Kẻ liên tục "vào tù, ra tội"

  • 08:14 | Chủ Nhật, 20/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trần Xuân Phong (SN 1987), người Sách, trú tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, trong một phút không kìm nén được lòng tham đã nảy sinh ý định trộm bò của người dân để giết thịt. Với hành vi này, Phong bị TAND huyện Minh Hóa đưa ra xét xử về tội danh “Trộm cắp tài sản”, tuyên phạt 20 tháng tù giam. Cho rằng TAND huyện Minh Hóa xử mình như vậy là quá nặng, Phong viết đơn kháng cáo, xin cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Mới đây, TAND tỉnh tiến hành phiên phúc thẩm, quyết định y án đối với Trần Xuân Phong.
 
Là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại một bản làng thuộc xã Thượng Hóa, đồng bào nơi đây dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đều sống chân chất, thật thà, tuy nhiên, Phong không giống như mọi người, bản thân có nhiều tiền án, tiền sự, liên tục “vào tù, ra tội”.
 
Tại phiên tòa phúc thẩm, trong phần kiểm tra nhân thân, HĐXX nhận xét rằng, Trần Xuân Phong có nhân thân quá xấu. Học xong lớp 6, Phong ở nhà, lập gia đình và làm nông nghiệp. Quá trình sinh sống trong cộng đồng, bị cáo “nổi trội” với nhiều thành tích bất hảo: năm 2004, phạm tội “Trộm cắp tài sản” bị TAND huyện Minh Hóa áp dụng biện pháp tư pháp 12 tháng giáo dục tại địa phương; năm 2006 tiếp tục phạm tội “Trộm cắp tài sản”, chịu án 15 tháng tù; năm 2011, TAND huyện Minh Hóa tuyên phạt 13 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”; vào các năm 2012, 2017, Công an huyện Minh Hóa xử phạt hành chính về hành vi “Cố ý gây thương tích”; cũng trong năm 2017, thêm một lần nữa Trần Xuân Phong bị TAND huyện Minh Hóa xử phạt 14 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Tháng 9-2018, Phong chấp hành xong án phạt tù…
 
Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án, khoảng 10 giờ ngày 21-5-2020, Trần Xuân Phong cùng em trai là Trần Xuân Hà vào khu vực lán bảo vệ rẫy của gia đình. Tại đây, hai anh em ngồi uống rượu với nhau. Đến khoảng 12 giờ trưa, Trần Xuân Hải, Cao Xuân Tình, người dân sinh sống trong bản đi ngang qua thấy hai anh em Phong đang uống rượu nên rủ cùng vào rừng lấy mật ong. Khoảng 16 giờ chiều, bốn người lấy mật ong xong quay trở lại lán tiếp tục uống rượu. Một lúc sau, Trần Xuân Hải, Cao Xuân Tình đem mật ong đi bán, anh em Phong ngồi tại lán đợi. Đợi hơn 30 phút không thấy Hải và Tình về, sốt ruột… Phong sai em đi tìm.
Ngồi một mình trong lán, có hơi men “sương sương”, Trần Xuân Phong nảy sinh ý định tìm bò của dân để giết lấy thịt. Nghĩ là làm, Phong tìm lấy cây súng kíp tự chế giấu trong rừng từ trước, cầm dao và một bao tải ra cánh đồng ở bản. Thấy có đàn bò đang gặm cỏ, trong đó một con bò đực lông màu đen, không người chăn dắt, Phong cầm khẩu súng kíp đến cách con bò tầm 20 mét nhắm vào vị trí vùng cổ sát đầu con bò bóp cò. Súng nổ, con bò đực chết tại chỗ.
 
Sau khi giết bò xong, Phong dùng dao cắt lấy 4 đùi bò bỏ vào bao tải đưa đi cất giấu. Thấy số lượng thịt còn nhiều, Phong đi tìm thêm một bao tải khác thì gặp em trai và một số người dân trong bản. Sợ bị lộ, Phong bảo với mọi người là có con bò của ai đó bị chết, đề nghị mọi người xẻ thịt chia nhau, tuy nhiên, những người dân này không đồng ý. Khi dân bản rời khỏi chỉ còn lại em trai Trần Xuân Hà, Trần Xuân Phong thú nhận chính mình là người ra tay giết bò. Hai anh em cùng nhau cắt, tách số thịt bò còn lại đem giấu vào rừng. Để che giấu hành vi phạm tội, Phong và Hà xóa hết dấu vết hiện trường rồi quay về lán. Đến khoảng 18 giờ ngày hôm sau, Phong, Hà quay lại rừng lấy số thịt bò cất giấu thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.
 
Bản giám định tài sản số 19/KLGĐ-HĐĐG, ngày 26-5-2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng huyện Minh Hóa kết luận con bò đực tại thời điểm bị giết chết trị giá 15 triệu đồng.
 
Sau khi TAND huyện Minh Hóa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 20 tháng tù, Trần Xuân Phong viết đơn kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm dành cho mình quá nặng, xin cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt giúp bị cáo được hưởng sự khoan hồng pháp luật, tạo cơ hội sớm trở về với gia đình và xã hội vì gia đình bị cáo hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, bị cáo là lao động chính, trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng.
 
Quá trình xét xử phúc thẩm, HĐXX khẳng định mặc dù bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ, như: khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, là người dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực đặc biệt khó khăn…, nhưng đã được cấp sơ thẩm xem xét trong quá trình định khung hình phạt nên cấp phúc thẩm không xem xét thêm một lần nữa với vai trò là tình tiết giảm nhẹ.
 
Trần Xuân Phong có nhân thân rất xấu, tài sản chiếm đoạt trị giá 15 triệu đồng cao hơn mức khởi điểm của khung hình phạt nhiều lần. Hành vi giết trộm bò thuộc quyền sở hữu của người khác rồi xẻ lấy thịt ngoài việc gây nguy hiểm cho xã hội thì ở một khía cạnh khác đã tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng, mất đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
 
Từ nhận định trên, HĐXX quyết định bác đơn kháng cáo của Trần Xuân Phong, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo chịu mức án 20 tháng tù giam.
 
Hồ An
(* Tên các nhân vật đã thay đổi)