(QBĐT) - Sau gần 10 năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ (Nghị định 67), rất nhiều tàu cá được ngân hàng hỗ trợ cho vay đóng mới theo Nghị định 67 (gọi tắt là “tàu 67”) hoạt động không hiệu quả. Nhiều ngư dân trở thành những “con nợ” của ngân hàng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Ngân hàng kiện ra tòa để đòi nợ
Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục ngư dân vay tiền đóng “tàu 67” để vươn khơi bám biển mất khả năng trả nợ và bị ngân hàng khởi kiện ra tòa án để đòi nợ.
Cuối tháng 3/2024, Tòa án nhân dân (TAND) TX. Ba Đồn mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, giữa nguyên đơn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Bắc Quảng Bình (BIDV Bắc Quảng Bình) và bị đơn là ông N.X.C. ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).
Theo hợp đồng tín dụng số 01/2016/8548777/HĐTD, ngày 12/5/2016 và các văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng, ông N.X.C. đã vay số tiền hơn 16,5 tỷ đồng (thời hạn 192 tháng) của BIDV Bắc Quảng Bình để đóng mới tàu cá vỏ thép khai thác hải sản xa bờ. Để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, ông C. đã lập các hợp đồng thế chấp bất động sản hợp pháp của mình, gồm: Tài sản hình thành trong tương lai và thửa đất số 62, tờ bản đồ số 8 (diện tích gần 120m2), có địa chỉ tại xã Cảnh Dương gắn liền với quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng, ông N.X.C. không thực hiện đúng các thỏa thuận, cam kết để phát sinh nợ quá hạn. Tính đến tháng 6/2023, tổng số nợ lên đến hơn 20 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 16,4 tỷ đồng, nợ lãi gần 3,3 tỷ đồng, phí trả chậm hơn 365 triệu đồng.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, TAND TX. Ba Đồn đã quyết định ông N.X.C. phải trả cho BIDV Bắc Quảng Bình tổng số nợ hơn 21 tỷ đồng. Trường hợp ông N.X.C. không trả được nợ thì phía ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp là thửa đất số 62 và 1 tàu cá vỏ thép.
Theo Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình Phạm Anh Đài, tổng số tiền của các ngân hàng thương mại huy động vốn để cho vay đóng “tàu 67” hơn 989 tỷ đồng, trong đó nợ xấu hơn 792 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng đã khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ, nhưng “tàu 67” thu về khó bán đấu giá vì giá quá cao và ít người mua. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã phải tự “xử lý” bằng cách sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp cho các khoản nợ.
Tương tự, cuối năm 2022, TAND huyện Bố Trạch cũng đã chấp nhận khởi kiện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam-Chi nhánh Bắc Quảng Bình (Agribank Bắc Quảng Bình) và buộc ông Ng.N. ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch) có nghĩa vụ thanh toán tổng số tiền hơn 7,5 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 6,1 tỷ đồng, nợ lãi hơn 1,4 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, ông N. đã vay của ngân hàng này 8 tỷ đồng để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Thời hạn vay 11 năm, lãi suất 7%/năm, trong đó lãi suất chủ tàu phải trả là 3%/năm, lãi suất nhà nước cấp bù 4%/năm.
Để bảo đảm cho khoản vay, ông N. đã thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là tàu cá đóng mới. Quá trình vay, ông N. sử dụng vốn vay đúng mục đích và đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi định kỳ số tiền gần 3,7 tỷ đồng, trong đó tiền gốc hơn 1,8 tỷ đồng, tiền lãi hơn 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2020, ông N. không thực hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết, dẫn đến khoản vay quá hạn và vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Khó xử lý nợ
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến tháng 4/2024, tỉnh đã triển khai đóng mới 81 “tàu 67” và 3 tàu thay thế tàu giải bản, 3 tàu nâng cấp (không nằm trong 85 chỉ tiêu Bộ NN-PTNT giao). Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác và sử dụng (tính đến tháng 8/2023) chỉ có 40 tàu cá vẫn đang hoạt động, 27 tàu nằm bờ do hoạt động không hiệu quả, 4 tàu bị chìm không trục vớt được, 16 tàu đã bị ngân hàng thu hồi, bán đấu giá cho các tổ chức, cá nhân.
Còn theo số liệu cập nhật của các ngân hàng thương mại, trong tổng số 87 tàu đóng mới, nâng cấp có 7 tàu thường xuyên quá hạn trả nợ gốc và lãi; 26 tàu không trả được gốc và lãi; 31 tàu đang bị ngân hàng khởi kiện ra tòa án; 3 tàu đã bị ngân hàng thu hồi đang bán đấu giá; 16 tàu đã bị ngân hàng thu hồi, bán đấu giá; 4 tàu bị chìm không trục vớt được.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) Lê Ngọc Linh cho biết, phần lớn “tàu 67” không có khả năng trả nợ đúng hạn cho các ngân hàng do rất nhiều nguyên nhân, như: Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm; giá hải sản không ổn định, có lúc “rớt giá” trong khi chi phí đầu vào tăng cao; nghề đi biển thiếu lao động, một số chủ tàu chưa có kinh nghiệm trong việc vận hành tàu cá được trang bị các thiết bị hiện đại.
