.

Khi đàn Voọc trắng quay về - Kỳ 2: Khởi động dự án bảo tồn đàn Voọc gáy trắng

Thứ Ba, 12/07/2016, 09:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện, công tác bảo vệ đàn Voọc gáy trắng đang được giao cho cộng đồng dân cư hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (Tuyên Hóa) đảm nhận. Tuy nhiên, để loài linh trưởng này có một môi trường sống an toàn, phát triển số lượng cá thể, cần có một kế hoạch dài hơi.

>> Khi đàn Voọc trắng quay về - Kỳ 1: Hai bảo vệ "đặc biệt"

Lần đầu tiên, một cuộc hội thảo quy mô nhằm xây dựng phương án bảo tồn quần thể Voọc gáy trắng được tổ chức tại thành phố Đồng Hới vào cuối năm 2015. Hội thảo thu hút các nhà khoa học đến từ các trường đại học lớn trong nước, các cơ quan chức năng trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế...

Toàn cảnh hội thảo tham vấn xây dựng phương án bảo tồn quần thể Voọc gáy trắng.
Toàn cảnh hội thảo tham vấn xây dựng phương án bảo tồn quần thể Voọc gáy trắng.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Sau hội thảo, căn cứ vào tình hình phát triển ốn định của đàn Voọc gáy trắng, bước đầu hình thành nên Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc gáy trắng Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, diện tích 175 ha trải dài từ xã Thạch Hóa đến xã Đồng Hóa, với 4 nhóm giải pháp cụ thể đang được triển khai thực hiện.

Trong đó, thứ nhất là có chính sách chuyển đổi từ rừng do xã quản lý thành rừng đặc dụng; xây dựng cam kết bảo vệ giữa UBND xã và cộng đồng dân cư liên quan như thôn Thiết Sơn 1, Thiết Sơn 2 (xã Thạch Hóa), thôn Đồng Thuận (xã Đồng Hóa).

Thứ hai về quản lý bảo vệ, thành lập tổ bảo vệ cộng đồng bao gồm các cá nhân ưu tú trong cộng đồng, đại diện chính quyền  địa phương, đại diện lực lượng kiểm lâm, Hạt kiểm lâm Tuyên Hóa; xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ quần thể Voọc tại các thôn xóm kề rừng và lân cận để nâng cao ý thức và cam kết thực hiện bảo vệ rừng, bảo vệ quần thể Voọc; đồng thời xây dựng kế hoạch tuần tra giám sát và bảo vệ theo tháng, quý và năm; xây dựng quy chế quản lý bảo vệ dựa trên quy chế quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Việt Nam; xây dựng chương trình du lịch sinh thái, trước mắt là du lịch ngắm Voọc gáy trắng nhằm mục tiêu bảo vệ, giáo dục cho cộng đồng và gây quỹ.

Thứ ba là tuyên truyền giáo dục, cụ thể: hình thành hệ thống bảng tuyên truyền, pano, áp phích tại những điểm nhạy cảm có thể tiếp cận tài nguyên rừng; tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong trường học về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã; đưa vào quảng bá hoạt động du lịch xem Voọc gáy trắng trong mạng lưới du lịch của tỉnh Quảng Bình; nâng cao năng lực cho tổ bảo vệ và truyền thông cộng đồng về công tác bảo tồn thiên nhiên.

Thứ tư là tiến hành các hoạt động nghiên cứu về tập tính của quần thể Voọc gáy trắng để xây dựng kế hoạch và giải pháp bảo tồn phù hợp; nghiên cứu về nhu cầu thức ăn và sinh cảnh của Voọc gáy trắng làm cơ sở xây dựng giải pháp mở rộng hoặc bổ sung nguồn thức ăn cho các quần thể Voọc trong tương lai.

Đồng thời để có nguồn kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ, cần duy trì nguồn kinh phí thuộc chương trình bảo vệ và phát triển rừng; kêu gọi đầu tư từ các nguồn khác như các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm đến công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái và nâng cao sinh kế cộng đồng.   

Ông Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm: “Thời gian qua, vấn đề bảo vệ đàn Voọc gáy trắng ở 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa đã nhận sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị chức năng và người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tại các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, trong đó có các cá nhân điển hình như Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Văn Hồng”.

 Các chuyên gia khảo sát hiện trường nơi đàn Voọc gáy trắng sinh sống.
Các chuyên gia khảo sát hiện trường nơi đàn Voọc gáy trắng sinh sống.

“Loài Voọc gáy trắng sinh sống tại các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa đang đối mặt với những thách thức lớn về vùng sống, nguồn thức ăn, các tác động gây ảnh hưởng trực tiếp như: săn, bắn, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, khai thác củi... Các áp lực trên sẽ dẫn đến nguy cơ giảm số lượng loài rất cao. Vì vậy việc quy hoạch và xây dựng Đề án bảo tồn loài và sinh cảnh đối với quần thể Voọc gáy trắng hết sức cấp bách, cần phải làm ngay”- Ông Phạm Hồng Thái trao đổi thêm.

Trở lại khu vực thuộc diện tích cần bảo vệ nghiêm ngặt trải dài từ Thạch Hóa đến Đồng Hóa, qua các điểm: Giàn Vượn, Cửa Hung, Nước Lặn, Khe Đá, Hung Sú, Miếu Tam Quan, Hang Ngá, lèn Cây Gạo, Trung đoàn 18... đàn Voọc gáy trắng thường hay xuất hiện, chúng tôi cảm nhận cả một vùng lèn cao yên bình. Mỗi sáng khi bình minh lên, đàn linh trưởng bây giờ trở nên thân thiện, gần gũi với con người lại xuất hiện trên những mỏm đá cao phơi nắng, từng cụm hai, ba cá thể quây quần bắt chấy, rận cho nhau.

Theo các nhà khoa học, chuyên gia về bảo tồn linh trưởng, quần thể Voọc gáy trắng quý hiếm sinh tồn, phát triển ở vùng lèn bên cạnh cộng đồng dân cư, thân thiện với con người như ở xã Thạch Hóa, Đồng Hóa là vô cùng độc đáo, có một không hai. Và tương lai khi hình thành nên Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc gáy trắng ở xã Thạch Hóa, Đồng Hóa... có sự đóng góp rất to lớn của những người như Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Văn Hồng, ngày đêm miệt mài “vác tù và hàng tổng”, vì sự bình yên của đàn Voọc gáy trắng quý hiếm.

Hương Trà