Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo phạt nguội

  • 16:52 | Thứ Tư, 14/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều người dân nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông và bị phạt nguội. Nhưng mục đích của các đối tượng thực hiện cuộc gọi này là khai thác thông tin cá nhân để trục lợi.
Thông báo vi phạm kèm theo hình ảnh sẽ được gửi bằng văn bản tới chủ phương tiện.
Thông báo vi phạm kèm theo hình ảnh sẽ được gửi bằng văn bản tới chủ phương tiện.
Theo đó, phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng này là sử dụng mạng viễn thông giả danh cơ quan Công an, Cảnh sát giao thông… gọi đến số điện thoại của người dân thông báo về việc họ có liên quan đến Thông báo xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua hình ảnh do hệ thống camera giám sát ghi lại được.
 

Sau đó, lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của người vi phạm, đối tượng yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp để “nộp phạt”.

Khi có số điện thoại lạ gọi điện thông báo về vi phạm giao thông, người dân hãy báo cho phòng CSGT, Công an tỉnh qua các số điện thoại 0232.3822.188, 083.3535.369 để được hướng dẫn, xử lý vi phạm theo quy định hoặc báo cáo vụ việc cho Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để phối hợp điều tra, xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.
Anh N.V.H, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ, khoảng đầu tháng 5-2021, trên đường di chuyển từ TP. Đồng Hới về Lệ Thủy thì bị "dính" tốc độ và được camera ghi hình lại nhưng không biết. Một thời gian sau, anh bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ thông báo lỗi, sau đó đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để nộp phạt.
 
Anh H. tỏ ra hoài nghi và chất vấn thì đối tượng này trả lời vòng vo. Và khoảng vài ngày sau, anh nhận được giấy thông báo vi phạm tốc độ và bị phạt nguội.
 
Qua tìm hiểu, những trường hợp người dân bị các số điện thoại lạ gọi và yêu cầu nộp phạt như anh H. khá phổ biến trong thời gian gần đây. Nếu người dân không tỉnh táo sẽ rất dễ mắc bẫy của các đối tượng này.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chỉ có Phòng CSGT là đơn vị duy nhất đang quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1. Đây là hệ thống phát hiện các hành vi vi phạm TTATGT bằng các thiết bị tiên tiến như: Máy đo tốc độ tự động ghi hình, camera giám sát việc chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, làn đường, phần đường, camera quan sát, nhận dạng biển số...
Người vi phạm TTATGT đến phòng CSGT để nhận biên bản xử phạt hành chính
Người vi phạm TTATGT đến phòng CSGT để nhận biên bản xử phạt hành chính.
Trung tá Lê Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra tai nạn, xử lý vi phạm, Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, người dân cần biết rõ, khi hệ thống phát hiện, ghi lại được hình ảnh phương tiện vi phạm sẽ tự động tra cứu thông tin chủ xe để điền vào thông báo vi phạm. 
 
Phòng CSGT, Công an tỉnh sẽ có thông báo bằng văn bản gửi đến chủ phương tiện về thời gian, địa điểm, tuyến đường, hành vi vi phạm, hình ảnh phương tiện, họ tên, địa chỉ chủ phương tiện; ngày, giờ hẹn đến Phòng CSGT xử lý vi phạm, số điện thoại liên hệ; chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày vi phạm, biển số của phương tiện vi phạm, các thông tin liên quan được đăng tải công khai trên Website của Cục CSGT - Bộ Công an.
 
Để cảnh giác trước các thủ đoạn nhằm lừa đảo, người dân có thể tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh tại địa chỉ: www.csgt.vn.
 
"Ngoài hình thức thông báo bằng văn bản, Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình không thông báo vi phạm qua điện thoại hoặc các hình thức khác", Trung tá Dũng khẳng định.
 
Cũng theo Trung tá Dũng, khi người vi phạm đến phòng CSGT xử lý phải mang theo giấy phép lái xe phù hợp và giấy tờ của phương tiện. Sau khi kiểm tra, cán bộ hướng dẫn xem hình ảnh lưu giữ trên hệ thống, yêu cầu người vi phạm trình bày bằng văn bản về việc vi phạm, sau đó tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt theo quy định.
 
Người vi phạm nộp tiền phạt vào ngân hàng được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu hoặc nộp tại chỗ cho nhân viên bưu điện đang thực hiện nhiệm vụ thu nộp hộ tiền phạt ở Đội Xử lý, Phòng CSGT.
 
Vì vậy, khi có số điện thoại gọi đến thông báo về vi phạm TTATGT thì người dân cần nêu cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và tuyệt đối không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng nhằm tránh bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
 
Các lỗi vi phạm an toàn giao thông thường bị phạt nguội và mức phạt theo quy định:
Vượt quá tốc độ từ 5km/h đến dưới 10km/h  mức phạt từ 800.000đ đến 1.000.000đ; 
Vượt quá tốc độ từ 10km/h đến 20km/h mức phạt từ 03 triệu đến 05 triệu đồng, tước GPLX từ 01 – 03 tháng;
Vượt quá tốc độ từ trên 20km/h đến 35km/h  mức phạt từ 06 triệu đến 08 triệu đồng, tước GPLX từ 02 – 04 tháng;
Vượt quá tốc độ trên 35km/h mức phạt từ 10 triệu đến 12 triệu đồng, tước GPLX  từ 02 – 04 tháng;
Đi không đúng phần đường, làn đường quy định mức phạt từ 03 triệu đến 05 triệu đồng, tước GPLX từ 01 – 03 tháng;
Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (Vượt đèn đỏ) mức phạt từ 03 triệu đến 05 triệu đồng, tước GPLX từ 01 – 03 tháng.
 
X.Phú