Ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xi măng Sông Gianh: Cần một giải pháp lâu dài cho người dân

  • 12:06 | Thứ Hai, 14/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngay sau sự cố xảy ra tại Nhà máy xi măng Sông Gianh (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) vào tối 26-5-2021, khiến một lượng lớn bụi dày đặc phát tán ra môi trường xung quanh, hàng trăm người dân bị ảnh hưởng đã tập trung trước cổng nhà máy phản đối, yêu cầu dừng hoạt động.
Nhà máy xí măng sông Gianh nằm sát trong khu dân cư
Nhà máy xí măng sông Gianh nằm sát trong khu dân cư.
Một buổi đối thoại diễn ra sau đó giữa nhà máy, chính quyền và người dân địa phương. Phía nhà máy cam kết đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng và hoàn thành trong tháng 6-2021. Tuy nhiên, liệu đây có phải là giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài cho người dân?
 
Người dân ngày càng bất an
 
Nhà máy xi măng Sông Gianh (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) được khởi công xây dựng từ năm 2002 và bắt đầu đi vào sản xuất năm 2006 với công suất dự kiến ban đầu là 1.500.000 tấn/năm.
 
Từ khi đi vào hoạt động, nhà máy đã mang lại việc làm cho người dân địa phương, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển-kinh tế xã hội trên địa bàn.
 
Tuy nhiên, những hệ lụy mang lại, nhất là trong vấn đề ô nhiễm môi trường (tiếng ồn của các phương tiện có trọng tải lớn, bụi bặm từ việc nổ mìn, xả thải từ các ống khói chính...) khiến hàng trăm hộ dân quanh nhà máy luôn sống trong cảnh bất an.
 
Giữa trưa hè nắng nóng, một tiếng nổ rung trời và sau đó là khói bụi bao trùm cả một vùng. Nhiều năm nay, người dân xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa đã quá "quen" với việc nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá Lèn Bảng do Nhà máy xi măng Sông Gianh thực hiện. 
Việc nổ mìn gây nứt nẻ nhà cửa của người dân địa phương
Việc nổ mìn gây nứt nẻ nhà cửa của người dân địa phương.
Sau mỗi lần nổ mìn, bụi đá bao trùm lấy một vùng thôn, xóm, gây ách tắc Quốc lộ 12A, đá loại nhỏ bắn tung tóe ra đất sản xuất nông nghiệp…
 
Anh Nguyễn Văn Hải, một người dân sinh sống trên địa bàn bức xúc cho hay, sau tiếng nổ lớn, bụi đá bay vào các ruộng lúa, ruộng ngô gây ảnh hưởng tới sản xuất của bà con.
 
Không những thế, mỗi lúc trời nổi gió, những lớp bụi đá mịn sau khi nổ sẽ "tỏa ra" một khu vực rộng lớn, bụi bay mù mịt che kín cả một đoạn Quốc lộ 12A, khiến người dân mỗi lần đi qua đây cảm thấy bất an, lo lắng. Nhiều nhà dân trong khu vực cũng có hiện tượng nứt nẻ do chấn động từ các vụ nổ mìn.
 
Qua tìm hiểu được biết, việc nổ mìn tại khu vực mỏ đá Lèn Bảng gây ô nhiễm môi trường đã nhiều lần bị các cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và buộc phải áp dụng các biện pháp khắc phục; đồng thời, giảm lượng thuốc nổ khai thác từ 4 tấn/lần nổ đến nay chỉ còn dưới 1 tấn/lần. Tuy nhiên, cứ mỗi lần hay tin sắp nổ mìn, người dân quanh khu vực lại "giật mình thon thót"...!
 
Theo nhiều người dân địa phương, điều khiến họ bất an nhất chính là việc xả thải từ quá trình sản xuất của nhà máy. Lượng bụi từ các các ống khói thải ra trong không khí và bao trùm trong vòng bán kính 2-3km. Hàng trăm hộ dân ở thôn Cương Trung, Đông Tân (xã Tiến Hóa) phải sống chung với bụi thải của nhà máy hơn 15 năm nay.
 
Gần đây nhất là vào tối 26-5-2021, sự cố đã xảy ra tại Nhà máy xi măng Sông Gianh khiến một lượng bụi dày đặc bao trùm một vùng dân cư rộng lớn xung quanh nhà máy.
 
Gia đình anh Nguyễn Văn Phương và chị Nguyễn Thị Hiệp, thôn Cương Trung, xã Tiến Hóa là một trong những nhà hứng chịu khói bụi nhiều nhất sau khi Nhà máy xi măng Sông Gianh xảy ra sự cố.
 
