Cần hiểu đúng quy định sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết

  • 07:51 | Thứ Hai, 14/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 27-11-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 11-1-2021 và thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP, ngày 15-4-2009 của Chính phủ. Sau khi nghị định được ban hành, đã có nhiều người thể hiện sự ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự... Phóng viên Báo Quảng Bình đã thực hiện những trao đổi đa chiều để người dân hiểu đúng nghị định, nhằm tránh những sai phạm đáng tiếc xảy ra…
 
Anh Dương Văn Tuần (phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) bộc bạch: "Tôi và nhiều người dân khác rất thích pháo hoa, đặc biệt là vào dịp Tết và thời khắc đón giao thừa hàng năm. Thực tế cho thấy, vài năm gần đây, dù pháp luật có cấm việc người dân đốt pháo nổ và pháo hoa nổ, nhưng trong dịp Tết, một số cá nhân vẫn lén lút mua pháo lậu để đốt tràn lan. Và rất nhiều trường hợp trong số đó đã bị các cơ quan chức năng xử phạt rất nghiêm minh do không chấp hành đúng luật. Từ khi nghe về thông tin người dân được phép đốt pháo hoa, bản thân tôi mừng lắm. Thế nhưng, khi đọc kỹ Nghị định 137/2020/NĐ-CP tôi mới hiểu rõ hơn về từng loại pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa; cá nhân, tổ chức nào được phép sử dụng thì đúng luật. Khi bản thân đã hiểu thì cần phải nghiêm chỉnh chấp hành để không gây ra những tiêu cực, ảnh hưởng xấu đối với xã hội, cộng đồng...".
Người dân TP. Đồng Hới háo hức xem bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa tại vị trí cầu Nhật Lệ.
Người dân TP. Đồng Hới háo hức xem bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa tại vị trí cầu Nhật Lệ.
Anh Nguyễn Văn Nhân (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, những nội dung được nêu trong Nghị định 137/2020/NĐ-CP mới đây là rất phù hợp, chặt chẽ. Nếu người dân được phép đốt pháo nổ, pháo hoa nổ một cách tràn lan, thiếu an toàn thì có thể sẽ gây nên nhiều vụ tai nạn đáng tiếc như bị thương, cháy, nổ, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, gây rối an ninh trật tự. Cứ tổ chức bắn pháo hoa đúng luật, tập trung trong mỗi dịp lễ, Tết như trước đây thì mới tạo được khí thế, tâm lý háo hức và an toàn cho mọi người...".
 
Luật gia Hồng Luyến cho biết: "Tại điều 17 của nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đây là quy định mới so với trước. Tuy nhiên, cần hiểu đúng những quy định này để tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra. Trong đó, lưu ý nhất là cần phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ để áp dụng đúng quy định nói trên. Theo đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Còn pháo hoa nổ là loại pháo nổ có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Loại pháo này có chứa chất nổ, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người".
 
Cũng theo Luật gia Hồng Luyến, để tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra, có một số nội dung nữa cần lưu ý thêm: cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Đó là các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và các đơn vị này phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
 
Công an huyện Tuyên Hóa vận động người dân giao nộp pháo hoa nổ trái phép trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
Công an huyện Tuyên Hóa vận động người dân giao nộp pháo hoa nổ trái phép trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Bên cạnh đó, Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng quy định nghiêm cấm việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; việc lợi dụng, lạm dụng sử dụng pháo hoa để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Người sử dụng pháo hoa phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Ngoài ra, Nghị định nói trên cũng quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ và thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa nổ...

Luật sư Vũ Xuân Hải chia sẻ: "Mọi công dân cần phải thượng tôn pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh trật tự liên quan đến sử dụng pháo nổ, pháo hoa, pháo hoa nổ. Để tránh những vi phạm liên quan đến Nghị định 137/2020/NĐ-CP, trước hết, mọi công dân cần phải nhận thức đúng đắn về các loại pháo nào được Nhà nước cho phép sử dụng trong thời điểm hiện tại và loại pháo nào đang bị nghiêm cấm, xem là trái phép. Tiếp đến, mọi công dân cần nắm bắt thêm để hiểu luật và nghiêm chỉnh chấp hành trong vấn đề mua, bán, vận chuyển, cất giữ, sử dụng các loại pháo nhằm tránh các hành vi vi phạm có thể dẫn tới bị xử phạt từ mức hành chính đến hình sự…".
 
Thượng tá Phạm Thanh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho hay, Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã quy định phạm vi điểu chỉnh về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế- xã hội… Nghị định này tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa.
 
Như vậy, người dân chỉ được mua pháo hoa (không gây ra tiếng nổ) của các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, không bán tràn lan (theo Điều 14, Nghị định 137 thì các tổ chức, doanh nghiệp này phải thuộc Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, việc cho đốt pháo hoa không nổ cũng phải có sự quản lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, như: sản xuất, buôn bán, tàng trữ, gây rối trật tự công cộng. Còn pháo nổ và pháo hoa nổ bây giờ vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính.
 
Thực tế cho thấy, hiện nay đa số các loại pháo, pháo hoa trôi nổi ngoài thị trường đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, đang bị nghiêm cấm triệt để. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng Công an tỉnh đã tiến hành xử phạt khoảng 160 trường hợp liên quan đến sử dụng pháo hoa nổ bằng hình thức lập biên bản trực tiếp hoặc phạt nguội. Vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này, lực lượng Công an tỉnh tiếp tục triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi về sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các loại pháo trái phép theo quy định của pháp luật.
 
Văn Minh