với 5 năm ở Trường Sa, và giờ đây là lần thứ năm anh trở lại. Lần lượt là Cô Lin, Len Đao, Trường Sa Lớn, lại Cô Lin và giờ là Tốc Tan C.

Anh bảo: “Quần đảo Trường Sa giờ đã trở thành một phần cuộc sống của mình rồi. Đối với mình, chuyển đi lần này, như là trở về với quê hương vậy”. Hai tiếng “quê hương” mà anh Hưng vừa thốt ra khi nhắc đến Trường Sa lại tự nhiên và thân thiết như vậy. Phải chăng, chính lẽ đó, mà ròng rã suốt hàng chục năm qua, những thế hệ con dân đất Việt đã đứng lên tiếp bước cha anh ra nơi cửa bể, trấn giữ vùng phên dậu phía đông Tổ quốc.

Chuyện trò một lúc, như chợt nhớ điều gì, anh bảo trên chuyến tàu này, cũng có một người đồng hương Quảng Bình. Đó là Diễn, ra nhận nhiệm vụ Chỉ huy phó đảo Đá Lớn A. So với anh Hưng, anh Diễn là thế hệ sau. Anh vừa dứt lời chưa lâu, một người trắng trẻo, dáng vẻ hiền hiền, có chút thư sinh bước đến, sà vào nhóm mấy anh em chúng tôi. Dù đã pha lẫn chút giọng Nam Trung bộ, nhưng cái gốc nằng nặng Quảng Bình ấy đã hút lấy tôi.

Hỏi ra mới biết, đại úy Đỗ Văn Diễn cùng gốc gác đồng hương quê lúa Lệ Thủy với tôi. Sinh năm 1984, sau 6 năm rèn luyện ở “lò” Lục quân 1, năm 2009 anh ra trường và về nhận nhiệm vụ ở Vùng 4 Hải quân. Năm 2012 là lần đầu tiên anh ra Trường Sa nhận nhiệm vụ ở đảo Nam Yết, sau đó là một năm rưỡi ở Núi Le với cương vị Phó chỉ huy đảo.

Vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Anh Diễn kể, ra trường được 1 năm, anh lấy vợ cùng quê. Một năm sau, anh đi biển. Ngày vợ sinh đứa đầu, anh đang trên tàu ra nhận nhiệm vụ ở đảo Nam Yết. Lúc tàu đến đảo Song Tử thì có điện báo của gia đình là vợ đã sinh. Chuyến ra làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn A lần này, vợ cũng chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là sinh. Vậy là cả 2 lần vợ vượt cạn, anh đều đang nắm chắc tay súng bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc trên vùng biển quê hương. Anh tâm sự, ở đâu trên đất nước này cũng là quê hương. Vấn đề ở đây chỉ là khoảng cách. Khoảng cách có khi tạo ra sự khác biệt, nhưng khoảng cách có khi là một sự thử thách.

Ví như loại bàng vuông chẳng hạn. Ngay từ lần đầu ra đảo, anh đã đem lòng yêu mến giống cây can trường nơi chốn biển cả này. Vậy là anh mang hạt giống của bàng vuông về quê ở xứ đồng chiêm trũng, phèn mặn Lệ Thủy để trồng. Giờ, 2 cây đã được 3 năm tuổi, cao hơn 3m. Cứ tưởng, loài cây xứ đảo vốn quen cái chất mặn mòi muối biển thì không thể đứng vững ở nơi nào khác. Nhưng qua mấy đợt lũ vừa rồi, bố anh điện vào bảo cây không hề hấn gì dù bị vùi trong nước lũ hơn cả tuần liền.

Có lẽ, tất cả chính nhờ sự can trường ấy. Người lính đảo cũng thế, can trường để chấp nhận và để vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió giữ vững sự bình yên của Tổ quốc.

Dương Công Hợp

Kỳ 3: Bên cột mốc chủ quyền