Công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực

  • 09:52 | Chủ Nhật, 01/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Vụ án chấn động trong giới chứng khoán, xảy ra tại Tập đoàn FLC, cùng nhiều nhân sự cấp cao của Tập đoàn FLC và các công ty liên quan đã thu hút sự quan tâm của công luận thời gian qua.
Bắt giữ Giám đốc và 4 cán bộ CDC Nam Định liên quan vụ Việt Á. (Ảnh: Văn Đạt/TXVN)
Bắt giữ Giám đốc và 4 cán bộ CDC Nam Định liên quan vụ Việt Á. (Ảnh: Văn Đạt/TXVN)
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, "không ngừng," "không nghỉ," trên nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như: đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán, đấu thầu...
 
Các cơ quan chức năng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Những vụ án, vụ việc trọng điểm được đưa ra ánh sáng thời gian qua càng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và ngày càng tin tưởng.
 
Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hải Dương (CDC Hải Dương), các đơn vị, địa phương liên quan bị phanh phui gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
 
Với quyết tâm xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
 
Liên quan tới vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, liên tiếp tại Kỳ họp thứ 12, 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 cũng như một số cá nhân.
 
Cùng với việc đưa ra các hình thức kỷ luật cụ thể đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí: Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y.
 
Trên cơ sở đề nghị này, Ban Bí thư đã họp, kết luận vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đã gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Đỗ Quyết và đồng chí Hoàng Văn Lương gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 bằng hình thức Cảnh cáo; thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Đỗ Quyết và đồng chí Thiếu tướng Hoàng Văn Lương bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.
 
Những sai phạm của các tập thể và cá nhân trong vụ án này đang tiếp tục được khẩn trương làm rõ, theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị nêu rõ trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây.
 
Đó là "chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có."
 
Vụ án chấn động trong giới chứng khoán, xảy ra tại Tập đoàn FLC, cùng nhiều nhân sự cấp cao của Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan đã thu hút sự quan tâm của công luận thời gian qua.
Lực lượng chức năng có mặt tại trụ sở FLC hôm 29/3. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Lực lượng chức năng có mặt tại trụ sở FLC hôm 29/3. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Hành vi "thao túng thị trường chứng khoán"; "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán," gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đang được Bộ Công an khẩn trương điều tra làm rõ.
 
Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng mới được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
 
Ngay tại Kỳ họp thứ 13 diễn ra cuối tháng 3/2022, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
 
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm này đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
 
Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 14, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và đồng chí Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đồng chí Nguyễn Thành Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op; đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Diệp Dũng và quyết định hình thức kỷ luật, thay đổi hình thức kỷ luật đối với một số đồng chí có liên quan.
 
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy đồng chí Diệp Dũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương; ký các hợp đồng hợp tác đầu tư, nghị quyết, thông báo triển khai huy động vốn, tăng vốn điều lệ, tổ chức Đại hội thành viên năm 2020 trái pháp luật và quy định của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Vi phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, mất uy tín cá nhân. Vì vậy, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Diệp Dũng.
 
Tiếp đó, ngày 28/4/2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Diệp Dũng cùng các các đồng phạm về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” và “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.” Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bị cáo Diệp Dũng 2 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
 
Trong cuộc họp toàn ngành cuối tháng 4/2022, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các tỉnh thực hiện thật nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Đó là chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn vị trí công tác để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, xử lý nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; trước mắt phải kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vụ án tại Công ty Việt Á.
 
Người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh đây là một vụ việc hết sức phức tạp, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nên phải tiến hành kiểm tra thận trọng, khách quan, kịp thời, đồng bộ, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, rõ đến đâu, kết luận đến đấy, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy, cố gắng kết thúc trong quý 2/2022./.
 
Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

Bắt Nguyên Chủ tịch công ty AIC và Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty AIC và ông Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Đồng Nai vì Vi phạm quy định đấu thầu.
 

Xử phạt hành chính 5 tàu cá tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản

(QBĐT) - Ngày 29/4, thông tin từ Chi cục Thuỷ sản cho biết, lực lượng thanh tra của đơn vị đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt hành chính 5 tàu cá tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Phát hiện gần 3.000 thiết bị chiếu sáng không rõ nguồn gốc

(QBĐT) - Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Khánh Huệ, đường Trần Hưng Đạo, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới và phát hiện gần 3000 thiết bị chiếu sáng các loại có dấu hiệu vi phạm.