.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm...

Thứ Bảy, 20/09/2014, 19:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đăng Quang lên thăm trang trại của vợ chồng anh, ông chân tình khen: “Làm tốt lắm, tuổi trẻ, tài cao, cố gắng trên đà thắng lợi mà phát huy”. Không khen sao được, khi một vùng đất đồi hoang hóa, cằn khô “chó ăn đá, gà ăn sỏi” xưa, nay qua bàn tay lao động cần cù của đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Nhân và Lê Thị Tý đã trở thành một vùng “ốc đảo” mướt xanh, trù phú, no ấm.

Từ hai bàn tay trắng

Câu chuyện được tính từ cái mốc thời gian cách đây tròn chín năm, ngày anh chị thành chồng, thành vợ, quyết định “ra riêng”. Ngày đó nhà anh đông con, gia đình chẳng lấy gì làm khá giả. Tài sản cho con, bố mẹ anh dẫn đôi vợ chồng lên tại vùng đất đầy sỏi, đá, khô cằn thuộc thôn Đại Phúc hỏi: “Bây có ưng, tau cho”.

Chàng trai trẻ Trần Văn Nhân nhìn bố mẹ, ngó vợ rồi gật đầu nhanh gọn. Trần Văn Nhân (sinh năm 1978) và Lê Thị Tý (sinh năm 1985) nhận một khoảng đồi trọc thưa thớt vài cây bạch đàn mọc còi cọc. Có mảnh đất “cắm dùi”, vợ chồng bàn nhau dựng lên ngôi nhà nhỏ đủ che nắng, che mưa tính chuyện làm ăn lâu dài.

Đất đồi khô cằn, ban đầu vợ chồng Nhân - Tý tập trung trồng rừng theo dự án 327, loại cây trồng chủ yếu là bạch đàn. Bạch đàn cắm xuống đất sỏi đá, mùa hè khô khốc gió Lào, cây không lớn nổi. Rễ cây bạch đàn làm đất ngày càng hoang hóa hơn. Dự án 327 sau một thời gian cũng hết. Không được dự án Nhà nước hỗ trợ về vốn, vợ chồng Nhân tính kế thả nuôi vài ba con lợn, dăm con bò, vài chục con gà, đào ao thả cá... “lấy ngắn nuôi dài”.

Cây thanh long ruột đỏ bám vững chắc trên đất cằn, đang cho những mùa quả ngọt.
Cây thanh long ruột đỏ bám vững chắc trên đất cằn, đang cho những mùa quả ngọt.

Trời chẳng phụ công người, qua mấy năm quần quật cải tạo đất đồi, chăn nuôi phát triển, quy mô lớn dần lên. Những quả đồi trồng bạch đàn năm xưa nay thay thế bằng các loại cây ăn quả có giá trị cao như xoài, nhãn và cao su.

Cho đến tháng 8-2013, khi UBND xã Vạn Ninh có chủ trương quy hoạch lại các mô hình kinh tế trang trại theo chuẩn nông thôn mới, vợ chồng Trần Văn Nhân mới “giật mình” khi thấy cơ ngơi gia đình mình đã kha khá, làm ăn rất hiệu quả. Trang trại trở thành một trong những mô hình hiếm hoi của xã Vạn Ninh đạt chuẩn theo yêu cầu khắt khe do các tiêu chí nông thôn mới quy định.

Đến nay, trang trại Trần Văn Nhân nuôi hơn 3.000 con gà/lứa, cứ 3 tháng xuất chuồng một lần. Mỗi năm thu khoảng 1 tỷ đồng từ nuôi gà, trở thành nguồn thu cao nhất trong trang trại. Một năm còn có 100 con lợn xuất chuồng, nuôi thêm 4 con bò và trồng 5 sào cỏ VA06  phục vụ chăn nuôi. Về rừng, vợ chồng  Nhân trồng được 1,3 ha cao su 4 năm tuổi, đang tiếp tục trồng thêm 2 ha mới. Đặc biệt là trồng thử nghiệm thành công 5 sào thanh long ruột đỏ.

Ngoài ra, anh Nhân còn làm 1 mẫu lúa, đào ao nuôi cá tận dụng các nguồn thức ăn. “Bám chắc phương châm "lấy ngắn nuôi dài", trang trại vẫn kiên định hướng tới trồng cây cao su và thanh long ruột đỏ, lấy hai loại cây trồng này làm hướng chủ lực” - Trần Văn Nhân chia sẻ - “Mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng. Nhưng tiền lãi chẳng chịu nằm không lấy một ngày, vợ chồng tiếp tục tái đầu tư, mua sắm, xây dựng thêm cơ sở vật chất chuồng trại và mở rộng quy mô sản xuất”.

