"Cưỡi ngựa" trên đất Triệu Voi

Cập nhật lúc 09:41, Thứ Hai, 11/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trung tuần tháng 12 mới rồi, tôi có dịp lần thứ 2 được tháp tùng lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị cấp cao thường kỳ giữa tỉnh ta và các tỉnh bạn ở xứ Triệu Voi. Dù thời gian lưu lại trên đất bạn mỗi lần chỉ đủ để "cưỡi ngựa xem hoa", nhưng với tôi, lần nào cũng đáng nhớ.

1. Cuối năm 2000, tôi được tháp tùng lãnh đạo tỉnh ta sang Khăm Muộn dự hội nghị cấp cao. Cảm nhận đầu tiên của tôi với đất bạn là khung cảnh thanh bình đến mê hoặc: Hai bên đường, những cánh đồng lúa bạt ngàn và bằng phẳng đến lạ, điểm xuyết giữa các trảng rộng là những bóng cổ thụ vút cao, tỏa bóng sum suê...

Ấn tượng thứ hai là QL13 quá hoành tráng: Rộng rãi, thẳng tắp, nhựa phẳng lỳ; dọc đường xe rất ít, tuyệt nhiên không thấy cảnh bụi khói mù mịt và tiếng còi xe inh ỏi như ở ta. Bây giờ, sau 12 năm gặp lại, xứ bạn vẫn như cũ. Chỉ khác là mùa khô có vẻ đến sớm hơn và dữ dội hơn với cái nắng đã có phần chói chang, và những cánh đồng đã trơ gốc rạ khô khốc, nhiều vùng đang thiếu nước sinh hoạt. Và con đường 13 "như mơ" thuở nào bây giờ đã xuống cấp, nhiều đoạn xe phải bò qua ổ voi ổ gà...

Tuy nhiên, trật tự giao thông ở đây vẫn giữ được sự nghiêm chỉnh như thuở nào, như thể vốn dĩ nó phải thế: Không có phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ; gặp xe ưu tiên là họ dừng cả lại để nhường, và đặc biệt là đi cả ngày tịnh không nghe một tiếng còi xe. Có ai đó nói đùa: Nếu sang đây mà nghe tiếng còi xe thì ắt hẳn người điều khiển là... người Việt! Chả thế mà có chuyện vui: Cái thời đang khốn khó, một anh tu nghiệp ở nước ngoài khi về nước nghỉ phép muốn mua thứ gì đó về bán lại kiếm lời, nhưng nghĩ mãi chẳng ra, bèn nhờ một chuyên gia có nhiều năm sang Việt làm việc tư vấn giùm. Ông này cũng bóp đầu nghĩ mãi, sau đó mới "ơ-rê-ca" rằng: cái còi xe! Bởi ở xứ Việt ta, cái bộ phận ấy là mau hỏng nhất!

Tượng đài cố Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản tại Savannakhet.
Tượng đài cố Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản tại Savannakhet.

Nước bạn là xứ sở của chùa chiền. Một đất nước có diện tích chỉ bằng 2/3 và dân số chỉ bằng 1/14 nước ta mà có đến 1.400 ngôi chùa thì quả là rất đáng suy ngẫm! Bên những mái chùa vút cong là bóng cây Chăm-pa.

Loài hoa ấy, cả sắc và hương, đều tinh khiết và thanh nhã, rất gần với triết lý đạo Phật. Phải chăng, chính điều kiện tự nhiên khí hậu cộng hưởng với giáo lý đạo Phật tồn tại từ hàng nghìn năm qua đã hun đúc nên một tính cách Lào đặc trưng là hiền hậu và từ tốn, ung dung tự tại và ghét bon chen? Tôi đồ rằng, sau này dù có vật đổi sao dời, thì với bạn, quốc đạo (đạo Phật) và quốc hoa (Chăm-pa) luôn là hình bóng không thể tách rời!

2. Có anh bạn đồng nghiệp đã hỏi tôi một câu ở tầm "vĩ mô" rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng gì lắm đến Lào không? Bèn trả lời rằng, hình như chả "hề hấn" gì cả, giống như khói bụi và còi xe như thể không tồn tại ở xứ Chăm-pa vậy. Là bởi, các cơ sở công nghiệp của bạn vừa ít lại chủ yếu tập trung ở lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản nên rất ít công nhân.

Cho nên, dù kinh tế thế giới có biến động theo chiều hướng xấu thì đối với bạn, chỉ có ảnh hưởng chút đỉnh đến kim ngạch xuất khẩu, còn đời sống người lao động gần như chả ảnh hưởng gì lắm. Tỉ như tỉnh bạn Savannakhet, tốc độ tăng GDP năm 2011 là 12,5%, năm nay cỡ 12%; kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đạt 856 triệu USD, thì năm nay khoảng 819 triệu USD; sản lượng lương thực đạt tới 70 vạn tấn (có dư để xuất khẩu).

Đến nay, tỉnh bạn có tới 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào 145 dự án với tổng vốn 1,7 tỉ USD; trong đó có 25 công ty của Việt Nam đầu tư tại đây với tổng vốn 150 triệu USD, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Thái Lan. Năm nay bạn cũng đón tới 1,2 triệu khách du lịch, và tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 10,7%...

Đối với tỉnh kết nghĩa Khăm Muộn, dù thực lực kinh tế không bằng Savannakhet, nhưng mấy năm nay đang trỗi dậy mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 12,74%, sản lượng lương thực đạt 25,4 vạn tấn (trong khi dân số chỉ 372.000 người), thu nhập bình quân đầu người đạt 1.336 USD/năm...

