Xa mặt cách lòng…

  • 06:35 | Chủ Nhật, 07/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
0(QBĐT) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ lâu đã trở thành con đường “đổi đời” của nhiều gia đình trẻ. Sau bao nhiêu năm “đồng cam, cộng khổ”, có nhiều gia đình đạt được hạnh phúc đủ đầy, trọn vẹn và viên mãn. Nhưng cũng không ít trường hợp đã buông tay nhau khi mơ ước chưa kịp thành hiện thực.
 
1. Họ đã từng có những năm tháng hạnh phúc và bình yên. Dù cuộc sống của gia đình trẻ sau hôn nhân còn lắm chật vật, khó khăn. Thế nhưng, sau một thời gian chung sống, họ nhận thấy cuộc sống và hạnh phúc gia đình không chỉ có tình yêu. Trong khi đó, áp lực cuộc sống mưu sinh ngày càng nặng gánh. Những người vợ, người chồng trẻ ấy đành gác lại những tháng ngày êm ấm bên gia đình về một cuộc sống sau này đủ đầy cả về vật chất và tinh thần để XKLĐ.
 
Người vợ trẻ ấy nộp đơn ra tòa xin ly hôn, khi người chồng vẫn còn đang mưu sinh nơi xứ người. Chị kể rằng, năm 2021, do cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, vợ chồng chị đã bàn bạc với nhau để chồng đi XKLĐ ở Đài Loan. Thời điểm đó, họ đã kết hôn được 3 năm, nhưng vì cuộc sống khó khăn, nên còn “kế hoạch”. Bởi anh chị muốn con cái mình sinh ra cũng được chăm lo đủ đầy như bao người khác. Thế nhưng, làm sao thay đổi được hoàn cảnh, trong khi 2 vợ chồng đều không có việc làm và thu nhập ổn định.
 
Thời gian đầu, vợ chồng sống xa nhau, họ vẫn thường xuyên liên lạc, quan tâm, động viên, hỏi han nhau. Tất cả nỗi nhớ, niềm mong họ giấu vào trong lòng, chờ ngày vợ chồng đoàn tụ. Không nói ra nhưng ai cũng thầm hy vọng về viễn cảnh tương lai tươi sáng của gia đình. Chị bảo, XKLĐ là con đường mà họ đã cùng nhau lựa chọn, vì cuộc sống, vì tương lai gia đình. Nhưng cũng chính vì khoảng cách địa lý, mà họ trở nên xa mặt, cách lòng. Và rồi, niềm tin, tình yêu, thứ mà họ đã hứa hẹn với nhau ngày càng trở nên phai nhạt.
 
Những cuộc điện thoại liên lạc thưa dần. Nó cũng không còn là phương tiện giao tiếp để kết nối, vun đắp, hay sưởi ấm tình cảm vợ chồng nữa, mà giờ đây là những cuộc cãi vã. Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. Mặc dù họ cũng đã nhiều lần hàn gắn nhưng không có kết quả. Và khi vợ chồng không có sự cảm thông chia sẻ và thiếu tin tưởng nhau, thì làm sao có thể vượt qua được khoảng cách. Vì nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, nên chị mới nộp đơn ra tòa xin ly hôn.
 
2. Không giống như trường hợp của chị Huyền, câu chuyện gia đình hậu XKLĐ của anh Thuyết, chị Hương trong vụ ly hôn này còn éo le hơn. Nguyên đơn trong vụ là anh Thuyết, còn chị Hương đang XKLĐ ở nước ngoài. Trình bày tại phiên tòa ngày hôm ấy anh kể trong nỗi chua chát. Anh chị kết hôn năm 2011, đến năm 2014, anh XKLĐ sang nước Đức.
 
Anh bảo, sung sướng gì khi phải khi bỏ lại vợ dại con thơ, tha phương, lưu lạc mưu sinh. Lựa chọn con đường XKLĐ cũng vì muốn lo cho gia đình, vợ con chứ không vì mục đích gì khác. Thế nhưng, đêm dài thì lắm mộng. Chính khoảng cách thời gian và địa lý đã lung lạc, người chồng, người vợ trẻ, thiếu thốn hơi ấm tình yêu, mà lẽ thường “đầu gối tay ấp”. Rồi cả những mảnh thông tin chắp nối rời rạc, nhiều chiều từ người thân và gia đình đã góp phần thổi bùng ngọn lửa nghi ngờ.
 
Năm 2017, chị Hương cũng vội vàng bỏ lại con thơ cho bố mẹ anh Thuyết để sang Đức. Chị sang đó, không phải để gặp anh cho thỏa lòng mong nhớ mà để XKLĐ. Biết được chuyện, không đành lòng bỏ lại con thơ, năm 2018, anh vội vàng trở về nước. Từ khi trở về cho đến những năm sau đó, anh và con cũng không nhận được thông tin, liên lạc được với chị Hương. Một thời gian sau, anh Thuyết đến nhà bố mẹ đẻ chị Hương và thông báo sẽ ly hôn. Ở nước ngoài, chị Hương biết được thông tin và cũng đồng ý ly hôn.
 
Ngày phiên tòa diễn ra, chỉ một mình anh Thuyết tham gia. Ngoài yêu cầu được ly hôn, anh Thuyết chỉ còn một yêu cầu là được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con trai nhỏ phải sớm thiếu thốn bàn tay và hơi ấm của người mẹ. Anh cũng không cần chị Hương chu cấp tiền nuôi con. Giờ đây, anh có cơ sở kinh doanh nhỏ, anh không sợ con phải sống trong thiếu thốn nữa. Và như lời anh nói, khi một người phụ nữ đã bỏ lại con thơ bước chân ra đi, thì có nghĩa họ cũng đã từ chối mái ấm gia đình này. Vậy là sau bao nhiêu năm “đồng cam, cộng khổ”, vợ chồng đồng lòng chung sức vượt qua, cuối cùng họ đành buông tay nhau khi đã thực hiện được ước mơ đổi đời.
 
XKLĐ đã và đang mang đến cho nhiều gia đình nhiều sự đổi thay. Nhưng, hy vọng những đổi thay đó là để tiếp tục vun đắp cho mái ấm hạnh phúc gia đình, chứ không phải đổi thay để rồi đánh đổi bằng sự tan vỡ. Phải chăng, trong cuộc sống gia đình, những giá trị vật chất đủ đầy vẫn không thể cố kết cho một cuộc hôn nhân bền vững. 
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

tin liên quan

Kiểm tra thông tin qua VNeID có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ

Theo Thông tư 28/2024/TT-BCA, việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.

Nhiều trường hợp ô tô chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, "cơi nới" thành thùng xe

(QBĐT) - Nhiều trường hợp lái xe ô tô tải cố tình vi phạm trong việc chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, "cơi nới" thành thùng xe để chở hàng. Đó là phản ánh của bạn đọc gửi đến Báo Quảng Bình.

Thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

(QBĐT) - Để tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và thực hiện hiệu quả Năm ATGT 2024 với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", Ban ATGT tỉnh đã ban hành kế hoạch và phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT năm 2024.