Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nông dân

  • 14:12 | Thứ Ba, 27/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nông dân, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, hội viên với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả. Qua đó, góp phần đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững…
 
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đều chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội triển khai công tác tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, hội viên, nông dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các cấp hội chú trọng triển khai thực hiện nhiều nội dung, như: Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9-12-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân"; đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”... 
 Nông dân xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới tham dự hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật trong năm 2020.
Nông dân xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới tham dự hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật trong năm 2020.
Bên cạnh đó, hội cũng ban hành trên 125 văn bản các loại để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội triển khai công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên, nông dân; chỉ đạo các cấp hội tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
 
Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, hội viên, nông dân, tập trung các nội dung quan trọng, như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...
 
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền quán triệt hội viên, nông dân thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các quy định về chống khai thác IUU (tập trung vào các chủ tàu cá, thuyền trưởng, các cơ sở thu mua hải sản…); tuyên truyền giáo dục truyền thống về quê hương, đất nước, con người Việt Nam; các gương người tốt, việc tốt và điển hình tiên tiến gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026...
 
Bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền PBGDPL đã được Hội Nông dân tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng, hiệu quả gồm: tổ chức tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt chi hội, tổ hội…; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB “Nông dân với Pháp luật”; cung cấp tài liệu, tờ rơi, sách báo về pháp luật; tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Trung ương Hội, trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh, Báo Quảng Bình, Báo Nông thôn ngày nay…; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của thôn, bản, khu phố, cơ sở xã, phường, thị trấn.
 
Chỉ tính riêng năm 2020, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 4.466 buổi sinh hoạt, hội nghị, tập huấn, truyền thông cho trên 286.380 lượt hội viên, nông dân; xây dựng và cung cấp hơn 253 tin, bài, chuyên trang và 9 phóng sự, chuyên mục phản ánh về hoạt động công tác hội và phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, các gương điển hình tiên tiến...
 
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành về thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL, năm 2020, hội đã tổ chức 8 lớp tập huấn bồi dưỡng về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và 2 lớp Luật Thủy sản cho 1.000 thành viên Ban chủ nhiệm CLB "Nông dân với Pháp luật" cùng nhiều cán bộ, hội viên, nông dân.
 
Đặc biệt, hội luôn chú trọng phối hợp để tổ chức mở thêm nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho nông dân, như: truyền thông về công tác dân số-KHHGĐ; phòng chống ma túy và mua bán người; phòng chống mại dâm; an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; thu gom, phân loại rác thải nông thôn; bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình...
 
Ngoài ra, hội còn phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức hội thi “Nông dân với chính sách BHXH, BHYT, năm 2020", với chủ đề: "Tìm hiểu chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại TP. Đồng Hới", thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; phối hợp với Ban Xã hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức giao lưu sân khấu hóa “Người cha trách nhiệm” với sự tham gia của 5 đội đến từ huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh... 
Nông dân xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy có thể tìm hiểu pháp luật ngay tại thư viện ở địa phương.
Nông dân xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy có thể tìm hiểu pháp luật ngay tại thư viện ở địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoàng Thị Hà cho biết thêm, thời gian gần đây, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng chống ma túy trên các địa bàn nóng, trọng điểm có nguy cơ cao về tội phạm ma túy. Hội còn vận động hội viên, nông dân tích cực phát hiện các dấu hiệu vi phạm, nắm bắt thông tin kịp thời để báo cho chính quyền, công an, bộ đội biên phòng nhằm có biện pháp xử lý hiệu quả.
 
Việc vận động hội viên, nông dân tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tạo việc làm cho người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư gắn với các phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội của hội và địa phương luôn được quan tâm tích cực...
 
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của 245 CLB "Nông dân với pháp luật" trên địa bàn toàn tỉnh; chú trọng nâng cao chất lượng mô hình “Xây dựng gia đình hội viên không có người vi phạm pháp luật và không mắc các tệ nạn xã hội”; tiếp tục duy trì 7 điểm “Thư viện nông dân” tại các xã: Vĩnh Ninh, Võ Ninh (Quảng Ninh); Đại Trạch (Bố Trạch); Phù Hóa (Quảng Trạch); phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới); thị trấn Kiến Giang, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) với trên 2.500 đầu sách, đáp ứng nhu cầu đọc sách báo và tìm hiểu pháp luật của hội viên, nông dân và nhân dân...
 
Văn Minh