Ngoài ra, những khó khăn khách quan của những năm trước, như: Đại dịch Covid-19, sự cố môi trường biển Formosa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân. Còn các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu hồi nợ, như: Không kiểm soát được dòng tiền lợi nhuận của các chủ tàu trong quá trình hoạt động sản xuất, một số chủ tàu thực sự hoạt động không hiệu quả, số khác vẫn hoạt động hiệu quả nhưng có tư tưởng chây ỳ, cố tình không trả nợ và hy vọng sẽ được xóa nợ, giãn nợ. Hiện nay, nhiều tàu cá nằm bờ bị xuống cấp, do ngân hàng hoặc cơ quan thi hành án thu giữ, không được bảo dưỡng thường xuyên, dẫn đến khó khăn trong xử lý nợ.
Chủ “tàu 67” phải đi làm thuê
Ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) không ai không biết đến ông T.Đ.Th., bởi ông từng là ngư dân can trường và tiếng tăm trong nghề biển. Trước năm 2015, ông đã sở hữu con tàu công suất 450CV, thuộc vào loại lớn ở xã. Lúc đó, ông nghĩ, sẽ chỉ gắn bó với con tàu này đến khi nghỉ biển. Thế rồi, Nghị định 67 ra đời. Trong tổng số tiền vay 11 tỷ đồng để đóng “tàu 67”, gia đình ông đã cầm cố tài sản thế chấp ngân hàng để đối ứng và vay hơn 3,3 tỷ đồng.
Một vị thẩm phán tòa án cho biết, qua xem xét hồ sơ của các vụ này, hầu hết các khoản vay đóng “tàu 67” quá lớn và “quá sức” với ngư dân. Cùng với việc thiếu tính toán cho khoản nợ, ngư dân gặp nhiều khó khăn khách quan, khiến không còn sức để trả nợ ngân hàng. Đối với ngân hàng, để bảo đảm an toàn cho khoản vay, hầu hết các hợp đồng tín dụng đều bổ sung hợp đồng là các tài sản thế chấp, nếu xảy ra tình huống người vay không trả được nợ. Đã có nhiều ngư dân không chỉ mất đi phương tiện mưu sinh mà còn bị phát mại nhà cửa, đất đai để thi hành án. Thời gian tới, sẽ còn nhiều trường hợp tiếp tục bị kiện ra tòa để đòi nợ.
Năm 2015, ông Th. là một trong số những ngư dân đầu tiên ở xã Bảo Ninh có được con “tàu 67” “khủng” với công suất 814CV. Ông Th. nhớ lại, cuộc đời ngư dân bám biển gắn bó với đời tàu, thuyền. Con tàu không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là thước đo cuộc sống của ngư dân. Tàu càng to, chứng tỏ ngư dân càng có “nghề” và nó còn là “sức mạnh” của con người để chinh phục và vượt qua sóng gió của biển cả.
Thế nhưng, đưa con tàu vào khai thác và sử dụng hơn 1 năm thì xảy ra sự cố môi trường biển Formosa. Giá thủy sản xuống thấp, ngư dân vươn khơi, bám biển cầm chừng. Vừa thoát khỏi sự cố Formosa, lại đến đại dịch Covid-19. Qua gần 10 năm, gia đình ông đã trả nợ được 4,1 tỷ đồng, số tiền nợ còn lại bị ngân hàng xếp vào nợ xấu. Vừa qua, ông bị ngân hàng khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Không có tiền trả nợ, ông đành chấp nhận để ngân hàng “lấy lại” con tàu.
Giờ đây, ông phải đi làm thuê cho tàu người quen vì không còn phương tiện bám biển. Người con trai bấy lâu đồng hành cùng ông trên biển cũng phải bỏ biển, tìm kiếm kế mưu sinh bằng con đường xuất khẩu lao động. Đáng nói, ông T.Đ.Th. không phải là trường hợp hiếm hoi. Lãnh đạo các địa phương cho biết, nhiều chủ “tàu 67” là những ngư dân kinh nghiệm, can trường bám biển nhưng giờ đây đều trở thành người làm thuê cho các tàu khác.
Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay tình trạng ném đất, đá và chất bẩn lên tàu hỏa xảy ra tại một số địa phương có đường sắt đi qua có xu hướng gia tăng. Nguy hiểm hơn, những hành vi này chưa được ngăn chặn tận gốc bởi một số người sinh sống hai bên đường sắt coi đây là trò vui đùa, giải trí.
(QBĐT) - Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và lực lượng Quản lý thị trường tỉnh vừa phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 3 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo kế hoạch, sáng 22/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC.