Day dứt chuyện con trẻ
(QBĐT) - Trong những phiên tòa ấy, những đứa trẻ đã từng phải lựa chọn để được sống cùng ba hoặc mẹ nhưng chúng đâu chỉ lựa chọn một lần, mà phải đến 2, 3 lần như thế.
1. Những đứa trẻ ấy đã từng có những khoảnh khắc đùa vui, sum vầy trong vòng tay yêu thương của cả ba và mẹ. Nhưng giờ đây, chúng sẽ chẳng bao giờ có được những giây phút đầm ấm, ngập tràn hạnh phúc đó nữa. Sống cùng ba hoặc mẹ là sự lựa chọn mà chúng không hề mong muốn. Hết lần này đến lần khác, chúng bị đưa đẩy, giành giật theo mong muốn của đấng sinh thành.
Năm 2021, sau một thời gian chung sống, anh Tính và chị Linh đường ai nấy đi. Chị Linh được tòa án giao trực tiếp nuôi dưỡng con trai (dưới 36 tháng tuổi). Những tưởng mọi chuyện đã kết thúc. Sau hơn 2 năm ly hôn, một ngày, anh Tính có đơn gửi tòa án yêu cầu giải quyết thay đổi quyền nuôi con chung. Lý do anh Tính đưa ra là do chị Linh và gia đình bên ngoại liên tục ngăn cản anh đến thăm con, ngay cả khi con ốm.
Qua quan sát nhiều lần anh thấy chị Linh thường xuyên đi chơi đêm, tụ tập ăn chơi, tiệc tùng với bạn bè và về nhà rất muộn, bỏ mặc con ở nhà một mình. Đỉnh điểm có ngày con trai anh bị tai nạn và tổn thương nặng ở mặt. Thấy con nhiều lần bị thương và trầy xước, anh đã nhắc nhở chị Linh chăm sóc con cẩn thận, nhưng sự việc vẫn không thay đổi. Hiện tại, anh có công việc, thu nhập ổn định nên có nguyện vọng xin được thay đổi quyền nuôi con.
Ngược lại chị Linh lại cho rằng, quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc con, chị đã bảo đảm điều kiện chăm sóc tốt nhất cho con. Chị luôn yêu thương, quan tâm đến tâm tư, suy nghĩ của con, cũng như cố gắng tạo môi trường sống lành mạnh, tràn đầy tình cảm cho con. Là người mẹ, chị thường xuyên hỏi han, trò chuyện cùng con sau những lúc con tan học ở lớp hoặc khi vui chơi cùng gia đình, bạn bè và động viên con thể hiện tình cảm đối với ông bà, ba mẹ.
Sau khi ly hôn (chị là nguyên đơn trong vụ ly hôn trước đó-P.V), để tránh cho con bị ảnh hưởng tâm lý vì thiếu bàn tay chăm sóc của người ba, chị đã luôn cố gắng giữ sự kết nối tình cảm với gia đình hai bên, bảo đảm cho con được sống trong tình yêu thương đầy đủ từ các thành viên trong gia đình. Hỗ trợ chị trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con còn có mẹ ruột của chị hiện đang sống cùng chị và con. Từ khi đường ai nấy đi, chị không ngăn cản việc thăm nuôi của anh Tính, mà vẫn để anh đến thăm nuôi, đưa đón cháu đi chơi vào dịp cuối tuần. Chị cũng đã chủ động đưa con sang gặp gỡ, ở lại chơi cùng ông bà nội và ba.
Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, chị không thể tránh được con ốm đau, tai nạn, do con còn nhỏ, sức đề kháng yếu và chưa thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân. Về hình ảnh con bị trầy xước ở mặt là do con bị ngã xe trong quá trình đón con từ trường về nhà. Chị đã đưa con đi bệnh viện để khám, sau vài ngày chăm sóc vết thương của cháu đã phục hồi. Đây là tai nạn ngoài ý muốn của chị và gia đình, chứ không phải là hành vi bạo lực, hành hạ hay đánh đập.
