.

Ghi dưới chân núi Giăng Màn - Bài 3: Điểm tựa của dân

Thứ Năm, 27/10/2016, 14:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Họ được bà con nơi đây gọi là điểm tựa của lòng dân, ngày đêm bám trụ giữ vững chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vận động con em đến lớp... Đó là những cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai đóng quân trên địa bàn xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.

>> Bài 2: Chuyện về những giáo viên cắm bản

>> Bài 1: K Oóc gần mà xa

Khá lâu tôi mới có dịp thăm lại Đồn Biên phòng Ra Mai. Rót chén trà nóng mời khách, Đại úy Hồ Sỹ Nhân - Chính trị viên phó khái quát qua tình hình: Đồn Biên phòng Ra Mai đóng trên địa bàn rất khó khăn khi phải phụ trách 2 xã biên giới là Trọng Hóa thuộc huyện Minh Hóa và Thanh Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa. Nơi đây, cuộc sống của bà con hết sức vất vả bởi nhiều nơi còn bị ngăn khe, cách núi, một số bản làng chưa có điện và đường giao thông.

Phong tục tập quán, canh tác của đồng bào còn lạc hậu, dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiệm vụ chính của Đồn là quản lý 23,5 km đường biên giới, trong đó có 6 cột mốc.

Trên địa bàn Đồn đứng chân, các loại tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi. Trước tình hình đó, Đồn đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh triệt phá. Riêng 9 tháng đầu năm, Đồn Biên phòng Ra Mai đã phối hợp bắt giữ 3 vụ/8 đối tượng vận chuyển pháo nổ. Bắt giữ và bàn giao đối tượng truy nã Hoàng Viết Thiện, sinh năm 1993 bàn giao cho Công an huyện Tuyên Hóa.

Phối hợp với Công an huyện Tuyên Hóa ngăn chặn kịp thời 1 vụ với 3 đối tượng xuất cảnh trái phép; tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính và trục xuất 3 đối tượng vào khu vực biên giới để hành nghề buôn bán lâm sản trái phép. Đặc biệt, trên lĩnh vực bảo vệ rừng, Đồn đã phát hiện 1 vụ vận chuyển, khai thác gỗ trái phép, thu giữ trên 40m3 gỗ các loại chuyển giao cho lực lượng Kiểm lâm xử lý.

Trong đó, nổi bật có 2 vụ/3 đối tượng đã sử dụng 3 xe ô tô vận chuyển trên 6,3m3 gỗ De, Kim Giao, Táu. Sau khi phát hiện và bắt giữ, Đồn đã lập biên bản giao lại cho lực lượng Đội Kiểm lâm cơ động huyện Minh Hóa.

Mặt khác, tham gia với đoàn liên ngành truy quét lâm tặc, phát hiện tại tiểu khu 39, thuộc địa phận xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa 62 hộp gỗ vô chủ gồm: Táu, De, Bộp trên 17,2 khối. Ngoài ra, lực lượng của Đồn còn phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép qua biên giới, bắt 2 vụ đánh bạc, cử lực lượng tham gia giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả bão lụt trên địa bàn; tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ...

Đối với công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, Đồn đã tổ chức 3 đợt tuần tra song phương với sự tham gia của 16 lượt cán bộ, chiến sỹ của Đồn và 12 lượt cán bộ, chiến sỹ thuộc Đại đội Biên phòng 311- Na Kai của nước bạn Lào; tổ chức 3 đợt tuần tra đơn phương với sự tham gia của 30 lượt cán bộ, chiến sỹ của Đồn và lực lượng Công an, dân quân xã Trọng Hóa.

Đồn Biên phòng Ra Mai phối hợp với Đại đội BP 311 (Lào) tuần tra song phương.
Đồn Biên phòng Ra Mai phối hợp với Đại đội BP 311 (Lào) tuần tra song phương.

Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng của Đồn đã thay nhau tuần tra đường biên, cột mốc 197 đợt với 522 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Thượng úy Hồ Bua, Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính chia sẻ: “Đây là công việc khó khăn, vất vả nhất của lực lượng chúng tôi. Bởi công việc được triển khai thường xuyên, mỗi chuyến đi mất cả tuần, thậm chí là cả chục ngày trời. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi công việc đã vất vả, gặp mưa bão, lũ quét càng vất vả hơn”.

Là người Khùa nên Hồ Bua rất thông thạo địa bàn và văn hóa của đồng bào nơi đây. Vì vậy, mỗi chuyến tuần tra, anh xem như mình đã góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên của gia đình, quê hương mình nói riêng và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nói chung. Không những tuần tra bảo vệ cột mốc đường biên, Hồ Bua cùng đồng đội còn vận động bà con dân bản chung tay bảo vệ chủ quyền.

Anh Hồ Lê, một người dân ở bản Sy, xã Trọng Hóa nói: “Được cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tuyên truyền vận động nên dân bản miềng càng nhận thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ lãnh thổ. Mỗi lần có việc lên đường biên, cột mốc là phải kiểm tra, dọn thực bì cho sạch sẽ, nếu có vấn đề bất thường đều phải báo ngay cho bộ đội”.

