Ký sự pháp đình:

Tận cùng nỗi đau!

  • 08:22 | Chủ Nhật, 10/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Kết hôn gần 7 năm thì có 3 năm chồng đi lao động ở nước ngoài, chị Hà Thị L. ở nhà chờ chồng, nuôi con nhỏ dại. Tưởng rằng yên ấm hạnh phúc khi anh Nguyễn Văn H. về nước, nhưng tai họa ập đến khi chồng nổi cơn tâm thần sát hại mẹ vợ. Thế là tình nghĩa vợ chồng chia lìa, chị L. và anh H. dắt díu nhau ra tòa ly hôn, phân chia tài sản trong nỗi đau đến tận cùng tâm can…
 
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày cuối năm 2020, chị L. cho hay, sau một thời gian tìm hiểu, chị và anh Nguyễn Văn H. quyết định đăng ký kết hôn vào năm 2013 tại quê nhà thuộc địa phương phía Bắc của tỉnh. Gần 1 tháng đầu ấp tay gối mặn nồng, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên hai vợ chồng bàn bạc để anh H.làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
 
Chị L. ở nhà sinh hạ con thơ, một mình chăm sóc đợi ngày đoàn viên. Đến năm 2017, anh H. trở về nước, vợ chồng chị sống hạnh phúc được một thời gian thì xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân là do anh H. không quan tâm đến gia đình nên kinh tế ngày càng khó khăn. Đặc biệt, anh H. còn có hành vi giết chết mẹ ruột của chị L. nên chị cảm thấy tình cảm vợ chồng đã hết, đành phải ra tòa ly hôn.
 
Chị L. nói trong nước mắt, sau khi cưới chồng, bố mẹ anh H. có cho một thửa đất với diện tích hơn 260m2, trị giá khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, hai vợ chồng còn có một chiếc xe máy của anh H. có trước khi kết hôn và một chiếc xe tay ga của chị L. Trong thời gian lao động nơi xứ người, anh H. có gửi về cho chị tổng cộng là 500 triệu đồng. Số tiền này, một phần chị trả cho bố mẹ anh H., còn lại chị chi phí hết cho sinh hoạt trong gia đình và mua thuốc cho anh H. chữa bệnh.
Trong khi đó, ông D. (người giám hộ cho anh H.-PV) thì cho rằng, ngoài thửa đất nói trên vợ chồng chị L. và anh H. còn có một thửa đất do gia đình bên ngoại cho tặng. Thời gian lao động ở nước ngoài, anh H. đã gửi về cho chị L. số tiền hơn 1 tỷ đồng, chị L. đã dùng số tiền này xây dựng nhà để ở trên mảnh đất được bên ngoại cho. Do đó, ông D. đề nghị chị L. phải trả lại 50% số tiền mà anh H. đã gửi về cho chị. Ngoài ra, vợ chồng chị L. còn vay mượn hơn 300 triệu đồng, nên ông D. và những người có liên quan yêu cầu chị L. phải trả số nợ này.
 
Về các món nợ chung của hai vợ chồng, chị L. nói, khi làm thủ tục cho anh H. xuất khẩu lao động, anh chị có mượn của ông bà nội 220 triệu đồng, đã trả được 120 triệu đồng, còn nợ 100 triệu đồng. Ngoài số nợ này, anh chị không còn món nợ nào phải trả.
 
Người ta nói “hết tình thì còn nghĩa”, dù tình cảm vợ chồng không còn nhưng còn mối dây liên kết là đứa trẻ có thể làm vơi bớt nỗi đau của chị, vậy mà mỗi khi hình ảnh người chồng đành đoạn xuống tay với mẹ ruột của mình lại khiến chị nhói lòng. Trình bày tại tòa, chị L. xin được chăm sóc nuôi dưỡng con chung và không yêu cầu anh H. cấp dưỡng tiền nuôi con. Thửa đất trị giá 300 triệu đồng, nhẽ ra chị được hưởng một nửa nhưng vì anh H. đang bệnh tật nên chị đề nghị tòa giao cho anh H. và anh H. phải có trách nhiệm trả nợ cho ông bà nội số tiền 100 triệu đồng.
 
Sau khi căn cứ các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh đã quyết định xử cho chị L. được ly hôn anh H., đồng thời giao cho chị L. nuôi dưỡng con chung mà anh H. không phải đóng góp tiền cấp dưỡng. Bên cạnh đó, anh H. được nhận tài sản chung là thửa đất có diện tích trên 260m2 và buộc anh H. phải trả nợ số tiền 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do anh H. là người hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên thửa đất này giao cho ông D. quản lý.
 
Ông bà thường nói “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, đó là điều hiển nhiên và mỗi gia đình đều chung một mong ước mái ấm luôn rộn rã tiếng cười hạnh phúc. Vậy mà dồn dập tai ương lại giáng xuống số phận của chị Hà Thị L. để rồi không chỉ gia đình chia ly mà nỗi đau mất mát người mẹ ruột sẽ còn mãi.
 
Đông A
Tên các nhân vật đã được thay đổi.