“Khát vốn” - anh Nhân khẳng định với chúng tôi - “Nếu được  Nhà nước hỗ trợ vay thêm nguồn vốn, cho gia đình vay bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Dự định nhiều lắm! Trang trại định hình, lớn dần lên, lúc đó sẽ thêm nhiều cơ hội tạo công ăn việc làm cho lao động thiếu việc làm trong xã”.

Câu chuyện vợ chồng Trần Văn Nhân say sưa kể hướng chúng tôi về một loại cây thuộc dạng rất mới đối với tỉnh Quảng Bình, với cả huyện Quảng Ninh, nhưng đã đứng chân, bám vững chắc trên vùng đất đồi nhuốm bao công sức, mồ hôi của đôi vợ chồng trẻ Nhân - Tý: cây thanh long ruột đỏ.

Ông chủ thương hiệu thanh long ruột đỏ

Đi dọc các xã vùng nam Quảng Ninh: Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh khi tìm hiểu về Trần Văn Nhân, nhiều người biết trang trại của anh. “Có phải Nhân thanh long ruột đỏ?” - Họ hỏi ngược lại. Thương hiệu thanh long ruột đỏ không biết “vận” vào Nhân từ lúc nào.

Chăn nuôi gà vẫn là nguồn thu nhập chính của trang trại.
Chăn nuôi gà vẫn là nguồn thu nhập chính của trang trại.

Trần Văn Nhân nhớ lại: “Khi khuyến nông huyện giao cho xã Vạn Ninh thực hiện thí điểm 3 mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã, gia đình nhận ngay dù chưa hiểu hết về giống cây này. Sau hơn 12 tháng chăm sóc, vợ chồng chứng kiến không dưới 8 lần cây ra hoa kết trái. Khoảng 48 ngày là mỗi lứa thanh long chín đỏ, cứ như vậy, đợt này gối sang lứa kia, tháng nào nhà cũng có thanh long chín thu hoạch”.

Trần Văn Nhân kể về cây thanh long ruột đỏ say sưa, trong câu chuyện của anh, cây thanh long hiện ra thật đẹp, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn làm dịu đi cái khô khốc, cằn cỗi khắp cả vùng gò đồi rộng lớn.

Nhân bảo: Cây thanh long ruột đỏ cho hoa và quả đẹp là thế nhưng quá trình sinh trưởng lại diễn ra trong đêm. Ban ngày hai vợ chồng làm việc vất vả theo diện tích cao su, đêm về khi mọi người nghỉ ngơi là lúc vợ chồng len vào giữa vườn thanh long bạt ngàn, nâng niu, cắt tỉa từng cành lá, tưới tắm từng nụ hoa, để nghe tiếng thì thầm cựa mình của những nụ hoa hé nở. Trong từng quả thanh long chín đỏ, chất chứa đầy tình cảm của người trồng.

Trưa tháng chín nắng gắt, vợ chồng Nhân-Tý đi giữa vườn thanh long, chọn hái những quả thanh long chín mọng bán cho khách. Mồ hôi lấm trên khuôn mặt ngời sáng của hai người, cảm nhận được niềm vui ánh lên trong nụ cười khi trái ngọt không phụ công người chăm bón.

Trần Văn Nhân nhẩm tính, hiện tại anh có 5 sào, trồng trên 250 gốc thanh long ruột đỏ, trong đó khoảng 100 gốc đã kết trái. Mỗi gốc cho thu hoạch ước tính 500.000 đồng/năm. Năm đầu tiên thử nghiệm, anh thu từ thanh long trên 50 triệu đồng. Thanh long ruột đỏ được người dân trong vùng ưa chuộng vì chất lượng bảo đảm, tuy quả nhỏ hơn so với thanh long ruột trắng (khoảng 4 quả/kg), nhưng hương vị lại đậm đà, cảm giác ngọt, ngon miệng hơn. Hiện tại, đến kỳ thu hoạch, thương lái đến mua trực tiếp tại trang trại, nên lứa nào hết gọn lứa đó. Anh Nhân cho biết thêm, anh chị ưu tiên bán lẻ, rẻ cho bà con quanh vùng để bà con thưởng thức cây trái lạ trồng thành công trên đất quê hương.

Từ trang trại của đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Nhân, Lê Thị Tý tại thôn Đại Phúc, xã Vạn Ninh, thương hiệu thanh long ruột đỏ đang dần định hình.

Hương Trà