"Ngày lịch sử" của Làng Ho

Cập nhật lúc 08:22, Thứ Sáu, 01/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 17-1-2013 ghi một dấu mốc lịch sử đối với bà con dân bản Làng Ho, xã Kim Thuỷ (Lệ Thuỷ) khi công trình xây dựng Bản văn hoá - Di tích lịch sử Làng Ho được khánh thành và đưa vào sử dụng sau hơn một năm thi công. Có mặt tại Làng Ho để chia vui với dân bản, chúng tôi cảm nhận được niềm vui ngập tràn trong từng ánh mắt, trên những gương mặt vốn hằn sâu sự gian khó của đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi đây... 

Đối với bà con dân bản Làng Ho, đây là một sự kiện trọng đại, một bước ngoặt lớn mà họ phải chờ đợi suốt quãng thời gian 37 năm đằng đẵng kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bởi vậy, dù không ai nói ra, trong suy nghĩ mỗi người vẫn mong gặp thời tiết thuận lợi để buổi lễ khánh thành thêm phần trang trọng, vui tươi... Và rồi, niềm vui như vỡ oà khi chúng tôi đặt chân đến bản. Những ngôi nhà sàn kiên cố nổi bật trong sắc xanh của núi rừng Trường Sơn dưới ánh nắng chiều rực rỡ.

Trước khi bước vào nội dung chính của buổi lễ khánh thành Bản văn hoá - Di tích lịch sử Làng Ho, các đại biểu đã được hướng dẫn tham quan một vòng quanh bản để cảm nhận rõ hơn những nỗ lực cố gắng của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị thi công và hơn tất cả là tấm lòng của cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Bia rượu, Nước giải khát Sài Gòn hỗ trợ thông qua Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" Báo Sài Gòn Giải phóng.

Xin được nhắc lại để bạn đọc rõ hơn về những đóng góp to lớn của bà con dân bản Làng Ho đối với cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Đấy là trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứa nước, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đã chọn Làng Ho lập điểm tập kết vũ khí, lương thực, thuốc men. Làng Ho là điểm đầu xuất phát vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào và chiến trường Trị - Thiên, Quân khu 5. Làng Ho được chọn đóng chốt là kho trung chuyển hàng hóa rất lớn trên đường Trường Sơn huyền thoại.

Bản văn hoá-Di tích lịch sử Làng Ho trong ngày khánh thành.
Bản văn hoá-Di tích lịch sử Làng Ho trong ngày khánh thành.

Trong chiến tranh, đồng bào Vân Kiều nơi đây đã cùng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, các trạm giao liên mở các tuyến đường xuyên rừng, vượt suối, bảo đảm thông tin liên lạc, đưa đón cán bộ, bộ đội, thương bệnh binh qua lại phục vụ chiến trường miền Nam. Tại điểm Di tích lịch sử bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có đặt tấm bia ghi rõ: "Làng Ho - nơi đây tháng 10 năm 1959 đã được chọn đặt chỉ huy sở tiền phương của Đoàn 559, là điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị - Thiên và khu 5 từ năm 1959 đến năm 1962. Năm 1966, 1967, bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn đã mở đường cơ giới Thạch Bàn - Làng Ho; Làng Ho - Khe Sanh; Làng Ho - Bản Đông (Lào) để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 Nam Lào năm 1971".

Gần tròn 37 năm kể từ khi đất nước được hòa bình, dân bản Làng Ho dù nghèo vẫn một lòng theo Đảng, cùng nhau vật lộn với muôn vàn khó khăn để xây dựng quê hương.

Có mặt tại buổi lễ khánh thành, trong niềm vui chung với bà con dân bản Làng Ho, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh chia sẻ: "Xây dựng công trình Bản văn hoá - Di tích lịch sử Làng Ho là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với đồng bào đã một lòng vì cách mạng trong những năm chiến tranh ác liệt. Công trình này sẽ giúp dân bản "đổi đời" bởi đây là lần đầu tiên đồng bào có điểm sinh hoạt văn hóa khang trang, có địa chỉ tin cậy để chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vệ sinh phòng trừ dịch bệnh. Và đây cũng là dịp để chúng tôi, những người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân xâm lược, sát cánh với bà con dân bản thắp những nén nhang tưởng nhớ đồng đội, đồng bào đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc".

Một điều đặc biệt nữa mà bà con dân bản Làng Ho chưa từng có được là lần đầu tiên các hộ dân nơi đây được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đây, đồng bào có thể yên tâm canh tác trên diện tích đất mà mình đã được sở hữu. Việc làm này của UBND huyện Lệ Thuỷ mang ý nghĩa cổ vũ to lớn đối với dân bản Làng Ho để từ đó giảm thiểu những tác động của người dân đối với rừng. Hồ Bách, Bí thư chi bộ bản Làng Ho là người tiên phong hiến đất làm nhà văn hoá bản tâm sự: "Dân bản chúng tôi mừng lắm! Từ nay không còn cảnh phải vượt rừng đi khám chữa bệnh nữa. Dân bản có nhà văn hoá để sinh hoạt, có nhà ở khang trang, có nước sạch để dùng, có bộ đội bày vẻ cách làm ăn... Thay mặt cho dân bản, tôi xin nói lời cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước, cám ơn bộ đội...".

Bản Làng Ho nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Toàn bản có 37 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều, 160 nhân khẩu. Công trình Bản văn hoá - Di tích lịch sử Làng Ho gồm các hạng mục chính: 33 căn nhà, 1 Trạm kết hợp quân dân y; Nhà văn hóa cộng đồng và cổng chào bản Làng Ho;  hỗ trợ đồng bào dân tộc vốn phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Chia tay dân bản Làng Ho khi ánh mặt trời dần khuất sau những dãy núi phía Tây, chúng tôi trở về thành phố mang theo niềm vui và tin tưởng sâu sắc vào một ngày không xa nữa, Làng Ho sẽ gặt hái được những kết quả khả quan trong tiến trình phát triển.

                                                                          Nguyễn Hoàng








 

,
.
.
.