"Bẫy" lãi suất cao: Biết rồi, khổ lắm!

  • 06:16 | Thứ Hai, 30/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Mức lãi suất hấp dẫn, lại là người quen, bạn bè… nhiều người đặt niềm tin cho vay hàng tỷ đồng chỉ bằng một tờ giấy viết tay. Chỉ đến khi chủ nợ bỏ trốn, người ta mới phát hoảng bởi những đồng tiền tích cóp của mình có nguy cơ bị mất trắng.
 
Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc chủ nợ “ôm” tiền bỏ trốn, kéo theo đó là chính quyền địa phương đau đầu tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo yêu cầu giải quyết vụ việc, hàng trăm người lo lắng mất ăn mất ngủ với nguy cơ mất trắng số tiền hàng trăm triệu, thậm chí vài tỉ vài chục tỉ đồng.
 
Vụ việc hàng chục hộ dân ở thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) kêu cứu các cơ quan chức năng khi người vay tiền là ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Thị Nhẹ (trú tổ 13, thị trấn An Bài) "rời địa phương không lý do" đang khiến dư luận quan tâm. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2019, vợ chồng ông Thành vay tiền của rất nhiều người dân trên địa bàn với lãi suất 2% mỗi tháng chỉ bằng tờ giấy vay nợ viết tay có ghi lại thời gian và số tiền giao dịch. Theo thống kê sơ bộ, số tiền mà các hộ dân cho vợ chồng ông Thành vay lên đến hàng chục tỷ đồng. Người ít thì cho vay 500 triệu đồng, người nhiều đã cho vay 2-3 tỷ đồng, là số tiền tích cóp của họ trong nhiều năm trời. Đến nay, hai ông bà này đã rời khỏi địa phương 2 năm không có tung tích, và người dân chưa có chứng cứ về việc lừa đảo nên cơ quan điều tra vẫn chưa thể khởi tố vụ án.
 Hàng chục hộ dân ở Thái Bình kêu cứu vì chủ nợ rời đi khỏi địa phương. Ảnh: VNN
Hàng chục hộ dân ở Thái Bình kêu cứu vì chủ nợ rời đi khỏi địa phương. Ảnh: VNN
Hay như vụ việc tại Lào Cai do 2 đối tượng Đại Thị Thu Hà (SN 1978, trú tổ 8, P.Xuân Tăng, TP Lào Cai) và Đại Thị Loan (SN 1979, trú tổ 5, P.Pom Hán, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới hơn 60 tỷ đồng của người dân ở đây với chiêu thức “đáo hạn ngân hàng”, vay thời gian ngắn, lãi suất cao khiến nhiều người cho vay mất ăn mất ngủ với số tiền lớn có nguy cơ mất trắng.
 
Cũng tương tự, đối tượng Trần Thị Lan (SN 1973, trú tại tổ dân phố Đồi Ngang, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) từ năm 2019 đến tháng 5/2021 đã vay khoảng 40 người trong và ngoài địa bàn thị trấn Tân Thanh dưới hình thức nộp tiền hụi với lãi suất 400.000 đồng/1 triệu/1 tháng/1 suất hụi. Đến tháng 5/2021, Trần Thị Lan tuyên bố chốt nợ với người chơi rồi bỏ trốn khỏi địa phương với tổng số tiền lừa đảo là khoảng 5 tỷ đồng....
 
Có thể thấy, thủ đoạn và phương thức lừa đảo của các đối tượng này tương tự nhau, hầu hết những kẻ lừa đảo có vỏ bọc bên ngoài là người giàu có, làm ăn lớn, có mối quan hệ mật thiết với nhiều người có chức vụ… nhằm tạo uy tín với người bị hại. Các tay “siêu lừa đảo” này cũng thường sử dụng “chiêu” cần số tiền làm ăn lớn, đáo hạn ngân hàng, và đưa ra lãi suất cao “ngất trời”, gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng để đánh vào lòng tham của người cho vay. Thời gian đầu các đối tượng này trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hẹn, tạo được sự tin tưởng, từ đó số người, số tiền cho đối tượng vay ngày càng nhiều và dễ dàng hơn.
 
