"Xây" và "chống" trên không gian mạng
(QBĐT) - Hiện nay, mạng xã hội đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, có tác động, ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân. Trong khi đó, mô hình quản lý thông tin trên mạng vẫn theo cách thức quản lý báo chí truyền thống, bộc lộ nhiều bất cập khiến môi trường thông tin mạng đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Công tác giám sát, ngăn chặn thông tin xấu độc đang là một thách thức lớn không chỉ đối với cơ quan quản lý báo chí, truyền thông mà còn cả của hệ thống chính trị và người dân.
Tại tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, để bảo đảm môi trường thông tin lành mạnh cho người dùng internet, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, như: Tổ chức giám sát thông tin báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử thường xuyên đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh sai sự thật để xem xét xử lý; ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động cung cấp, truyền đưa thông tin trên mạng; tập huấn nâng cao kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Kết quả trong năm 2021, Sở TT-TT đã xử lý 6 trường hợp đăng thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân với số tiền trên 32 triệu đồng; phối hợp với lực lượng Công an xử lý 9 đối tượng tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia, phòng chống dịch bệnh; đề nghị gỡ bỏ 50 lượt tin, bài trên báo chí, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các công ty truyền thông, trang thông tin điện tử để chấn chỉnh việc đăng, phát thông tin, quảng cáo trên môi trường mạng, đồng thời đề nghị Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu Facebook khóa tài khoản các trang facebook cá nhân, fanpage đăng ký dịch vụ ẩn danh để thông tin sai sự thật về dịch Covid-19, thông tin xúc phạm tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh gây bức xúc trong nhân dân.
Kết quả đạt được bước đầu trong ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng rất tích cực, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành. Các cơ quan báo chí vào cuộc, phối hợp trong việc đưa tin, phản ánh, phê phán các hành vi sai phạm khi sử dụng mạng xã hội; vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng Internet để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch…
Tuy nhiên, với tính năng "chia sẻ", "bình luận" và "lan truyền" thông tin nhanh chóng, việc đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc đang là một thách thức lớn đối với công tác quản lý, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống”, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư, xây dựng nội dung thông tin lành mạnh để người dân có sự lựa chọn, sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin chính thống; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phòng chống thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên mạng; đồng thời tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân các kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc để tự bảo vệ bản thân và ứng xử văn hóa khi tham gia mạng xã hội.
Trước hết, cần xây dựng môi trường thông tin lành mạnh trên mạng xã hội, trong đó phát huy vai trò chính thống, tính đa phương tiện của báo chí để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm kiểm chứng, dẫn dắt dư luận khi mạng xã hội nảy sinh những dư luận trái chiều, thậm chí phải trả lời những vấn đề mạng xã hội đưa ra.
Thời gian qua, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình đã tích cực trong việc phản bác thông tin xấu độc xảy ra trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đưa tin kịp thời kết quả xử lý thông tin vi phạm, báo chí đã giành thế chủ động trước truyền thông xã hội, từng bước thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện kịp thời, trung thực, toàn diện... mọi mặt đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai là nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dùng mạng xã hội, hình thành thói quen tiếp nhận, chia sẻ thông tin trên mạng một cách văn minh, tỉnh táo. Thông thường, các đối tượng thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc với mục đích khác nhau. Có người tung tin chỉ để "câu like", "chém gió", thu hút sự chú ý của người đọc. Có đối tượng lại lợi dụng các sự kiện nổi bật, quan trọng, liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân để thông tin sai sự thật nhằm tác động đến tư tưởng, tình cảm, tinh thần của người dân, dẫn đến ngộ nhận, mất niềm tin vào Đảng, chính quyền.
Đối với những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đời sống nhân dân thì không khó để phát hiện, xử lý. Còn đối với những thông tin vu khống, bôi nhọ lãnh đạo, chính quyền thì các đối tượng thường xử lý thông tin với các hình thức tinh vi hơn; họ lợi dụng đám đông, sự bức xúc của một số thành phần về nhu cầu vật chất, công ăn, việc làm, thậm chí lợi dụng các chính sách về dân tộc, tôn giáo để tung tin xấu độc với các hình thức khác nhau. Với chiêu trò đan xen giữa cái đúng, cái sai, họ dựng nên những sự kiện, videoclip về sự thật diễn ra rồi lồng vào những hình ảnh giả để vu khống, xuyên tạc sự thật.
Chính vì vậy, tạo kỹ năng tiếp nhận, chia sẻ, bình luận, nhận diện thông tin xấu độc trên môi trường mạng cho người dùng là hết sức cần thiết, góp phần phát huy những lợi ích từ internet, hạn chế tối đa những rủi ro thế giới mạng có thể mang lại cho người dùng.
Thứ ba là tăng cường định hướng, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để làm chủ mặt trận thông tin mạng. Bởi vòng xoáy từ khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội với các loại tin giả, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng đã làm xao động nhận thức của nhiều người, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên. Tiếp xúc với thông tin, hiện tượng phức tạp... trên mạng xã hội, nếu nhân dân, cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh rất dễ bị dư luận xấu dẫn dắt, gài bẫy, rồi từ đó sinh hoài nghi, thiếu niềm tin vào Đảng, chính quyền.
Vì thế, hơn lúc nào hết, chủ động định hướng thông tin trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh; thẳng thắn phản biện, đấu tranh với ý kiến phiến diện, sai trái, xấu độc, góp phần lành mạnh hóa mạng xã hội, ổn định an ninh, trật tự xã hội, tạo động lực cho sự phát triển.
Thu Lan
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.