.

Màu áo cam giữa đại ngàn

Chủ Nhật, 08/05/2016, 06:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, hình ảnh những nhân viên điện lực lâu nay trở nên rất đẹp và gần gũi. Những người “lính áo cam” này vào bản không chỉ để thu tiền điện cuối mỗi tháng, mà là những người bạn thực sự của dân bản. Dân bản khó khăn, họ sẵn sàng tự bỏ tiền túi ra để nộp tiền trước, dân bản hư cái quạt, cái nồi cơm điện... họ cũng sẵn sàng ngồi xuống cặm cụi tháo ra sửa giúp không lấy công.   

Lặn lội với bản xa

Anh Trần Thái Hoàn, sinh năm 1985 ở thị trấn Lệ Ninh (Lệ Thủy) hiện đang là nhân viên thu tiền điện ở 6 bản Eo Bù-Chút Mút, Tân Ly, Tăng Ký, Xà Khía, Làng Mới và Bạch Đàn ở xã Lâm Thủy (Lệ Thủy). Anh làm công việc thu tiền điện từ năm 2007, gần mười năm gắn bó với bản làng là khoảng thời gian anh thấm thía nhất những khó khăn gian khổ trong công việc của mình. Chỉ đơn giản là đi thu tiền điện cuối mỗi tháng, nhưng bản Eo Bù-Chút Mút xa nhất cách nhà anh phải gần 70 cây số.

Anh Đinh Văn Long đã gắn bó với công việc thu tiền điện ở bản Ba Loóc (xã Dân Hóa) từ nhiều năm nay.
Anh Đinh Văn Long đã gắn bó với công việc thu tiền điện ở bản Ba Loóc (xã Dân Hóa) từ nhiều năm nay.

Nhiều lúc trời mưa anh phải bỏ xe ở ngoài, cuốc bộ 18 cây số mới vào được bản. Còn những bản khác gần nhất cũng vài ba chục cây số. Những ngày anh đi thu tiền điện ở các bản là hầu như mất liên lạc với người thân, bởi nhiều bản không có sóng điện thoại, Có ngày vào tới bản thì đã muộn, thu tiền không kịp, anh phải xin ngủ nhờ lại bản. Hôm sau thu tiếp rồi mới về qua bản khác.

Mùa mưa vừa rồi vào bản Bạch Đàn đúng lúc trời mưa, con đường mới mở sau nhiều lần bị rửa trôi bởi những cơn mưa rừng chỉ còn trơ lại lớp đất đá, đường trơn không đi được nên anh đành phải đi con đường cũ ở dưới khe.

Vào đến nơi thì mưa to, nước suối dâng lên cuồn cuộn không về được nên anh phải xin dân bản ở lại qua đêm. Bản này như chốn thâm sơn cùng cốc tách biệt với bên ngoài. Đêm ở bản, vừa lo cho vợ con ở nhà, vừa lạnh rất khó chợp mắt, nhưng anh tặc lưỡi: “Nghề mà. Đã gắn bó với nghề thì phải chấp nhận mọi khó khăn gặp phải, chẳng lẽ để dân bản ra tận trung tâm xã để nộp tiền điện thì khổ lắm”.

Nghề thu tiền điện vùng cao hoàn toàn khác với công việc này ở miền xuôi. Anh Nguyễn Xuân Lai, Đội trưởng Đội quản lý điện Hóa Tiến phụ trách tổ thu tiền điện khu vực các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Phúc, Hóa Thanh (Minh Hóa) và xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) cho biết, hàng tháng anh và một số anh em cùng tổ phải lặn lội vào bản mất nửa tháng để thu tiền điện, mỗi bản chỉ có vài ba chục hộ dân. Có khi phải ở lại chờ bà con đi rẫy về rồi thu.

“Vì bản xa, một lần đi lại rất khó khăn nên có khi tới không gặp mình phải ngồi chờ. Có nhà đi làm tối về nhưng có nhà đi rừng cả tuần thì cuối tuần mình phải lên lại. Nhiều lúc một nhà nhưng mình phải đi lên đi về phải 5-7 lần mới thu được tiền điện”, anh Lai kể.

Anh Lai vốn là người Đồng Hới, làm điện lực tại Lệ Thủy sau đó chuyển lên Minh Hóa. Anh bén duyên với vùng đất này khi xây dựng gia đình và ở luôn tại xã Hóa Tiến. Anh nói có lẽ cái duyên với người vùng cao đã níu chân anh lại xứ này. Anh càng hiểu bản chất thật thà chất phác của người dân địa phương, anh lại càng động viên anh em trong tổ thêm yêu quý và càng cố gắng hơn với công việc của mình.

