Hiệu quả sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg

  • 10:08 | Thứ Ba, 27/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 8-8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình (Quyết định số 32).
 
Trên cơ sở đó, 5 năm qua, Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả những nội dung của quyết định này. 
Một buổi tuyên truyền PBGDPL và TGPL cho đồng bào Mã Liềng, bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa trong năm 2020.
Một buổi tuyên truyền PBGDPL và TGPL cho đồng bào Mã Liềng, bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa trong năm 2020.
Sau khi Quyết định số 32 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22-9-2016, UBND tỉnh đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 1948/KH-UBND về thực hiện chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào DTTS tại huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.
 
Đặc biệt, với trách nhiệm là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch nói trên, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và các đơn vị có liên quan thuộc Sở tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch đã ban hành...
 
Trong 5 năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách các xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, sở còn phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 32…
 
Là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, những năm qua, Quảng Bình đã sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ nhằm chi phí thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình; hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tham gia các khóa đào tạo nghề luật sư; hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ nhằm tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL tại các địa phương...
 
Được sự hỗ trợ tích cực từ cấp trên, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thanh toán chi phí thực hiện hơn 400 vụ việc TGPL trong tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình. Công tác thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình đã trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, góp phần cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án đối với những người được TGPL khách quan, công khai, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
 
Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL và kỹ năng hành nghề cho hơn 710 lượt người tham gia (bao gồm các trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý, cộng tác viên TGPL, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với trung tâm...). Hoạt động này nhằm trang bị cho đội ngũ người thực hiện TGPL những kiến thức chuyên sâu, cũng như kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và kỹ năng thực hiện TGPL cho một số nhóm người đặc thù được trợ giúp, như: người khuyết tật, người DTTS, trẻ em và người dưới 18 tuổi... 
Lễ ký kết về chương trình phối hợp thực hiện công tác PBGDPL và TGPL giữa Sở Tư pháp và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Lễ ký kết về chương trình phối hợp thực hiện công tác PBGDPL và TGPL giữa Sở Tư pháp và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Ngoài ra, trung tâm cũng thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn cho đội ngũ người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh; thiết lập đường dây nóng về TGPL; trang bị máy móc, phương tiện hỗ trợ để duy trì đường dây nóng; ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng...
 
Hiện nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp tục duy trì và thực hiện trực đường dây nóng trong giờ hành chính tất cả các ngày làm việc để kịp thời tiếp nhận thông tin về yêu cầu TGPL của công dân; tiếp nhận thông tin về việc phối hợp thực hiện TGPL của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động TGPL; tiếp nhận thông tin về tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức đạo đức nghề nghiệp của viên chức trongtrung tâm và cộng tác viên TGPL, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với trung tâm trong quá trình thực hiện TGPL.
 
Bên cạnh đó, trung tâm đã xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL để thực hiện truyền thông với các chương trình trên sóng truyền thanh ở cấp huyện và cấp xã. Qua đó, phát hành 159 đĩa CD-R truyền thông về Luật TGPL năm 2017 cấp phát cho 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh để phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đơn vị thực hiện truyền thông qua các chuyên đề về TGPL trên Bản tin Tư pháp, website Sở Tư pháp, Trang thông tin điện tử tỉnh, Đài PT-TH tỉnh, Báo Quảng Bình...
 
Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tổ chức 260 hội nghị truyền thông về TGPL tại 260 điểm là thôn, bản, xã nghèo, đặc biệt khó khăn với 11.779 lượt người tham gia. Ngoài ra, thông qua các đợt truyền thông về TGPL, trung tâm đã lồng ghép thực hiện tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật 191 vụ việc cho 191 người thuộc diện được TGPL; cấp phát miễn phí hơn 72.000 quyển tài liệu về TGPL cho người thuộc diện TGPL thông qua các hộp tin TGPL và cấp phát thông qua hoạt động TGPL ở cơ sở. Tại thời điểm này, trung tâm đã lắp đặt tương đối đầy đủ các bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ, trại tạm giam, phòng tiếp công dân, cơ quan thanh tra của UBND cấp huyện, các đồn biên phòng; UBND các xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn... trên địa bàn tỉnh.
 
Luật gia Nguyễn Bá Thành