Đặc biệt, dù kim ngạch xuất khẩu của bạn hiện mới đạt gần 29 triệu USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lên tới hơn 206 triệu USD, mà chủ yếu là nhập khẩu thiết bị máy móc cho các nhà máy lớn. Điều đó cho thấy, trong tương lai gần, cùng với việc cầu Hữu Nghị 3 đã được đưa vào sử dụng, Khăm Muộn sẽ cất cánh!

3. Có lẽ, ông Phó Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet không phải là quá ngoa ngôn khi nói rằng, Việt kiều ở Lào hạnh phúc nhất thế giới! Bởi, bạn tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng người Việt ở đây sinh sống và làm ăn. Con em Việt kiều được trọng dụng ở các cơ quan nhà nước, và bình đẳng về cơ hội thăng tiến. Đặc biệt, riêng lĩnh vực kinh doanh buôn bán, thì hình như bạn "nhường" hẳn cho Việt kiều.

Trường Hữu nghị Việt Nam-Lào Quảng Bình-Khăm Muộn do tỉnh ta tài trợ ngay tại thị xã Thà Khẹc tỉnh Khăm Muộn.
Trường Hữu nghị Việt Nam-Lào Quảng Bình-Khăm Muộn do tỉnh ta tài trợ ngay tại thị xã Thà Khẹc tỉnh Khăm Muộn.

Có thể nói, phần lớn các trung tâm thương mại, dịch vụ, kể cả một số cơ sở công nghiệp chế biến lớn... ở các tỉnh mà chúng tôi đã ghé chân, đều do cộng đồng người Việt quản lý. Chẳng hạn, ông Nguyễn Duy Trung, quê gốc Tuyên Hóa, hiện là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Viêng-chăn, là chủ nhân của rất nhiều trung tâm thương mại lớn ở Lào, mỗi năm nộp thuế hơn 2 tỉ kíp; nhiều doanh nhân khác sở hữu tài sản nguồn vốn lên tới hàng trăm tỉ kíp như ông Lê Công Bình, Phạm Văn Chính, Ngô Quang Trung...

Điều đáng kể là, phần lớn Việt kiều ở xứ bạn có quê gốc Quảng Bình. Chẳng hạn, tại tỉnh Savannakhet, có khoảng 4.000 Việt kiều, thì trên 70% có quê gốc Quảng Bình; ở Khăm Muộn có trên 2.000 Việt kiều, thì phần đông cũng là gốc miền gió Lào cát trắng. Trong số đó, có một người đã có công lớn làm thay đổi lịch sử xứ Triệu Voi, và là biểu tượng sáng ngời của cách mạng Lào- cố Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản (1920-1992). Phụ thân của cố Chủ tịch là cụ Nguyễn Luận (có tài liệu ghi là Nguyễn Trí Loan, Nai Luân), sinh năm 1887, mất năm 1972, và nghe đâu có quê gốc ở cái làng đứng đầu "bát danh hương" xứ Quảng ta: Lệ Sơn! Và hiện các con của cố Chủ tịch đều thành đạt: một người là Phó Chủ tịch Quốc hội, một người là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một người là Thứ trưởng Bộ Tài chính...

4. Những cứ liệu trên góp phần minh chứng một điều: Tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt-Lào là không thể chia cắt. Nó vừa là định mệnh vừa là sứ mệnh. Tôi ngộ ra điều ấy khi chứng kiến rất nhiều cảnh huống mà lãnh đạo cả phía bạn và ta cùng bỏ qua các nghi thức xã giao thông thường để thoải mái, chân thành chia sẻ với nhau những vấn đề liên quan đến công việc lẫn đời thường. Và dù không tường lắm về nguyên tắc ngoại giao, nhưng cứ nom cách hành xử của các đồng chí lãnh đạo hai bên, tôi cũng vỡ vạc ra một điều rằng, chỉ có chân thành và tôn trọng lẫn nhau, thì quan hệ mới lâu bền!

Chợt nhớ, hôm gặp Hội Việt kiều tại Savannakhet, khi cụ Chủ tịch hội đề đạt nguyện vọng được tỉnh ta giúp sức xây dựng một trường THCS tại đây để dạy thêm tiếng Việt cho con em, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chân thành ghi nhận nhưng lưu ý rằng, nền giáo dục Lào cũng khá ưu việt, nên con em người Lào gốc Việt trước hết cần tuân thủ một cách tự giác và nghiêm túc chương trình giáo dục của nước bạn; còn việc học thêm tiếng Việt là cần thiết, nhưng chỉ nên coi là môn phụ... Liếc qua vị trí đồng chí Phó tỉnh trưởng tỉnh bạn, thấy ông gật đầu lia lịa. Chưa hết, hôm chia tay, bên ly rượu nồng và điệu múa lăm-vông, đồng chí trưởng đoàn ta còn say sưa hát bài "Hoa đẹp Chăm-pa" của nhạc sĩ Uttama Chulamani bằng cả lời Việt lẫn Lào, khiến cả khán phòng mắt tròn mắt dẹt...

Từ những thái độ và cử chỉ kể trên của đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh ta, có thể thấy, nguyên tắc ngoại giao ấy là nhất quán! Bởi thế, trách nhiệm bồi bổ, vun đắp truyền thống đặc biệt giữa hai nước, thuộc về các thế hệ hôm nay và mai sau.

                                                              Ghi chép của Tùng Linh





 

,
.
.
.