Những "giấc mơ bay"...
(QBĐT) - Phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) và du học bằng mọi giá, mọi cách nổi lên ở khắp các vùng quê. Chỉ cần quen biết được một người làm mối bất kể đó là ai, họ đều tin như điếu đổ và hết lần này đến đợt khác, dốc hết tiền của, thậm chí cầm cố đất đai, tài sản vay ngân hàng đổ vào những “giấc mơ bay” này.
1. Kết thúc phiên tòa hình sự xét xử một đối tượng phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” hôm ấy, ông Thịnh, một nạn nhân trong vụ việc vẫn chưa thôi từ bỏ giấc mơ XKLĐ để đổi đời cho con. Ông kể, cái thời bám ruộng, bám đồng của những nông dân như ông đã qua rồi.
Giờ với con, ông cũng tính hết nước hết cái, nếu ở nhà chỉ trông chờ vào ruộng đồng và đi làm thuê, thì không bao giờ khấm khá lên được. Chỉ có chịu khó vài năm đi XKLĐ, mới có hy vọng. Tôi hỏi: “Ông đã tính được đường chưa?”. Ông liền bảo đang tìm và đang tính…. Trong vụ việc này, ông có 2 lần trở thành nạn nhân của Nga, đối tượng bị truy tố về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, với bản án 3,6 năm tù.
Lần đó, qua giới thiệu, kết nối của người quen, ông Thịnh liên hệ Nga để nhờ làm thủ tục cho con gái XKLĐ sang Đức. Qua thỏa thuận, Nga đồng ý nhận làm thủ tục xuất cảnh sang Đức là 15.000 USD và yêu cầu ông Thịnh đưa hộ chiếu của con gái, đồng thời đặt cọc trước số tiền 1.000 USD để làm thị thực.
Đáng nói trong thời gian này, nghe được thông tin ông Thịnh tìm được “mối” và làm thủ tục cho con đi nước ngoài, nhiều người như “bắt được vàng”, vội vàng tìm đến ông để kết nối. Theo hẹn từ trước, một thời gian sau, ông Thịnh và những người này mang hộ chiếu và tiền đặt cọc vào TP. Hồ Chí Minh trực tiếp giao cho Nga và khấp khởi chờ đợi, hy vọng.
Hơn một tháng sau, họ nhận được thông báo ra Hà Nội gặp Nga, để chuẩn bị xuất cảnh. Tại đây, Nga đã giao hộ chiếu và giấy tờ cấp thị thực sang Cộng hòa Mô-dăm-bích theo diện du lịch. Nga còn dặn dò cẩn thận rằng, khi quá cảnh sang Pháp thì trốn ra khỏi sân bay, sẽ có người dẫn sang Đức. Trước khi xuất cảnh, hộ chiếu của mỗi người phải có thông tin đã từng xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam để chứng minh đã ra nước ngoài và trở về. Sự sành sỏi trong việc tổ chức và đường đi nước bước cho những “giấc mơ bay” ra nước ngoài của Nga đã thuyết phục họ.
Không chút hoài nghi, ông Thịnh và những người đi cùng tiếp tục giao cho Nga số tiền còn lại. Nga cũng không quên viết giấy nhận tiền cho họ. Vài ngày sau, Nga tổ chức cho họ xuất cảnh sang Trung Quốc qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và 1 ngày sau lại trở về nước. Sau đó, Nga đưa vé máy bay tiễn họ bay sang Mô-dăm-bích và quá cảnh Pháp, Ê-ti-ô-pi-a. Tuy nhiên, khi quá cảnh đến sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp), họ đã trốn ra ngoài để chờ người của Nga đưa sang Đức, thì bị cảnh sát Pháp bắt trả về nước.
May mắn cho họ, do chuyến bay không trót lọt, Nga đã trả lại số tiền còn lại cho họ. Đó cũng chính là lý do để, họ tiếp tục gửi gắm “niềm tin” cho Nga thêm một lần nữa, chỉ sau đó ít tháng. Lần này chính Nga chủ động tìm đến với họ. Nga nói rằng, mình đang làm đường dây mới sang Đức, chi phí mỗi người 17.000 USD. Nếu ông Thịnh đồng ý thì Nga sẽ làm thủ tục cho. Ông Thịnh một lần nữa đồng ý nộp tiền để làm thủ tục.
