Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn về tình trạng học sinh sử dụng mô tô, xe máy và tội phạm sử dụng công nghệ cao
(QBĐT) - Sáng nay, 11/7, tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu tiến hành chất vấn về một số nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm.
Các đại biểu Đặng Đại Bàng và Phan Thanh Dũng đã nêu câu hỏi chất vấn đồng chí Giám đốc Công an tỉnh về thực trạng và biện pháp đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển mô tô, xe máy gây tai nạn giao thông (TNGT).
Về các vấn đề này, đồng chí đại tá Nguyễn Hữu Hợp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh trả lời như sau:
Về thực trạng và biện pháp đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng:
Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự và gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, nổi lên là: Gọi điện giả danh để lừa đảo; chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội để vay, mượn tiền; kêu gọi đầu tư, kiếm tiền qua mạng; giả mạo cho vay trực tuyến... Các đối tượng thường sử dụng tài khoản mạng xã hội “ảo”, sim “rác”, tổng đài “ảo”, máy chủ nước ngoài, sử dụng tài khoản ngân hàng được thuê, mua, không chính chủ để nhận tiền, luân chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau hoặc mua tiền điện tử để che giấu dòng tiền phạm tội.
Từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh nhận thấy có 2 dạng tội phạm với đặc điểm riêng biệt, gồm: Tội phạm hoạt động trong nước chủ yếu có tuổi đời rất trẻ, tự học hỏi phương thức, thủ đoạn trên không gian mạng, sau đó liên kết, tập hợp thành các nhóm để thực hiện hành vi phạm tội, phối hợp che giấu nguồn tiền thu lợi bất chính. Dạng tội phạm này thường hình thành ở các địa bàn "nóng" về tội phạm công nghệ cao như Quảng Trị, Quảng Nam, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Tại Quảng Bình cũng đã bắt đầu manh nha một số nhóm nhỏ lẻ được các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá hoặc đưa vào diện theo dõi, nắm tình hình.
Tội phạm là công dân Việt Nam, thực hiện hành vi lừa đảo đối với người Việt Nam trên không gian mạng, hoạt động tại các trụ sở ở nước ngoài, như: Campuchia, Thái Lan, Philippines...bị các đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài ép buộc, lôi kéo. Dạng tội phạm này được tập huấn, hướng dẫn một cách bài bản, hoạt động theo đường dây, ổ nhóm rất phức tạp. Đặc biệt, một số đối tượng sau khi rời khỏi ổ, nhóm tội phạm người nước ngoài tiếp tục tạo lập các hội, nhóm người Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến. Tại Quảng Bình đã phát hiện một số trường hợp bị lừa xuất khẩu lao động sang Campuchia, nhưng thực chất là bị lừa vào các ổ, nhóm tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Trước thực tế trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã, triển khai đồng bộ các biện pháp nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và tổ chức đấu tranh với loại tội phạm này. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 10 vụ/9 bị can liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến.
Nổi bật, đã phá thành công chuyên án liên quan 7 đối tượng tại địa bàn huyện Quảng Ninh về hành vi xâm nhập trái phép vào tài khoản mạng xã hội của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền giao dịch khoảng 8 tỷ đồng (cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ/3 bị can); chuyên án không chỉ phá rã được 1 “ổ”, “nhóm” tội phạm sử dụng công nghệ cao mới manh nha hình thành, mà còn ngăn chặn hoạt động lan truyền, chia sẻ, chỉ dạy cách thức thực hiện hành vi phạm tội cho số thanh, thiếu niên trên địa bàn.
Trước đó, năm 2023, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các tỉnh phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh) đấu tranh, phá thành công chuyên án liên quan 21 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, hoạt động tại địa bàn Campuchia, tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng ước tính gần 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn, như: Hoạt động phạm tội có tính tự động hóa, chuyên nghiệp cao, dễ dàng xóa bỏ dấu vết phạm tội là các dữ liệu điện tử; tội phạm hoạt động ẩn danh, liên tỉnh, xuyên quốc gia; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, ngân hàng hiện còn nhiều bất cập, chưa theo kịp hoạt động của tội phạm; mặc dù lực lượng Công an và các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của loại tội phạm này, song một bộ phận nhân dân còn tâm lý chủ quan, không tìm hiểu, thiếu kỹ năng xử lý thông tin, tình huống trên không gian mạng, vô tình tạo điều kiện để các đối tượng lừa đảo, thực hiện hành vi phạm tội.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trực tuyến, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương cùng với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, rà soát, lên danh sách và có biện pháp quản lý nghiệp vụ với các đối tượng, băng, nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để tập trung đấu tranh, triệt phá. Phối hợp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, lưu động một số vụ án điển hình được dư luận quan tâm để răn đe, phòng ngừa chung; tăng cường quản lý nhà nước đối với các các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động của tội phạm lừa đảo trực tuyến, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân nhận biết, chủ động phòng tránh...
Về phía người dân, cần chủ động tìm hiểu, nắm kỹ về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng qua các kênh thông tin tuyên truyền của lực lượng chức năng để chủ động phòng tránh. Đồng thời, chủ động phối hợp, giúp đỡ lực lượng Công an trong đấu tranh với loại tội phạm này.
Về tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển mô tô, xe máy gây TNGT:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe nhưng vẫn sử dụng mô tô, xe máy để đến trưởng, gây TNGT. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh (chiếm 18% số vụ TNGT của toàn tỉnh), làm chết 9 người (chiếm 8,1%), bị thương 14 người (chiếm 18,6%); lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.150 trường hợp liên quan đến lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT), chiếm 7,6% tổng số vụ vi phạm TTATGT trên toàn tỉnh; tạm giữ 8.989 phương tiện vi phạm. Trong đó, lỗi chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy chiếm 70,2%; không đội mũ bảo hiểm chiếm 21,1%; vi phạm nồng độ cồn chiếm 1,7%... Không có tình trạng đua xe trái phép, tuy nhiên manh nha một số trường hợp thanh thiếu niên, học sinh tụ tập điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất TTATGT.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do một bộ phận phụ huynh, người giám hộ thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái, chưa nêu gương, chấp hành các quy định về TTATGT, vẫn còn tình trạng phụ huynh giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về ATGT chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Mặc dù đã được thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhưng ý thức chấp hành pháp luật của các em học sinh còn hạn chế; do có sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi nên các em học sinh luôn muốn khẳng định mình, thích thể hiện, dễ dẫn đến hành vi bộc phát, thiếu kiểm soát khi tham gia giao thông; một số chế tài xử lý hành vi vi phạm đối với lứa tuổi học sinh chưa nghiêm; công tác xử lý kỷ luật học sinh vi phạm trong nhà trường chưa thật sự nghiêm khắc; công tác phổ biến, giáo dục ATGT dù đã được lồng ghép vào trong chương trình chính khóa nhưng chưa có khung chương trình cho từng cấp học...
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã triển khai các tổ tuần tra, kiểm soát chuyên đề đối với học sinh; tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không trông giữ xe mô tô, xe máy của học sinh. Phối hợp ngành Giáo dục-Đào tạo và các đơn vị liên quan tổ chức 86 buổi tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho gần 40.000 học sinh và 4.000 giáo viên tại các trường học; tổ chức cho phụ huynh ký hơn 3.000 cam kết không giao xe cho học sinh, con em không đủ điều kiện; xây dựng mới 121 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; tổ chức đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại 28 điểm trường phức tạp về TTATGT.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh, sinh viên, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tỉnh hình mới; Chỉ thị số 31/CT/TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.