Còn việc anh Tính cho rằng chị thiếu quan tâm, chăm sóc, bỏ mặc con ở nhà một mình để tụ tập ăn chơi là sai sự thật, không có căn cứ chứng minh. Vì vậy, chị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Tính và mong muốn được tiếp tục trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nguyện vọng của anh Tính đều không thành.
2. Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, anh Hảo thất thểu ra về. Điều khiến anh buồn không phải bởi vì cuộc hôn nhân tan vỡ mà từ nay anh phải giao lại đứa con trai bé bỏng mới hơn 4 tuổi cho người vợ vừa ly hôn chăm sóc. Anh kể, từ khi chị Hương sinh con đến trước thời điểm ly hôn, anh được cơ quan cử đi học tập trung ở TP. Hà Hội nhiều năm nên thời gian anh được ở bên con không nhiều. Đó là thiệt thòi cho con và cũng là thiệt thòi cho anh. Thế rồi, những chuyện không vui xảy ra. Những tưởng sau phiên tòa ly hôn cách đó mấy tháng, anh mãi mãi được ở bên cạnh chăm sóc, lo lắng cho con. “Thằng bé đang bị bệnh mà…”, nói rồi anh ngập ngừng lên xe ra về.
Đây là lần thứ 2 chị Hương là nguyên đơn gửi tòa án. Lần thứ nhất, chị gửi đơn ra tòa án xin ly hôn. Và lần này, chị có đơn kháng cáo xin được quyền nuôi con. Lần trước, chị chủ động ly hôn vì anh Hảo nghi ngờ trong thời gian anh đi học ở xa, chị Hương đưa con về sống cùng nhà ngoại và ngoại tình với người đàn ông khác. Mâu thuẫn không thể hòa giải, tòa án đã chấp thuận cho anh chị được ly hôn.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày hôm ấy, anh Hảo có nguyện vọng được nuôi con, vì lý do chị Hương đã vi phạm đạo đức, lối sống nên không có tư cách để nuôi dạy con. Mặt khác, trong thời gian ở với chị Hương, do không được quan tâm chăm sóc nên con trai anh bị bệnh rối loạn phổ tự kỷ, chậm nói và hiểu biết nhận thức kém hơn so với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Kết thúc phiên tòa, anh Hảo được giao quyền nuôi dưỡng chăm sóc con.
Không đồng ý với quyết định của tòa án sơ thẩm, chị Hương kháng cáo lên cấp phúc thẩm để có được quyền nuôi con. Tại phiên tòa này, hội đồng xét xử cho rằng, theo như lời trình bày của anh Hảo cũng như các tài liệu, chứng cứ, việc anh Hảo trình bày chị Hương vào nhà nghỉ với người đàn ông khác là chưa có đủ căn cứ xác thực để xác định chị có quan hệ ngoại tình. Và việc con anh chị bị rối loạn phổ tự kỷ là do bệnh khởi phát và bệnh này khá phổ biến ở trẻ chứ không thể cho đó là lỗi của người mẹ không quan tâm chăm sóc. Mặt khác, việc làm của anh Hảo tuy ổn định nhưng thời gian và điều kiện để chăm sóc con sẽ có phần hạn chế so với chị Hương làm công việc tự do. Vì vậy, giao con cho chị Hương trực tiếp nuôi dưỡng là phù hợp và thuận lợi hơn.
Dẫu mối quan hệ hôn nhân của người lớn đã kết thúc, nhưng sau mỗi bản án này, câu chuyện của con trẻ vẫn chưa bao giờ thôi day dứt. Với họ, chuyện giành giật con, có thể là vì trách nhiệm và tình thương yêu nhưng người gánh chịu hậu quả sau cùng của những tan vỡ chính là những đứa trẻ thơ dại, vẫn luôn cần đến hơi ấm trọn vẹn của gia đình, ba mẹ.
Lê Thy