Gần 1 tháng sau, họ tiếp tục ra Hà Nội để chuẩn bị cho chuyến bay. Thay vì đi theo con đường lúc trước, lần này, Nga giao cho họ thị thực nhập cảnh Latvia, theo diện du lịch, thương mại và bảo đến đó sẽ có người đưa sang Đức. Thế nhưng, vừa đến Mát-xcơ-va (Nga) và đang trên được đi tàu hỏa đến biên giới Latvia, thì họ thị thực vào Latvia hết giá trị, nên đành phải quay về nước. May mắn lần này, Nga tiếp tục trả lại số tiền còn lại để họ về nhà.
2. Chuyện những “giấc mơ bay” không chỉ diễn ra trong XKLĐ, mà còn trong chuyện du học. Ngày nghe thông tin, có người biết được một công ty có khả năng đưa người đi du học ở Canada, ông Trường liền tìm đến nhờ tư vấn, làm thủ tục cho đứa con trai vừa tốt nghiệp THPT. Theo lời của người này, thì sau khi đăng ký nộp hồ sơ, chỉ trong khoảng thời gian từ 1-3 tháng sẽ được xuất cảnh, nếu không đi được sẽ hoàn trả lại tiền.
Được lời như cởi tấm lòng, ông Trường dốc sức để đầu tư cho con thỏa nguyện ước mơ. Một tháng sau khi hoàn thành các thủ tục, nhân mối này dẫn ông Trường cùng con ra trụ sở công ty cung cấp dịch vụ để được tiếp tục tư vấn và nộp tiền cọc. Tại đây, Hoàn, nữ giám đốc công ty, cho biết nếu đi du học Canada, mỗi suất phải đóng trước khoản tiền 294 triệu đồng, gọi là “hóa đơn nộp tiền” thì trường mới cấp thư mời.
Đã tận mắt thấy, tai nghe, thì không lý do gì để ông Trường không tin tưởng. Với họ, con đường du học đến với đất nước Canada chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế. Họ liền trực tiếp đóng tiền đầy đủ cho Hoàn. Một thời gian sau, ông Trường dẫn con ra học tiếng do Hoàn trực tiếp dạy, với thời gian vỏn vẹn 2 ngày, rồi yêu cầu họ tự học. Sau khoản tiền 294 triệu đồng nói trên, Hoàn còn yêu cầu ông Trường đóng thêm 23 triệu đồng để làm sổ ngân hàng và phí lăn tay, xin cấp visa. Khá lâu sau những lời hứa, thấy con mãi không được gọi đi du học, ông Hoàn liên hệ hỏi nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Cuối cùng, không thể chịu được công sức, tiền của, thời gian đã dồn sức vào “canh bạc” này, ông Trường yêu cầu trả lại tiền, nhưng cũng không được hồi âm.
Chỉ đến khi, vụ việc được làm sáng tỏ, ông Trường mới biết, Hoàn vốn là 1 giám đốc công ty không có chức năng đưa người Việt Nam đi du học tại nước ngoài. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ, nên Hoàn đã đưa ra những thông tin gian dối rằng, công ty có chức năng đưa người đi du học và XKLĐ, nhằm chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu. Để tạo lòng tin và tiếp tục yêu cầu nộp tiền, vị giám đốc “rởm” này tự bịa ra các thủ tục, sử dụng phần mềm điện tử chỉnh sửa văn bản để cung cấp cho nạn nhân. Hành vi của nữ giám đốc sau đó đã bị xử phạt 12 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mong muốn được XKLĐ và du học nhanh gọn mà không phải mất công sức nào để thực hiện các thủ tục cần thiết, cùng với sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và cả những lời hứa hẹn “bao trọn gói”, nhiều người rơi vào cái bẫy đã giăng sẵn của các đối tượng “cò” môi giới, lừa đảo. Ở nhiều vùng quê nghèo, đã có nhiều người không chỉ tan vỡ giấc mơ “đổi đời”, mà còn bị mất trắng hàng trăm triệu đồng. Có người sau khi sập bẫy đã tỉnh ngộ. Nhưng cũng có những nạn nhân vẫn chưa thôi hy vọng về những “giấc mơ bay”.
Lê Thy