"Cõng" Tết lên non

Cập nhật lúc 07:39, Thứ Ba, 29/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - "Hai sọt"- đó là tên mà người ta dùng để gọi công việc của họ. Lặng lẽ thôi, nhưng từ hơn chục năm nay họ vẫn miệt mài băng rừng vượt núi hàng trăm cây số để đem Tết về tận các bản làng xa xôi.

Đưa "chợ" Tết lên vùng cao

Khi sương sớm đang giăng kín trời, những con đường còn phủ hơi sương cũng là lúc cuộc hành trình vượt rừng của hàng chục chị em trong đội "hai sọt"  bắt đầu. Những người làm công việc này chủ yếu là phụ nữ. Tuổi của các chị từ khoảng trên 30 đến 60. Tất cả đều mang dáng dấp chung của sự tảo tần. Chị Phan Thị Hòa, trú tại xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) là một trong số những người lâu năm nhất làm công việc này. 3g sáng, chị trở dậy. Hai chiếc sọt đựng đầy hàng hóa từ các loại thực phẩm rau, cá, thịt đến đủ loại bánh trái được chất đầy lên xe. "Phải đi sớm cho kịp bán. Đi muộn bà con lên rẫy hết".

Dứt lời, chiếc xe nổ máy rồi vụt vào màn đêm lạnh buốt. Cơn gió bấc đầu mùa rét làm hai bàn tay chị tê cóng nhưng chị vẫn cố ghì chặt bởi chỉ cần nhẹ tay là cả kiện hàng sau lưng xe vật luôn cả xe và người. Tới đoạn rẽ qua Nông trường Việt Trung ngược lên hướng xã vùng cao Trường Sơn, từ phía Đồng Hới lên có thêm hơn chục chiếc xe "hai sọt" khác cũng hối hả lao vào con đường rừng hun hút.

Chị Hòa kể, mỗi xe là một cái "chợ mini". Mười xe gộp lại bằng một cái chợ vừa vừa. "Chừng ni đủ cung cấp thức ăn cho cả vùng Trường Sơn đó". Càng về sáng, sương càng mờ ảo. Đường lên Trường Sơn vắng người và nhiều khúc cua. "Bình thường thì không nhiều hàng thế này mô. Nay  nhiều người trên đó dặn mua dần đồ tết nên chị em trong đoàn cũng gắng bỏ thêm ít hàng", chị Hòa tiếp chuyện. Đối với người dân vùng cao, quanh năm gắn bó với núi rừng thì những đoàn xe "hai sọt" như thế này là nguồn sống hàng ngày. Bởi đường xa mà phương tiện thiếu, nên người dân trong vùng chỉ biết trông chờ cả vào tiểu đội “hai sọt”.

Mỗi khi chiếc xe
Mỗi khi chiếc xe “hai sọt” xuất hiện, xóm làng ùa đến vây quanh
để mua hàng.

Những ngày giáp tết như thế này thì tiểu đội "hai sọt" càng quan trọng hơn. Chị Thơm, một người khác trong đoàn kể, suốt hơn một tháng ròng từ trước tết, chị em trong đoàn phải tăng thêm số lượng hàng hóa theo yêu cầu của từng người gửi để mua lên cho họ. Mỗi ngày mỗi ít, đến cận tết là đủ nhu cầu. Chỉ có hơn mười chị em nên nếu không đưa dần hàng tết lên từ bây giờ sẽ không kịp. Nhiều khi các chị phải chở gắng thêm hàng vì người ta đã dặn mà mình không chở thì không được.

6 giờ sáng, đoàn xe "hai sọt" mới tới Trường Sơn. Hơn chục chị em ngay lập tức tản ra các bản làng để bán hàng. Mỗi chiếc xe vừa dừng lại là nhiều người đã vây quanh... Người lớn thì mua cá, thịt, rau còn trẻ em thì theo mẹ đòi cho bằng được nào là bánh ít, bánh bèo, gói kẹo cay ngọt. Núi rừng như được đánh thức. Không khí tất bật chuẩn bị cho năm hết tết đến thật rộn ràng.

Gian nan đường lên non

Tính bình quân mỗi tua đi về mỗi ngày của chị em trong đoàn "hai sọt" là khoảng 200 cây số song hành cùng núi cao, mây lạnh. 15 năm trước, chị Hòa bắt đầu mở đường gánh chợ lên Trường Sơn. Ngày đó chưa có con đường trải nhựa như giờ, muốn gánh hàng lên Trường Sơn phải đi bằng đò ngược. 5 giờ sáng, chị phải đưa hàng hóa lên chiếc thuyền nan chèo tay, ngược theo sông đi tắt qua mấy ngọn núi đá để đi. Lên đến Trường Sơn cũng đã tối mịt. Thời điểm đó không dám lấy hàng tươi. Khi đường lên Trường Sơn được mở, chị Hòa cùng vài người nữa chuyển qua gánh hàng hóa lên bằng đường xe đò.

Sáng bỏ hàng theo xe lên bán, chiều nhảy xe về. "Hơn một năm nay thì đỡ vất vả hơn, 10 người trong đội gánh chợ lên non đều đã chuyển qua đi xe máy nên việc vận chuyển và đi lại cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều", chị Hòa kể.

Chị Hồ Thị Xiên, ở bản Bến Đường kể, trước đây, khi chưa có đoàn xe "hai sọt" chở cá thịt, rau dưa lên bà con chỉ ăn các thức ăn từ thiên nhiên. Bây giờ, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi nhiều, nhu cầu cũng được nâng cao nên việc có những sạp hàng di động như thế này cũng giúp ích rất nhiều. Chị Xiên kể có nhiều người không đủ tiền mặt để mua thức ăn, các chị bán hàng sẵn sàng cho ký nợ trả sau nên đồng bào rất an lòng.

Đã hơn 10 năm gắn bó với nghề, tuy khó khăn vất vả nhưng các chị trong đoàn xe "hai sọt" không bỏ nghề được, bởi họ yêu quý tấm lòng chất phác, thật thà của đồng bào Vân Kiều nơi đây. Ngày thường không khí mua bán nhộn nhịp như thế nào thì những ngày giáp tết sự náo nhiệt ấy phải được nhân lên gấp bội. Chị Thơm, ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) trong đội thồ hàng nói: Giữa tháng chạp là bà con đã đua nhau đặt hàng tết, người thì mấy cân thịt, vài bao nếp, hay những đòn chả, bó rau thơm. "Những ngày giáp tết, hàng hóa bán rất nhiều, phải vận chuyển gấp đôi gấp ba ngày thường. Cả vợ chồng, con cái cùng đưa hàng lên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của bà con Vân Kiều tôi không bỏ nghề được", chị vui vẻ.

Một mùa xuân nữa đang đến gần, những người phụ nữ ấy lại cùng nhau "cõng" tết lên với đồng bào vùng cao. Họ không chỉ đem hàng hóa lên mà còn mang theo không khí nhộn nhịp của mùa xuân lên với đồng bào.

Hàng Việt lên núi cao

Chị Hòa chia sẻ:  Khi các chợ lớn nhỏ trong tỉnh đều hướng đến cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam", thì đối với "chợ di động" các chị cũng hưởng ứng tích cực. Phần lớn hàng hóa được đưa lên đây đều là hàng Việt Nam 100%. Từ con cá, cân thịt, mớ rau đến quần áo, đồ dùng cho trẻ em đều là hàng nội.

                                                                           Lan Chi






 

,
.
.
.