Gia đình Hồ Lê có truyền thống cách mạng, tham gia bảo vệ chủ quyền từ lâu đời. Cha anh là ông Hồ Mút đã có thâm niên chăm cột mốc N11 trên đỉnh Giăng Màn hơn 50 năm. Giờ đây, ông Hồ Mút đã chùn chân mỏi gối không lên chăm cột mốc được nữa nên anh em Hồ Lê và Hồ Bông thay nhau lên làm công việc của cha mình.

Đại úy Hồ Sỹ Nhân chia sẻ thêm: “Để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, Đồn đã chú trọng xây dựng thế trận lòng dân, vận động toàn dân cùng chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc, cũng như đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trong khu vực biên giới. Nhờ đó, 23,5km đường biên giới, trong đó có 6 cột mốc và các biển báo thuộc Đồn quản lý được bảo vệ an toàn tuyệt đối”.

Từ đầu năm đến nay, Đồn còn bố trí 815 lượt cán bộ, chiến sỹ về cơ sở, phối hợp với địa phương, các lực lượng đóng trên địa bàn giải quyết tốt các vụ việc xẩy ra. Ngoài ra, Đồn còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho nhân dân hiểu thêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cử cán bộ tăng cường về làm Phó bí thư Đảng ủy xã và đảng viên về tham gia sinh hoạt tại 3 chi bộ. Qua đó, các đảng viên đã trực tiếp tham mưu, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương thêm vững mạnh.

Các đảng viên sinh hoạt nơi cư trú đã trực tiếp tham mưu, giúp đỡ cho Đảng bộ xã Trọng Hóa kếp nạp thêm 19 đảng viên mới. Qua công tác này, cán bộ, chiến sỹ của Đồn đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để chuyển đến lãnh đạo các cấp; phát hiện những khó khăn, hủ tục lạc hậu của đồng bào để tìm cách khắc phục.

Thượng úy Hồ Đui, Tổ trưởng Tổ công tác Ra Mai tâm sự: “Có lần, tôi cùng các thầy cô giáo vào bản Sy vận động em Hồ Bát đến trường sau một thời gian bỏ học thì bị Hồ Không (cha Hồ Bát) phản đối gay gắt. Hồ Không nói: “Nhà miềng nghèo, cơm không đủ ăn thì học hành làm chi cho lắm”. Rồi ông nhất quyết không cho con đến lớp. Sau một hồi suy nghĩ, tôi đã giải thích để Hồ Không thấy được tầm quan trọng của việc cho con cái đi học, rồi vận động ông chăm chỉ lao động, nói cho ông hiểu thêm chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh. Nhờ vậy, ông mới thông cái bụng rồi cho con tiếp tục đến lớp”.

Hồ Đui cũng là người bản địa nên anh hiểu tường tận cuộc sống, suy nghĩ, văn hóa của bà con nơi đây. “Trước đây, trong khu vực vẫn còn một số người kết hôn cận huyết và nhiều hủ tục lạc hậu lắm. Nhưng từ khi chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con đã bỏ được nhiều hủ tục rồi”, Hồ Đui nói tiếp.

Biết cuộc sống đồng bào xung quanh khu vực Đồn đứng chân còn rất nhiều khó khăn nên đơn vị đã thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ bằng vật chất lẫn tinh thần. Gần một năm qua, Đồn đã tổ chức quyên góp, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng hàng trăm suất quà cho bà con với số tiền gần 300 triệu đồng. Riêng Đoàn thanh niên thường xuyên xây dựng, thực hiện nhiều chương trình tình nguyện, trao hàng trăm suất quà có giá trị cho bà con xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa và xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.

Bà Hồ Thị Xuân, ở bản Ra Mai phấn khởi: “Nhờ có Bộ đội Biên phòng quan tâm, giúp đỡ nên hàng năm tôi nhận được nhiều suất quà. Qua đó, bớt đi được phần nào gánh nặng khó khăn trong cuộc sống”. Hồ Thị Xuân năm nay đã 70 tuổi, bà sống neo đơn một mình nên hàng ngày các cán bộ, chiến sỹ ở tổ công tác Ra Mai thường xuyên đến thăm, tặng quà cho bà.

“Cuộc sống của dân bản miềng tuy còn nhiều khó khăn lắm, nhưng được thầy cô giáo dạy cho cái chữ Bác Hồ, các anh Bộ đội Biên phòng quan tâm giúp đỡ, tuyên truyền vận động nên đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con đã từng bước được nâng lên. Dân bản miềng đã biết rào vườn trồng rau, biết làm chuồng chăn nuôi trâu bò rồi đó. Hôm vừa rồi mưa lũ triền miên, cầu cống bị cuốn trôi nhưng bộ đội cùng các lực lượng ở xã đã chở 2 tấn gạo vào cấp phát cho bà con. Các anh bộ đội thực sự là điểm tựa vững chắc của dân bản miềng”, Hồ Biên, Trưởng bản Sy chia sẻ.

Xuân Vương