.

Những "lá chắn xanh" phòng lũ, bão của làng - Bài 2: Khi mưng, bần... được trân quý

Thứ Tư, 24/08/2016, 05:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa như ngày nay, không ít ngôi làng ở tỉnh ta do việc mở rộng quỹ đất để phát triển sản xuất, cụm công nghiệp, khu dân cư,... mà đã chấp nhận phá bỏ đi nhiều diện tích cây xanh của thế hệ cha ông từng gây dựng trước đó. Tuy nhiên vẫn có nhiều ngôi làng nhờ nhận thức được giá trị của cây xanh, vẫn kiên quyết giữ lại để tạo nên những "lá chắn xanh" phòng lũ, bão rất hữu ích. Những khu rừng mưng, trâm bầu hoặc bần, lác, cói... mà chúng tôi nêu dưới đây sẽ minh chứng cho điều đó.

>> Bài 1: Nghị quyết chống bão, lũ bằng... tre

Đồng phèn, nước mặn vẫn... tươi xanh

Từ vị trí cầu Quán Hàu ngược theo dòng sông để lên phía cầu Long Đại (huyện Quảng Ninh), nếu chịu khó "để ý", mọi người sẽ bắt gặp hai bên bờ sông có những khu rừng ngập mặn của cộng đồng cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ, trồng mới rất độc đáo. Không ít đoạn sông có những khu rừng ngập mặn ken đặc với diện tích lên tới cả chục ha. Rừng ngập mặn này chủ yếu toàn cây bần cổ thụ vươn lên cao vút, chen lẫn xung quanh là những cây lác, chinh cuốc, cói... nằm ở tầng thấp.

Một khu rừng toàn cây cổ thụ bên bờ sông Long Đại, đoạn qua xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.
Một khu rừng toàn cây cổ thụ bên bờ sông Long Đại, đoạn qua xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.

Với nhiều tầng tán và mọc ken dày dọc theo đôi bờ sông Long Đại, hàng trăm năm qua, các khu vực ngập mặn này đã góp công rất hữu ích để ngăn lụt, chống bão và xâm nhập mặn cho những xã dọc theo hai bên bờ sông Long Đại, huyện Quảng Ninh như: Vĩnh Ninh, Duy Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh. Thậm chí, những khu rừng ngập mặn này còn góp phần bảo vệ cho những xã ở vị trí xa hơn như An Ninh, Vạn Ninh... tránh khỏi những đợt gió lớn, triều cường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây, mặc dù các cấp chính quyền từ tỉnh tới huyện, xã, thôn đã tiến hành trồng thử nghiệm nhiều giống cây ngập mặn ở tầng cao như bần, đước, sú, vẹt... dọc theo đôi bờ sông Long Đại để tăng dày "vành đai xanh" phòng lũ, bão, nhưng hầu như chỉ có cây bần mới có sức sống mãnh liệt hơn cả.

Điều này đã được minh chứng, bởi cây bần đã có mặt dọc theo đôi bờ sông Long Đại từ hàng trăm năm nay. Anh Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh cho biết, hiện nay, tổng diện tích rừng ngập mặn ở Quảng Ninh là 46,9 ha, nằm phân bố rải rác chủ yếu dọc theo đôi bờ sông Long Đại (trong đó, xã Võ Ninh có 2 ha; Vĩnh Ninh: 5 ha; Hàm Ninh: 5 ha; Duy Ninh: 1 ha; Gia Ninh: 0,5 ha; Tân Ninh: 13,4 ha; Hiền Ninh: 2 ha)...

Làng Bình Minh, xã Dương Thuỷ và Phú Thọ, xã An Thuỷ vốn được xem là "rốn lụt" của huyện Lệ Thuỷ. Nằm ở vị trí thấp trũng bậc nhất huyện, hàng năm cứ bước vào mùa mưa bão, trong khi chưa nơi nào ở huyện bị lụt thì nhà dân ở hai ngôi làng này đã ngập tới hơn nửa mét. Lụt đến sớm nhưng lại rút rất muộn. Có những năm xảy ra lũ lụt to, các làng này bị ngập sâu hơn 2 mét, nước ngâm nhà dân tới cả tháng ròng mới rút.

Ngoài việc thường xuyên phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt nặng, đất đai ở hai khu vực này còn bị nước mặn xâm nhập và nhiễm phèn chua. Sống chung với lũ lụt, từ hàng trăm năm trước, người dân Bình Minh và Phú Thọ đã biết chọn những cây mưng (còn gọi là lộc vừng), cây trâm bầu... để trồng quanh làng nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây nên. Dù được trồng ở nơi đồng phèn, nước mặn, nhưng các cây mưng, trâm bầu vẫn luôn phát triển tươi xanh và trường tồn qua năm tháng.