Chị Hiệp kể: "Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 26-5, tôi đang làm việc trong nhà thì con gái tôi ở ngoài sân kêu, mẹ ơi đóng cửa mau. Tôi chạy ra thì thấy bụi bao trùm đen kịt cả một vùng rộng lớn, bụi tràn vào nhà đóng cửa không kịp.Khoảng 1 tiếng sau bụi mới bắt đầu thưa dần, tôi gọi chính quyền đến để chứng kiến sự việc. Lúc này, mọi thứ trong nhà tôi đều bị một lớp bụi dày phủ trắng, lấy tay cũng bốc được cả nắm!. Nhiều năm sống chung với khói bụi thải ra từ nhà máy, không biết rồi sức khỏe chúng tôi rồi sẽ ra sao? Càng ngày càng lo lắng, nhất là sức khỏe mấy đứa nhỏ!". 
Bụi thải tràn vào nhà dân và đóng thành lớp dày sau sự cố tối 26-5
Bụi thải tràn vào nhà dân và đóng thành lớp dày sau sự cố tối 26-5.
Theo thống kê của UBND xã Tiến Hóa, sự cố lần này ảnh hưởng trực tiếp đến 433 hộ dân ở 2 thôn Cương Trung và Đông Tân. Ngay sau sự cố, người dân trong khu vực ảnh hưởng đã tập trung trước cổng nhà máy để phản đối, yêu cầu dừng hoạt động.
 
Trước đó, vào giữa tháng 7-2014, hàng trăm người dân thôn Cương Trung cũng đã kéo đến trước cửa nhà máy để yêu cầu nhà máy và chính quyền giải quyết, bồi thường thiệt hại về hoa màu khu vực quanh nhà máy do ô nhiễm gây ra.
 
Đồng thời, yêu cầu tổ chức khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho nhân dân trong thôn; tính toán bồi thường và di dời các hộ dân đến nơi tái định cư bảo đảm khoảng cách an toàn, không bị ô nhiễm... Thế nhưng từ đó đến nay, việc đâu vẫn vào đó, hàng nghìn người dân sống quanh khu vực nhà máy vẫn ngày ngày sống trong bất an vì ô nhiễm.
 
Liệu sự cố có lặp lại?
 
Ngày 3-6-2021, chính quyền xã Tiến Hóa, đại diện Nhà máy xi măng Sông Gianh cùng nhiều người dân địa phương đã có một buổi đối thoại về sự cố khiến bụi thải của nhà máy bay vào nhà dân gây ô nhiễm tối 26-5.
 
Tại buổi đối thoại, ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Hành chính, Nhà máy xi măng Sông Gianh, đại diện nhà máy xin lỗi nhân dân 2 thôn Đông Tân và Cương Trung. Đồng thời, nhà máy hứa sẽ xây dựng tường bao, hệ thống lưới chắn bụi tầm thấp phía Tây nhà máy để tránh gió cuốn bụi vào khu đông dân cư, các hệ thống phun sương tạo ẩm, tăng cường xe bồn tưới nước trên các tuyến đường ra vào nhà máy nằm gần nhà dân.
 
Về xử lý sau sự cố, phía nhà máy đồng ý bồi thường đối với thôn Cương Trung là 125 triệu đồng, thôn Đông Tân là 56,7 triệu đồng, việc chi trả tiền bồi thường hoàn thành trước ngày 30-6-2021.
 
Cũng tại buổi đối thoại này, chính quyền địa phương đã yêu cầu lãnh đạo Nhà máy xi măng Sông Gianh thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. 
Người dân địa phương bày tỏ bức xúc việc nhà máy xả thải tại cuộc đối thoại.
Người dân địa phương bày tỏ bức xúc việc nhà máy xả thải tại cuộc đối thoại.
Phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị máy móc, đặc biệt các khu vực, bộ phận, thiết bị có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khắc phục hệ thống thoát nước thải, không để nước thải của nhà máy ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất của nhân dân; có các giải pháp xây dựng hệ thống lưới chắn bụi, hệ thống phun ẩm để hạn chế bụi tầm thấp do xe vận chuyển trong nhà máy gây ra...
 
Tuy nhiên, theo nhiều người dân việc bồi thường sau sự cố là thấp và những giải pháp trên chỉ mang tính tạm thời, chưa đáp ứng được yêu cầu mang tính bền vững về sau.
 
Bà Hoàng Thị Thủy, người dân thôn Cương Trung bức xúc cho hay, đền bù, hỗ trợ 125 triệu đồng là quá thấp, quá thiệt thòi với những gì người dân phải chịu đựng trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; đề nghị được hỗ trợ hàng năm cho việc trồng trọt và chăn nuôi; phải có biện pháp khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường.
 
Cũng theo nhiều người dân địa phương, chính quyền các cấp và phía nhà máy cần kiểm tra lại thực tế và có phương án di dời để bảo đảm sức khỏe về lâu dài cho nhân dân. Bởi không ai dám bảo đảm sau này nhà máy sẽ không xảy ra sự cố lần nữa và sức khỏe của hàng nghìn người dân vẫn bị đe dọa hàng ngày.
 
Từ tháng 3-2017, Công ty TNHH SCG xi măng vật liệu xây dựng, là công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), đã mua lại 100% cổ phần của Nhà máy xi măng Sông Gianh.
X.Phú