“Những ngày đầu vào bản cũng ngại lắm. Thấy con đường trước mặt dựng đứng, ngoằn ngoèo. Phải đi bộ hết hơi mới leo lên tới bản. Nhưng rồi cũng phải làm quen. Và giờ thành... không thể thiếu rồi”, anh Lai vừa nói vừa cười.

Nghĩa tình người “lính áo cam”

Tổ anh Lai gồm có bốn người, trong đó anh Đinh Văn Long phụ trách địa bàn bản Ba Loóc (xã Dân Hóa). Anh Long cho biết, điểm thu tiền điện của bản Ba Loóc được thiết lập ngay dưới sân nhà sàn của trưởng bản Hồ Xuân Ba vì bản khó khăn chưa có nhà văn hóa. Theo thông báo từ trước của trưởng bản, các hộ dân trong bản lần lượt kéo đến đóng tiền điện của tháng. Trong những người đến đóng tiền, bà Hồ Thị Ca có vẻ lúng túng hơn cả.

Chờ cho mọi người nộp xong hết, bà mới đến níu tay áo nhân viên điện lực dúi vào tay ba tờ tiền mệnh giá 10 ngàn đồng: “Cho mẹ nộp tiền điện của tháng ni, và cả hai tháng trước nữa”. Anh Long gật đầu mỉm cười sau lời cảm ơn khe khẽ của người phụ nữ ngoài 70.

Ngoài việc thu tiền điện, những người “lính áo cam” còn giúp dân bản sửa những vật dụng hư hỏng trong nhà như bóng điện, quạt, ti vi...
Ngoài việc thu tiền điện, những người “lính áo cam” còn giúp dân bản sửa những vật dụng hư hỏng trong nhà như bóng điện, quạt, ti vi...

Anh Long kể, đây là chuyện thường khi đi thu tiền điện ở những vùng bản như thế. Dân bản nghèo, năm thì mười họa mới kiếm được ít tiền. Nên đến tháng thu tiền điện, nhân viên thu tiền điện phải “nháy” nhau cho nợ. Nói là cho nợ nhưng các nhân viên này phải bỏ tiền túi ra để đóng trước cho những trường hợp nghèo khó đặc biệt này.

“Ở miền xuôi, chỉ cần chủ sử dụng điện bảy ngày không trả tiền điện là chúng tôi đã có quyền cắt điện rồi. Nhưng với dân bản vùng cao thì khác. Nhiều người quá nghèo khó, nên anh em trong tổ phải bỏ tiền túi ra “ứng” trước cho những trường hợp đặc biệt để khỏi bị cắt điện. sau đó rồi trả sau. Chẳng sao cả”, anh Lai chia sẻ.

Trong những năm tháng gắn bó với công việc thu tiền điện vùng cao, những người “lính áo cam” không chỉ làm tròn bổn phận của một nhân viên điện lực với công việc mà còn tạo được lòng tin, sự yêu mến của dân bản bằng chính sự nhiệt tình, chân thành của mình. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ dân bản sửa chữa những vật dụng hư hỏng trong nhà từ cái ti vi, cái quạt hay cái nồi cơm điện. Bởi vậy nên lần nào về các bản thu tiền điện các anh luôn mang theo vật dụng bất ly thân của mình đó chính là hộp “đồ nghề” để sửa đồ giúp dân bản.

“Những vật dụng liên quan đến điện, mình luôn sẵn sàng sửa giúp dân bản”, anh Hoàn chia sẻ. Không chỉ anh Hoàn mà hầu như tất cả các nhân viên thu tiền điện vùng cao đều coi việc sửa chữa đồ điện giúp dân bản là chuyện cần làm và luôn làm hết mình. “Nhiều khi vài chỗ trên hệ thống điện hoặc ti vi, quạt điện bị hỏng, dân bản đều chờ đến ngày nhân viên thu tiền điện lên để... nhờ sửa. Anh em luôn gắng hết lòng.

Chỉ trừ những hư hỏng phức tạp dân bản mới phải đưa ra trung tâm huyện. Còn những hư hỏng bình thường thì anh em tổ thu tiền điện thường được dân bản “ưu ái” để dành”, anh Lai kể có nhà chỉ hư một cái chốt trong ti vi nhưng chờ cả tuần cho đến khi nhân viên thu tiền điện lên để nhờ. “Anh em trong tổ thường lấy đó làm niềm vui nho nhỏ cho công việc vất vả của mình”, anh Lai nói.

Chỉ bằng những cử chỉ nhỏ nhưng thấm đậm nghĩa tình đã giúp những người “lính áo cam” trở nên thân thiết hơn với bà con dân bản. Dù công việc của họ còn nhiều vất vả, gian nan nhưng trong mắt bà con đồng bào dân tộc thiểu số hình ảnh của họ luôn gần gũi và thân thương vô cùng

Lan Chi