Số phận của một dự án

  • 09:33 | Thứ Năm, 29/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trái ngược với tính cấp thiết của dự án cùng sự mong mỏi của người dân các địa phương được thụ hưởng suốt gần 10 năm qua, 2 dự án kè chống sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua xã Văn Hóa và đoạn qua các xã Mai Hóa-Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) vẫn chưa hoàn thành. Vì sao?
 
 
Bài 1: 10 năm vẫn chưa hoàn thành
 
Khi 2 dự án kè chống sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua xã Văn Hóa và đoạn qua các xã Mai Hóa-Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) được đầu tư, hàng nghìn hộ dân sống dọc 2 bên bờ sông Gianh kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh nơm nớp nỗi lo sạt lở đất khi mùa mưa lũ đến. Thế nhưng, niềm mong mỏi của người dân suốt hơn 10 năm qua vẫn mãi là... kỳ vọng!
 
Dự án dang dở
 
Cuối năm 2011, dự án kè chống sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua xã Văn Hóa và đoạn qua các xã Mai Hóa-Tiến Hóa, với tổng số vốn đầu tư gần 136 tỷ đồng (từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả mưa lũ các tỉnh miền Trung) được phê duyệt. Nhà thầu chính trúng thầu 2 công trình nói trên là Công ty cổ phần Tập đoàn Đặng Đại.
 
Không thể kể hết niềm vui của những người dân sinh sống ven sông Gianh ở khu vực này. Ngày các dự án được triển khai giải phóng mặt bằng để thi công, người dân ai nấy đều hồ hởi.
 
Chỉ trong thời gian hơn 2 tháng, UBND huyện Tuyên Hóa đã hoàn thành công tác kiểm đếm, đền bù, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà thầu thi công. Thế nhưng, sau gần 10 năm, dự án kè chống sạt lở đoạn qua các xã Tiến Hóa-Mai Hóa chỉ mới hoàn thành 930/5.228m kè (chỉ đạt 17,8% khối lượng), còn dự án kè chống sạt lở đoạn qua xã Văn Hóa chỉ hoàn thành 950/3.500m (chỉ đạt 27% khối lượng).
Người dân trong vùng thuộc 2 dự án trước đây càng kỳ vọng vào dự án, thì nay càng thất vọng.
Người dân trong vùng thuộc 2 dự án trước đây càng kỳ vọng vào dự án, thì nay càng thất vọng.
Cũng từ đó, thông tin về 2 dự án này "bặt vô âm tín", còn người dân thì vẫn hàng ngày đối mặt với tình trạng sạt lở đất.
 
Ông Mai Văn Thiện (75 tuổi) ở thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa bức xúc: Trước đây, dọc theo bờ sông Gianh thôn Thanh Tiến có một hàng tre xanh hàng chục năm tuổi rất dày, để chắn lũ dữ, giữ đất, giữ làng. Nhờ nó mà bờ sông ít sạt lở, người dân yên tâm sinh sống. Thế nhưng, từ ngày dự án xây dựng kè chống sạt lở triển khai, hàng rào tre xanh này đã bị chặt bỏ.
 
Thời điểm đó, họ gấp rút giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa để xây dựng kè. Vậy mà, suốt gần 10 năm qua, kè đâu không thấy, chỉ thấy con sông Gianh ngày càng hung dữ mỗi khi mưa lũ đến. Bờ sông qua mỗi trận lũ cứ mỏng dần.
 
Đất cứ thế lở, rồi sụt xuống dòng sông, người dân phải lấy đất đá về bù lấp vào. Con đường bê tông liên thôn ở ven sông cũng bị sạt lở, người dân thôn Thanh Tiến đang phải làm lại.
 
