Cảnh giác chiêu trò mới của tội phạm "tín dụng đen"

  • 07:25 | Thứ Tư, 01/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã triệt phá nhiều băng ổ nhóm và xử lý nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn. Tuy nhiên, trước sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các đối tượng thường tìm cách biến tướng hoạt động này với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn.
 
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an TP. Đồng Hới và các phòng nghiệp vụ phá thành công chuyên án “tín dụng đen” với lãi suất lên tới 365%/năm, bắt giữ 2 đối tượng, gồm: Lương Minh Ngọc (SN 1996), hộ khẩu thường trú tại huyện Tuyên Hóa và Nguyễn Thái Quý (SN 1993), trú tại TP. Đồng Hới về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Hàng chục nạn nhân của nhóm đối tượng này phải “sống dở chết dở” khi chấp nhận vay tiền. Các đối tượng chỉ cho vay với các gói nhỏ từ 5-150 triệu đồng, nhưng lãi suất thì quá cao, từ 180%-365%/năm.
 
Đây là nhóm đối tượng hoạt động lợi dụng đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, nhưng thực chất lại tổ chức cho vay lãi nặng. Các đối tượng lập nhiều tài khoản Zalo, Facebook, đăng bài với nội dung cho vay online, thủ tục nhanh, gọn để mời gọi người vay.
 
Chị Hoàng Thị Thúy V., ở TP. Đồng Hới, một trong những nạn nhân của nhóm "tín dụng đen" này, vẫn chưa hết lo lắng khi trình bày câu chuyện với chúng tôi. Sau khi quen biết, trao đổi qua mạng với nhóm đối tượng Lương Minh Ngọc và Nguyễn Thái Quý, chị V. muốn vay một món tiền để giải quyết việc riêng. Các đối tượng đã đồng ý cho chị vay số tiền gần 100 triệu đồng với điều kiện là lưu ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi hoàn thành thủ tục, các đối tượng đã chuyển cho chị V số tiền 75 triệu đồng. Tuy nhiên, vì cần tiền nên chị V. muốn vay thêm, các đối tượng chuyển tiếp cho chị vay hơn 10 triệu đồng nữa và cắt lãi trước với lãi suất được tính từ 180%-365%/năm.
 
Sau một thời gian, khi chị V. chưa có điều kiện để trả, các đối tượng ép buộc chị làm thủ tục sang tên quyền sử dụng thửa đất mà chị đã cầm cố trước đó. Quá thời hạn vay 8 ngày, các đối tượng vẫn không để chị V. chuộc lại thửa đất đã cầm cố mà kiên quyết để chị V phải sang tên, đổi chủ quyền sử dụng thửa đất chị V.
 
Hai đối tượng Lương Minh Ngọc (bên trái) và Nguyễn Thái Quý tại cơ quan điều tra.
Hai đối tượng Lương Minh Ngọc (bên trái) và Nguyễn Thái Quý tại cơ quan điều tra.
Thủ đoạn của các đối tượng là triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội để quảng cáo mời mọc người vay với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. Chúng buộc người vay phải thế chấp, cầm cố những tài sản có giá trị hoặc giấy tờ tùy thân khác.
 
Cá biệt, đối với nhiều người vay không có tài sản, giấy tờ để thế chấp, các đối tượng cho thế chấp bằng hình ảnh cá nhân, thậm chí cả hình ảnh nhạy cảm của họ để được giải ngân. Khi đã “sập bẫy”, đến hạn trả nợ, người vay chưa có tiền để trả lãi, trả gốc, các đối tượng lại dùng chiêu trò dọa dẫm người vay và gửi những hình ảnh nhạy cảm của họ đến người thân, bạn bè, thậm chí công khai trên mạng xã hội để buộc người vay trả tiền với lãi suất “cắt cổ”.
 
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn yêu cầu “con nợ” tìm người quan hệ tình dục, quay video gửi cho chúng… Bước đường cùng, các nạn nhân đã trình báo cơ quan Công an và sự việc từng bước sáng tỏ.
 
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, các đối tượng thường cho vay các gói vay từ 5-150 triệu đồng, lãi suất từ 180%-365%/năm. Từ năm 2018 đến nay, Ngọc và Quý đã cho rất nhiều người dân trên địa bàn vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
 
Đại úy Phạm Xuân Thắng, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Tội phạm "tín dụng đen" trên địa bàn không mới, song phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng thì luôn thay đổi và ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng thường dụ dỗ, lôi kéo người vay, khi vướng vào thì chúng tìm cách dọa dẫm, khống chế và buộc người vay trả tiền với lãi suất rất cao. Nếu như trước đây, tội phạm "tín dụng đen" chỉ cho vay qua dịch vụ cầm đồ, cầm cố tài sản, hoặc in tờ rơi dán cột điện, rải khắp nơi… thì nay các đối tượng dùng mạng xã hội để quảng cáo và nạn nhân không chỉ cầm cố tài sản, giấy tờ tùy thân mà còn cả những hình ảnh nhạy cảm để được giải ngân. Nếu như không thỏa thuận được thời gian, tiền bạc trả nợ, thì chính những người vay là con mồi béo bở để các đối tượng lợi dụng, thậm chí là chiếm đoạt tiền của.
 
Qua vụ án này,người dân, nhất là các bạn trẻ, cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác khi tương tác trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội, đặc biệt đối với những tin nhắn, hình ảnh, quảng cáo việc làm hoặc cho vay nhưng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không thế chấp…. Cần làm chủ bản thân và nói không với “tín dụng đen” để tránh những hệ lụy không đáng có.
 
Ngô Quang Văn

tin liên quan

Nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua thúc đẩy thực thi pháp luật và các chính sách bảo vệ môi trường

(QBĐT) - Ngày 30-11, Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo giới thiệu dự án "Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, ven biển và vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình thông qua thúc đẩy thực thi pháp luật và các chính sách bảo vệ môi trường (BVMT)" thực hiện tại huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và thành phố Đồng Hới giai đoạn từ 1-11-2021 đến 31-10-2022 do Hội Luật gia tỉnh chủ trì.

Xét xử phúc thẩm nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài

Phiên tòa phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBNDThành phố Hồ Chí Minh) và các bị cáo liên quan sai phạm trong việc giao "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn.
 

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về hai luật vừa được thông qua

Sáng 29-11, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về hai luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.