Gian nan xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép

  • 16:47 | Thứ Năm, 09/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Thực trạng này đã xảy ra lâu nay nhưng việc giải quyết vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
 
Hàng chục nghìn ha rừng bị phá, lấn chiếm
 
Trên địa bàn tỉnh có gần 14.600ha rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật. Trong đó, huyện Minh Hóa trên 7.200ha, Tuyên Hóa trên 3.200ha, Lệ Thủy trên 1.000ha, Quảng Trạch 925ha, Quảng Ninh 923ha, Bố Trạch 871ha, TX. Ba Đồn 329ha và TP. Đồng Hới 1,32ha. Diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng tự nhiên, đất trống không có cây gỗ tái sinh...
 
Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Tại huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa, nhiều hộ dân còn phá rừng tự nhiên và tự chuyển đổi đất khoanh nuôi phục hồi rừng trên diện tích đất rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ sang trồng rừng kinh tế.
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật là do bà con có nhu cầu về đất sản xuất nông nghiệp. Đời sống của nhiều người dân ở những địa phương này còn khó khăn nên phải phụ thuộc vào rừng, trong khi ý thức bảo vệ rừng lại thấp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trước đây còn buông lỏng quản lý rừng và đất lâm nghiệp”.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa kiểm tra đất trồng rừng trên địa bàn (ảnh chụp thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát).
Lực lượng Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa kiểm tra đất trồng rừng trên địa bàn (ảnh chụp thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát).
Diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chủ yếu thuộc đối tượng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã quản lý và rừng giao cho hộ gia đình. Trong tổng số diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, các cơ quan chức năng đã lập 1.868 hồ sơ với diện tích 3.097ha, trong đó, có 477 vụ đã xử lý (khởi tố hình sự 11 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 466 vụ) với diện tích đã xử lý là 854ha.
 
Khó khăn trong xử lý
 
Kết quả thống kê cho thấy, việc xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thực hiện còn chậm, số diện tích đã xử lý rất thấp (mới chỉ đạt 6,22%). Nguyên nhân tồn tại trên là do đoàn liên ngành cấp huyện rà soát thực địa, thu thập chứng cứ, xác minh vụ việc và lập hồ sơ vi phạm chưa quyết liệt. Công tác phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, chính quyền cấp xã, các cơ quan chuyên môn còn hạn chế, thiếu đồng bộ và tiến độ xử lý còn chậm.
 
Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc giao đất, giao rừng theo một số nghị định trước đó chưa đầy đủ, cụ thể nên dẫn đến tình trạng người nhận đất, rừng không biết đất rừng của mình ở đâu.
 
Ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: “Việc xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn do lịch sử để lại. Mặt khác, công tác thu thập chứng cứ, xác minh vụ việc rất phức tạp, cán bộ tham gia rà soát thiếu năng lực. Chính quyền cấp xã chưa quan tâm cử người phối hợp và cung cấp hồ sơ, thông tin nên công tác rà soát, kiểm tra thực địa, thu thập các thông tin, xác minh vụ việc và lập hồ sơ cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm và phân loại các nhóm đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn”.
 
Minh Hóa là địa phương có diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhiều nhất tỉnh với diện tích trên 7.200ha nhưng chỉ mới lập hồ sơ được 244 vụ, xử lý được 112ha. Hiện số diện tích rừng bị phá và đất rừng bị lấn chiếm vẫn được người dân sử dụng chủ yếu cho việc trồng rừng.
Tang vật của một vụ phá rừng ở huyện Quảng Ninh.
Tang vật của một vụ phá rừng ở huyện Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho hay: “Hiện nay, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến phức tạp, tinh vi. Bởi đa số người dân miền núi sống dựa vào rừng nhưng lại thiếu đất để sản xuất. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang tham mưu cho chính quyền địa phương tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu liên quan lập hồ sơ vụ việc, phân loại đối tương vi phạm đối với số diện tích chưa xử lý”.
 
Theo ông Nguyễn Văn Long, nếu xử lý các vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng theo pháp luật thì đất rừng liên quan đến các vụ vi phạm trước ngày 1-7-2014 sẽ được giao lại và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân nên không đủ răn đe, lại trái với tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ.
 
Nếu xử lý không tốt có thể "khuyến khích" người dân tiếp tục phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật để trồng rừng kinh tế. Hiện tại, hầu hết các huyện mới xử lý các vụ vi phạm xảy ra từ năm 2018 tới nay. Còn các trường hợp vi phạm trước đó chỉ mới dừng lại ở mức độ xác minh, thu thập số liệu, phân loại đối tượng.
 
Để tiếp tục thực hiện tốt việc điều tra, xác minh, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đề nghị các địa phương lập hồ sơ cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm và phân loại các nhóm đối tượng vi phạm để có phương án xử lý dứt điểm. Xử lý xong, UBND cấp huyện phải chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng phương án giao đất, giao rừng đối với diện tích đất đã thu hồi trả về địa phương…
 
Ngày 19-3-2019, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 03, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn tỉnh cơ bản được phát hiện kịp thời và xử lý đúng quy định. Số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật đã giảm hẳn so với trước…
Xuân Vương