Tập trung xây dựng nền tư pháp trong sạch, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân

  • 08:20 | Thứ Năm, 18/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 29-12-2020, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 04-KH/TU thực hiện Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch là tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Kết luận số 84-KL/TW nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác CCTP và chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược mới về CCTP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới.
 
Theo đó, 15 năm qua, công cuộc CCTP đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, các cơ quan nòng cốt, như: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh và Sở Tư pháp, đã tập trung thực hiện để CCTP ngày càng đổi thay theo hướng tích cực. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo các đơn vị để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân.
 
Công an tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong điều tra, xử lý các vụ án hình sự
 
* Đồng chí Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh
 
Quá trình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Công an tỉnh đã khẩn trương cụ thể hóa và áp dụng tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác CCTP gắn với việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc; xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp có đủ bản lĩnh, trình độ chính trị, năng lực công tác và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
 
Công an Quảng Bình xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền trong công tác điều tra, xử lý các vụ án hình sự; kịp thời hoàn thiện bộ máy, tổ chức Cơ quan điều tra các cấp, xây dựng đội ngũ điều tra viên bảo đảm phẩm chất, năng lực, yêu cầu thực tiễn.
 
Quá trình điều tra xử lý tội phạm bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn.
 
Trong 15 năm qua, Công an Quảng Bình đã tiếp nhận trên 5.350 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt trên 99%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt trên 89%, làm rõ hàng nghìn đối tượng phạm tội; trong đó, án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng điều tra, xử lý đạt tỷ lệ 98%. Đã điều tra, khởi tố mới 6.829 vụ án, 11.123 bị can; kết thúc điều tra đề nghị truy tố 5.825 vụ án, 10.215 bị can.
 
Các vụ án được cơ quan điều tra Công an hai cấp thụ lý kết thúc chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ, nhập, di lý vụ án bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hiệu quả, chất lượng công tác điều tra ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Có thể khẳng định, lực lượng Công an tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác điều tra, xử lý các vụ án hình sự, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW, kịp thời củng cố tổ chức và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; công tác điều tra tội phạm bảo đảm chính xác, kịp thời, tạo tiền đề quan trọng cho công tác truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, xử lý vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự “Thượng tôn pháp luật”, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh.
 
Tập trung thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp
 
* Đồng chí Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng VKSND tỉnh
 
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ VKSND luôn được chú trọng, quan tâm thực hiện. Việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành khoa học, nghiêm túc, chất lượng. Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, trình độ cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt. Nhờ thực hiện tốt Nghị quyết 49-NQ/TW, hoạt động công tác kiểm sát của VKSND hai cấp dần đi vào ổn định và có nề nếp; chất lượng công chức ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao công cuộc CCTP trong tình hình mới.
 
Đội ngũ Kiểm sát viên được nâng cao mọi mặt về trình độ và năng lực để đáp ứng yêu cầu CCTP trong nghiệp vụ công tác kiểm sát. Đặc biệt là tiến độ và chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử được nâng lên, nhất là những vụ án tham nhũng, trọng điểm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.
 
Bên cạnh việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, VKSND tỉnh sẽ tập trung thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, bởi đây là khâu trọng yếu, có ý nghĩa quyết định nhất trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKS. Kiên quyết chú trọng án oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
 
Để thực hiện được điều đó, VKSND hai cấp phải thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; không ngừng nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra và các giai đoạn tiền khởi tố kể từ khi có dấu hiệu tội phạm hoặc khi nhận được tin báo, tố giác tội phạm. Qua đó, nắm chắc được nội dung của từng vụ việc, nên khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, kiểm sát viên sẽ chủ động thực hiện các quyền năng pháp lý, như: phê chuẩn, không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra.
Những phiên tòa rút kinh nghiệm theo Chiến lược cải cách tư pháp.
Những phiên tòa rút kinh nghiệm theo Chiến lược cải cách tư pháp.
Tiếp tục bổ sung, phát triển một số nội dung về CCTP phù hợp với thực tiễn
 
* Đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh
 
Hệ thống tòa án được xác định là vị trí trung tâm của hoạt động tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, theo đó, tổ chức, hoạt động TAND từng bước hoàn thiện, chất lượng xét xử nâng lên, hạn chế tình trạng oan sai. TAND Tối cao tập trung nhiều hơn cho công tác tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
 
Đối với hệ thống tòa án, hoàn thiện tổ chức và hoạt động xác định là trung tâm, xét xử là trọng tâm. Tranh tụng tại phiên tòa được coi là khâu đột phá của CCTP nhưng cũng chưa xây dựng quy trình, cơ chế cụ thể. Tranh tụng còn hình thức, hiệu quả chưa cao, nhận thức của cán bộ tư pháp về tranh tụng chưa đầy đủ, toàn diện.
 
Trước yêu cầu hoàn thiện nền tư pháp theo hướng minh bạch, đơn giản, đáp ứng bảo vệ tối đa pháp chế XHCN, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, khẳng định được vị trí trung tâm của hệ thống tòa án trong đó xét xử là hoạt động trọng tâm, thời gian tới, cần tiếp tục bổ sung, phát triển một số nội dung về quan điểm CCTP phù hợp với yêu cầu thực tiễn:
 
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng về công tác tư pháp, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ đối với cơ quan tư pháp về chính trị, tổ chức và cán bộ.
 
Đầu tư xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tòa án đầy đủ năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng. Đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng chức danh tư pháp. Thực hiện chế độ thi tuyển đối với tất cả các chức danh tư pháp.
 
Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách phục vụ hoạt động tư pháp; tiếp tục đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, phù hợp với yêu cầu sử dụng và tính chất tôn nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan tư pháp.
 
Kịp thời đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, khen thưởng đối với cán bộ tư pháp, bảo đảm cân đối, hài hòa, phù hợp với đặc thù từng cơ quan và tình hình đất nước.
 
Sở Tư pháp xác định nhiệm vụ trọng tâm triển khai chiến lược CCTP trong giai đoạn mới
 
* Đồng chí Trần Chí Tiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp
 
Đó là, tiếp tục quán triệt và thực hiện các quan điểm, định hướng CCTP nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW. Tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, về tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp. Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Bộ luật, luật về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và bổ trợ tư pháp bảo đảm thể chế hóa đầy đủ và phù hợp chủ trương của Đảng về CCTP và Hiến pháp năm 2013. Nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức, thi hành pháp luật nói chung và pháp luật trong bổ trợ tư pháp nói riêng.
 
Tập trung xây dựng đội ngũ các chức danh bổ trợ tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, chuyên nghiệp, giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của CCTP. Làm tốt công tác tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp nhằm xây dựng đội ngũ các chức danh bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng...
 
Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối hoạt động luật sư và tư vấn pháp luật; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; thanh tra, kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư và tổ chức tư vấn pháp luật. Tiếp đến, đó là nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với công tác giám định tư pháp theo Luật Giám định tư pháp và Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg, ngày 28-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng cũng như tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng, đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động công chứng. Triển khai thực hiện đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo lộ trình đề ra...
 
Phòng PV Bạn đọc
(thực hiện)