Thực tế các đối tượng lừa đảo này không làm ăn gì, chỉ là vay tiền tiêu xài, lấy tiền của người vay sau trả cho người vay trước. Chỉ đến khi số tiền vay đã “đủ” hoặc mất khả năng thanh toán, đối tượng vay tiền “biến mất” hoặc tuyên bố vỡ nợ, thì người cho vay mới “ngả ngửa” bởi nguy cơ mất trắng cơ nghiệp đã cận kề.
 Nhiều người cho vay tiền không cần tài sản thế chấp. Ảnh: VNN
Nhiều người cho vay tiền không cần tài sản thế chấp. Ảnh: VNN
Thủ đoạn lừa đảo đã cũ, phương thức lừa cũng không có gì mới. Lợi dụng mối quan hệ quen biết và trả lãi suất cao, các đối tượng lừa đảo dễ dàng làm “mờ mắt” nhiều người. Thấy việc kiếm lời quá dễ dàng, nhiều người mất cảnh giác trước mánh khóe của đối tượng, sẵn sàng cho vay tiền, thậm chí còn vay thêm rồi cho vay để hưởng chênh lệch. Họ cho vay bằng giấy thỏa thuận giữa hai bên bằng “niềm tin, “uy tín” cảm tính, không có tài sản thế chấp, không công chứng. Việc vay nợ không được xác lập trên cơ sở pháp lý. Chỉ đến khi đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay, người ta mới “vỡ giấc mộng” làm giàu, lâm vào cảnh trắng tay hoặc nợ nần chồng chất, thậm chí, nhiều người đã phải tìm đến cái chết cho sự nhẹ dạ của mình.  
 
Vì vậy, để khỏi “sập bẫy” đối tượng xấu dẫn đến tiền mất tật mang, người dân hãy cảnh giác với những hứa hẹn “lãi suất cao và thu lợi trong thời gian ngắn”. Khi cho vay, cần thận trọng kí kết văn bản giấy vay nợ có công chứng và được cầm cố tài sản đảm bảo. Càng là người thân quen thì càng nên minh bạch rõ ràng để tránh hậu quả sau này. Nếu có tiền nhàn rỗi, người dân nên đầu tư vào các kênh an toàn, tổ chức tín dụng hợp pháp, không nên chạy theo lợi nhuận có chỉ số an toàn thấp. Trường hợp cho vay mượn, phải xem người vay có khả năng trả nợ hay không hoặc chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp.
 
Những bài học “của đau con xót” không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Nhắc lại để thấy rằng, làm giàu chính đáng chưa bao giờ dễ, và hiếm có loại hình kinh doanh hợp pháp nào sinh “lãi suất khủng” vài chục phần trăm một năm. Người dân hãy cảnh giác trước mọi chiêu thức của các đối tượng lừa đảo, biết trân trọng tài sản, công sức của chính mình để là một nhà đầu tư thông minh./.
 
Theo Thương Huyền (Dangcongsan.vn)

tin liên quan

Bà Ngô Thị Luyện tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép

(QBĐT) - Ngày 29/5, sau khi được các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch tuyên truyền, vận động, bà Ngô Thị Luyện (SN 1963), cư trú tại thôn Nguyên Sơn, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch đã tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất.

Nâng cao ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông

(QBĐT) - Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học là một trong những giải pháp trọng tâm, thường xuyên được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh và các địa phương chú trọng thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông; từng bước kiểm soát và hạn chế tối đa những hành vi vi phạm cũng như thiệt hại do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra.

Minh Hóa: Xử lý nghiêm việc thả rông trâu, bò

(QBĐT) - Những năm gần đây, các địa phương, đơn vị chức năng ở huyện Minh Hóa tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm việc thả rông trâu, bò gây mất an toàn giao thông (ATGT) tại các tuyến đường bộ, đặc biệt là tại hai tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và Quốc lộ 12A đi qua địa bàn. Qua đó, góp phần hạn chế nạn thả rông trâu, bò gây mất ATGT.