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng thôn Bàu (xã Tiến Hóa) cho biết: “Kè xây dựng dang dở, người dân chúng tôi là người chịu hậu quả, chứ không phải ai khác. Tính mạng và tài sản của người dân sống ven sông đang bị đe dọa. Nhiều hộ sống ven sông đã phải di dời nhà sang nơi khác ở để tránh sạt lở. Bức xúc trước dự án kè dang dở, thi công không đến nơi đến chốn như kế hoạch ban đầu, tại tất cả những kỳ họp tiếp xúc cử tri, người dân chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có câu trả lời xác đáng”.
Người dân trong vùng thuộc 2 dự án trước đây càng kỳ vọng vào dự án, thì nay càng thất vọng. Người dân trong vùng thuộc 2 dự án trước đây càng kỳ vọng vào dự án, thì nay càng thất vọng.
Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh-nơi hàng tre xanh chống lũ, chống sạt lở bị chặt bỏ để giải phóng mặt bằng cho các dự án nói trên-ngày càng nghiêm trọng.

Người dân tự xây kè...

Nếu như khi 2 dự án kè chống sạt lở dọc sông Gianh triển khai đã mang đến cho người dân và chính quyền các địa phương hưởng lợi kỳ vọng bao nhiêu, thì giờ đây họ lại thất vọng bấy nhiêu. Trong khi chờ đợi dự án xây kè, có địa phương đã cho phép người dân trong khu vực tự xây kè chống sạt lở đất để tự "cứu mình".
 
Đợt lũ lụt cuối năm 2020 vừa qua khiến cho phần nền móng bê tông đá hộc và toàn bộ công trình phụ của gia đình anh Nguyễn Văn Thường ở thôn Tân Hóa (xã Mai Hóa) bị sập hoàn toàn.
 
Khu vực sạt lở đất giờ đây chỉ còn cách móng nhà của anh chưa đến 2m. Dù ngôi nhà của anh ở cách xa dòng chảy chính của con sông Gianh, song đến mùa mưa lũ, khu vực ven bờ này trở thành dòng nước lũ chảy rất xiết, xói thẳng vào bờ sông.
 
Anh Thường cho biết, nếu không làm kè, chắc chắn ngôi nhà của anh sẽ khó qua được mùa lũ năm nay. Sau đợt lũ 2020, có đơn vị về hỗ trợ xây kè, nên anh đã tự mua đá hộc về làm rọ đá, xây kè giữ đất.
Người dân sống ở dọc sông Gianh (xã Mai Hóa) tự xây dựng kè chống sạt lở để "cứu mình". 
Ở ngay bên cạnh ngôi nhà của anh Thường, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hòa cũng đang gấp rút xây dựng kè. Anh Hòa cho hay: “Khi xây dựng, chúng tôi cũng đã báo cáo với chính quyền địa phương và đã được cho phép. Khu vực bờ sông Gianh đoạn này sạt lở rất mạnh mỗi khi mùa mưa lũ đến. Và đây cũng là vị trí dự án xây kè trước đây dự định triển khai thi công”...
 
Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Dự án kè chống sạt lở bờ sông Gianh qua địa bàn xã triển khai lâu lắm rồi. Nhưng, nghe lãnh đạo xã nhiệm kỳ trước nói, nguồn vốn của dự án đã bị Trung ương cắt. Chính quyền địa phương và người dân thì muốn dự án làm lắm, vì hàng rào tre xanh làm “vành đai” chắn lũ, chống sạt lở trước đây đã bị chặt bỏ để giải phóng mặt bằng cho dự án triển khai. Giờ đây, không có tre chắn, sạt lở xảy ra ngày càng mạnh, đặc biệt sau mùa mưa lũ 2020 vừa qua. Không những thế, dự án kè không triển khai còn khiến cho mấy chục lô đất ở quy hoạch của xã không tổ chức bán đấu giá được, vì người dân sợ sạt lở”.
 
Dự án kè chống xói lở bờ sông Gianh đoạn qua xã Văn Hóa có tổng mức đầu tư gần 46,2 tỷ. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn Đặng Đại, với giá trị hợp đồng xây lắp điều chỉnh gần 36,5 tỷ đồng. Dự án kè chống sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua các xã Mai Hóa-Tiến Hóa có số vốn đầu tư hơn 89,7 tỷ đồng. Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đặng Đại và Công ty TNHH Thông Ngân trúng thầu với giá trị hợp đồng xây lắp phân khai điều chỉnh hơn 52 tỷ đồng.
 
Dương Công Hợp
 
Bài 2: Vì sao dự án bị “chết yểu”?