Hiện nay, toàn thôn Bình Minh đang có hơn 4 ha mưng sống đan xen với những rặng cây trâm bầu quanh rìa làng. Ngoài ra, hầu như gia đình nào ở thôn này cũng trồng thêm vài ba cây mưng trong vườn nhà để lấy bóng mát, tạo mỹ quan, che chắn gió bão. Tại thôn Phú Thọ hiện cũng có hơn 2 ha cây mưng sống tập trung ở phía sau rìa làng. Trong khu vực dân cư, rất nhiều gia đình ở đây còn trồng thêm từ một tới vài ba cây mưng lớn...

Khác hẳn với nhiều loại cây xanh, dù sống trong vùng thường xuyên bị ngập mặn, nhiễm chua phèn, nắng hạn gay gắt, nhưng những loài cây như mưng, trâm bầu, bần, đước, cói, lác, chinh cuốc... vẫn có sức chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, thổ nhưỡng để vươn mình phát triển tốt tươi, góp phần thực hiện rất hiệu quả "sứ mệnh" phòng chống lũ, bão cho cộng đồng, tạo môi trường trong lành... suốt nhiều năm qua. Và để giữ được những "lá chắn xanh" nói trên, hầu hết các xã, thôn đều đưa việc bảo vệ, phát triển rừng ở địa phương mình vào nghị quyết.

Vững vàng trước bão, lũ

Bí thư Đảng bộ bộ phận Bình Minh Võ Lục Quân cho biết: Rừng mưng, trâm bầu ở làng Bình Minh hiện có hàng ngàn cây với đường kính trung bình mỗi cây to hơn cái phích nước. Nhiều cây thân một người lớn ôm không xuể. Để có như hôm nay, rừng mưng, trâm bầu được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt lắm. Đặc biệt, sau khi rộ lên nạn buôn bán cây mưng làm cây cảnh thì không chỉ tổ bảo vệ mà cả làng, cả thôn từ già đến trẻ đều có trách nhiệm và tham gia bảo vệ rừng mưng, trâm bầu.

Với bộ rễ lớn, cây bần đã góp phần rất hữu hiệu trong việc chống xói lở đôi bờ sông Long Đại.
Với bộ rễ lớn, cây bần đã góp phần rất hữu hiệu trong việc chống xói lở đôi bờ sông Long Đại.

Hiện tại, thôn bố trí một tổ bảo vệ gồm 3 người thay nhau túc trực thường xuyên. Làng Bình Minh nằm ở vị trí thấp trũng, giữa cánh đồng lúa trống huơ trống hoác, nếu không có khu rừng mưng và trâm bầu cổ thụ này che chắn, chắc bão, lũ đã "cuốn bay" mất làng từ lâu...   

Anh Lê Văn Tiến, Trưởng thôn Phú Thọ tâm sự, làng tui hộ nghèo vẫn còn nhiều lắm. Ấy vậy mà có những thời điểm rộ lên phong trào chơi cây cảnh, người ta đến đặt mua một cây mưng với giá vài chục triệu đồng, thậm chí có cây gần cả trăm triệu đồng, nhưng người làng vẫn kiên quyết không bán. Nếu phá bỏ đi rừng mưng "vô giá" này thì có tội với thế hệ ông cha lắm, chẳng khác gì việc đi rước lũ, bão về "nuốt" mất làng.

Cách đây chừng chục năm về trước, khi mà hầu hết nhà dân ở đây đều tạm bợ, nếu không có rừng mưng che chắn, lũ lụt, triều cường sẽ gây đổ sập đi rất nhiều ngôi nhà trong làng. Trong các đợt lũ dữ của năm 2007, 2010, 2011 và trận bão lịch sử năm 2013, lắm hộ dân Phú Thọ nhờ buộc nhà, đồ đạc vào cây mưng mà không bị cuốn trôi, đổ hỏng.

Dân Phú Thọ ngoài việc làm nông, không ít hộ còn dựa vào ngư nghiệp. Khi xảy ra ngập lụt dài ngày, cả thôn gần như bị cô lập với bên ngoài. Nếu không có rừng mưng chắn gió, triều cường, dân trong làng rất khó chèo thuyền đi bắt cá, tôm về cải thiện bữa ăn hàng ngày...     

Nhiều cựu binh và người cao niên ở huyện Quảng Ninh tâm sự với chúng tôi, vào những năm cả nước chống đế quốc Mỹ, trong khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, phương tiện giao thông..., các khu vực rừng bần ngập mặn dọc theo đôi bờ sông Long Đại chính là nơi lý tưởng để cho bộ đội ta tiến vào trú tránh mỗi khi bị địch phát hiện.

Suốt nhiều năm qua, ngoài nhiệm vụ làm “lá chắn xanh” bảo vệ bờ sông, ao hồ nuôi trồng thủy sản, giảm thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra, các khu rừng bần, đước ngập mặn dọc đôi bờ sông Long Đại còn góp phần rất tích cực vào việc cải tạo độ phì nhiêu cho đất, bảo vệ nguồn gen và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. Các khu rừng ngập mặn nói trên còn gắn chặt với nét đẹp truyền thống văn hoá ở mỗi một làng quê...

Văn Minh