TAND huyện Bố Trạch: Thực tiễn triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

  • 13:59 | Thứ Hai, 12/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án, những tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp tiếp nhận 1.551 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành HGĐT, trong đó 902 đơn các đương sự đồng ý HGĐT. TAND hai cấp tổ chức HGĐT thành và ra quyết định công nhận 437 vụ việc, đạt tỷ lệ 48,45%. Một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác HGĐT là TAND huyện Bố Trạch với tỷ lệ HGĐT thành đạt 67%.
 
Theo thẩm phán Nguyễn Xuân Diệu, Chánh án TAND huyện Bố Trạch, Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 nhằm cụ thể hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Việc giải quyết các vụ án theo Luật HGĐT tại tòa án mà không bắt buộc phải thụ lý theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng Dân sự hay Luật tố tụng Hành chính góp phần giảm thiểu áp lực đối với hệ thống tòa án trong bối cảnh số vụ án, vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự, hành chính ngày càng có chiều hướng gia tăng.
 
Tại TAND huyện Bố Trạch, qua gần một năm triển khai Luật HGĐT tại tòa án, đơn vị đã thụ lý 358 vụ việc; giải quyết 335 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,6%. Trong 335 vụ việc, cán bộ tòa án thực hiện HGĐT thành và ra quyết định công nhận 225 vụ việc, đạt tỷ lệ 67%. Số vụ việc HGĐT không thành chuyển thụ lý theo thủ tục chung 88 vụ; người khởi kiện rút đơn 13 vụ; 32 vụ việc đang trong thời gian hòa giải. 
Người dân làm thủ tục đăng ký chấp nhận HGĐT tại tòa.
Người dân làm thủ tục đăng ký chấp nhận HGĐT tại tòa.
Hòa giải viên (HGV) Nguyễn Thị Loan, TAND huyện Bố Trạch chia sẻ: “Người làm nhiệm vụ hòa giải không chỉ nắm vững về chuyên môn, nghiệp vụ, quy định pháp luật mà còn có thêm "cái khiếu", sự kiên nhẫn. Tỷ lệ HGĐT thành chủ yếu thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình, ngoài ra còn ở nhiều lĩnh vực khác như tranh chấp dân sự, hành chính. Nếu các đương sự chấp nhận ngồi lại với nhau, hòa giải thành thì mọi thủ tục giải quyết rất nhanh, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí”.
 
Để tiến hành Luật HGĐT tại tòa án, trước tiên, TAND huyện Bố Trạch tiếp nhận, thụ lý các vụ, việc, đơn khởi kiện của đương sự. Tiếp đó, làm công tác “dân vận” riêng các bên đương sự. Khi các đương sự đồng ý tiến hành HGĐT thì HGV cho các đương sự gặp nhau. Nếu các bên đương sự tìm được tiếng nói chung, thỏa thuận, chấp nhận hòa giải thì khâu cuối cùng là tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.
 
Một số vụ việc ngoài lĩnh vực hôn nhân gia đình được TAND huyện Bố Trạch HGĐT thành, đơn cử như vụ việc bà Đỗ Thị Hồng N. (SN 1985, trú tại tiểu khu 12, thị trấn Hoàn Lão) khởi kiện ông Nguyễn Quang S. (SN 1996, quê quán xã Trung Trạch về “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”. Nội dung yêu cầu tòa án giải quyết như sau: Tháng 3/2021, bà N. xác lập hợp đồng mua của ông S. một lô đất ở xã Trung Trạch, số tiền đặt cọc trước 50 triệu đồng. Hợp đồng có điều khoản, đến tháng 4/2021, ông S. phải hoàn tất thủ tục sang nhượng lô đất trên cho bà N., nếu quá thời hạn, ông S. sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng gấp 5 lần tiền đặt cọc (250 triệu đồng).
 
Mặc dù hợp đồng mua bán xác lập theo đúng quy định pháp luật nhưng ông Nguyễn Quang S. không thực hiện. Đến tháng 1/2022, ông S. bán lô đất này nhưng vẫn không chịu hoàn tiền cọc cho bà N., buộc lòng bà N. phải viết đơn khởi kiện yêu cầu tòa án buộc ông S. trả số tiền cọc 50 triệu đồng cộng thêm số tiền phạt cọc 50 triệu đồng nữa, tổng cộng số tiền ông S. phải trả cho bà N. là 100 triệu đồng.
 
Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện của bà Đỗ Thị Hồng N., HGV Nguyễn Thị Loan tiếp cận hai bên nguyên đơn và bị đơn. Được sự giải thích, động viên của HGV, các đương sự đồng ý chấp nhận hòa giải.
 
Qua các lần tổ chức HGĐT, ông Nguyễn Quang S. thừa nhận, ông đã nhận của bà N. 50 triệu đồng tiền cọc hợp đồng mua bán đất. Bà Đỗ Thị Hồng N. từ chỗ yêu cầu ông S trả số tiền 100 triệu đồng (50 triệu đồng tiền cọc và 50 triệu đồng tiền phạt cọc), thông qua đối thoại đã chấp nhận để ông S. trả cho mình 25 triệu đồng. Việc giao nhận tiền giữa hai đương sự diễn ra trước sự chứng kiến của HGV, đồng thời các bên yêu cầu TAND huyện Bố Trạch công nhận kết quả hòa giải thành.
 
Thẩm phán Nguyễn Xuân Diệu cho biết: “Thực tiễn qua gần một năm thi hành Luật HGĐT tại tòa án cho thấy, các vụ việc giải quyết theo thủ tục hòa giải rất nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, các vấn đề đương sự thỏa thuận thông qua HGĐT đều thực hiện nghiêm túc, người dân không phải chịu án phí hoặc chi phí tố tụng dù giá trị tranh chấp lớn đến đâu, tỷ lệ tái tranh chấp sau hòa giải thấp... Quyết định tòa án công nhận HGĐT thành chưa có trường hợp nào phải yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành”.
 
“Mặc dù tỷ lệ HGĐT thành cao nhưng trong quá trình triển khai Luật HGĐT tại tòa án vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại: Đa số người dân chưa nắm rõ và hiểu hết ý nghĩa của Luật HGĐT tại tòa án nên cho rằng việc hòa giải chỉ kéo dài thời gian, trong khi họ muốn được giải quyết nhanh chóng, sớm đưa ra xét xử, dẫn đến tâm lý không muốn HGĐT. Trong một số vụ việc, luật sư, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện đã tư vấn cho đương sự không đồng ý HGĐT”, thẩm phán Nguyễn Xuân Diệu cho biết thêm.
 
Thanh Long

tin liên quan

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân giảm án tử hình cho 10 bị án

Ngày 30/8, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án, trong đó có 2 bị án là người nước ngoài.

Phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm nhập lậu phục vụ Tết Trung thu

(QBĐT) - Ngày 30/8, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Gia Huy, ở TDP 5, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới và phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu có dấu hiệu nhập lậu.

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng đánh tráo hàng mua qua mạng

(QBĐT) - Ngày 29/8/2022, Công an huyện Quảng Ninh đã tiến hành tạm giữ hình sự đối với Lê Tài Tuấn (SN 1998, trú tại TDP 3, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.