Tạo bước chuyển mới trong công tác phòng, chống tham nhũng

  • 21:59 | Thứ Bảy, 05/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới” do Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì được Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu với số điểm xuất sắc.
 
Nội dung đề tài mang tính mới, tính thực tiễn cao, nếu áp dụng vào thực tế sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Để hiểu sâu hơn về những giá trị, nội dung đề tài, phóng viên Báo Quảng Bình đã có buổi trao đổi với đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ nhiệm đề tài. Sau đây là nội dung buổi trò chuyện.
 
Phóng viên (P.V): Cơ sở pháp lý và thực tiễn nào để hình thành đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới”, thưa đồng chí?
 
Đồng chí (Đ/c) Trần Hải Châu: Như chúng ta đã biết, tham nhũng là một vấn nạn, đe dọa sự trường tồn của Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì vậy, đấu tranh PCTN trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; một công việc khó khăn, phức tạp; trở thành yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, luôn được Đảng, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo. Đề tài hình thành trên những cơ sở sau:
 
Về phía Trung ương: Thứ nhất, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, Bộ Chính trị kết luận “Công tác PCTN, lãng phí mặc dù có sự chuyển biến, bước đầu được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa đạt mục tiên “ngăn chặn từng bước, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Tham nhũng, lãng phí biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng, cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
 
Thứ hai, từ thực tế tình hình, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 10, ngày 26-12-2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” và yêu cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy chủ động xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
 
Về phía địa phương: Thứ nhất, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 01, ngày 21-12-2012 của Tỉnh ủy Quảng Bình về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí’ và từ khi thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình (21-5-2013) đến nay, cần thiết phải nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đúng thực trạng, rút ra những vấn đề mang tính lý luận và yêu cầu thực tiễn cần giải quyết trong công tác PCTN. Từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất về những giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao công tác PCTN trong thời gian tới.
 
Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn kinh nghiệm công tác và chức năng của Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Tỉnh ủy về công tác nội chính, PCTN, lãng phí và cải cách tư pháp, tôi cùng tập thể cơ quan quyết định lựa chọn nội dung: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới” làm đề tài nghiên cứu.
Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới”
Hội thảo “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới”
P.V: Được đánh giá mang tính thời sự rất cao, xin đồng chí điểm qua một số nội dung mà đề tài đề cập đến?
 
Đ/c Trần Hải Châu: Phải nói rằng đây là đề tài tâm huyết không chỉ đối với riêng cá nhân tôi mà còn là của tập thể Ban Nội chính. Tính thời sự của đề tài thể hiện qua những khía cạnh như: các quan điểm, lý luận được trình bày và số liệu dùng để phản ánh, chứng minh, phân tích mang tính hệ thống, xâu chuỗi; có tham chiếu cả về mặt không gian và thời gian. Đặc biệt, tất cả đều đặt trong bối cảnh và tổng thể công tác đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, trên quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN là “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”.
 
Ngoài bố cục 3 chương thông thường của một đề tài, tại chương 2 về đánh giá thực trạng tham nhũng, công tác PCTN tại địa phương, chúng tôi đánh giá toàn diện thực tiễn công tác PCTN giai đoạn 2011-2017. Tuy nhiên, thời gian chúng tôi thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện đề tài trong 2 năm 2019 và 2020, trùng với thời gian Ban Nội chính tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập BCĐ Trung ương về PCTN cho đến nay. Do đó, để có tính tiếp diễn, phản ánh đầy đủ, chính xác, tổng quát số liệu đánh giá thực trạng, kết quả nghiên cứu mang tính thực tiễn cao, chúng tôi kiến nghị với Hội đồng khoa học tỉnh xin bổ sung thêm số liệu đánh giá 6 tháng đầu năm 2020. Đây chính là một trong những nội dung trọng tâm thể hiện rõ nét tính thời sự của đề tài.
 
Những số liệu phản ánh thực trạng được đánh giá trên ba nội dung chính: công tác phòng ngừa, công tác phát hiện và công tác xử lý tham nhũng của tỉnh.
 
Chương 3 đề xuất các giải pháp PCTN, là nội dung trọng tâm, mục tiêu cuối cùng trong nghiên cứu đề tài. Do vậy, trên cơ sở các giải pháp PCTN mà Đảng, Nhà nước đề cập trong hệ thống các văn bản chỉ đạo; trên cơ sở kết quả đánh giá, phân tích thực trạng tại địa phương kết hợp với kinh nghiệm công tác, nhất là việc dự báo về tham nhũng, công tác PCTN trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra 8 giải pháp mang tính đồng bộ, khoa học, bao quát được cả ba khía cạnh: phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Đặc biệt, các giải pháp này ngoài những điểm chung vẫn mang những đặc điểm riêng của tỉnh Quảng Bình.
 
Tám giải pháp cơ bản là: (1) Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về  PCTN. (2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, ban hành các quy định, cụ thể hoá các văn bản pháp luật để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong PCTN. (3) Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai minh bạch tài sản và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. (4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. (5) Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong đấu tranh PCTN. (6) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí. (7) Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. (8) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đơn vị có chức năng PCTN.
 
P.V: Đối với giá trị đề tài, Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh đánh giá đề tài đã xác định rõ và nêu bật được công tác PCTN trong tình hình mới. Một số điểm mới đó là gì?
 
Đ/c Trần Hải Châu: Điểm mới chung mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy đây là đề tài đầu tiên trong tỉnh nghiên cứu về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn Quảng Bình.
 
Điểm mới cụ thể như: Giúp người tiếp cận đề tài dễ dàng trong việc hệ thống các quan điểm, khái niệm, cách nhìn nhận, đánh giá về tham nhũng và công tác PCTN. Người tiếp cận đề tài có cái nhìn bao quát, tổng thể cả về không gian và thời gian, về tình hình tham nhũng và kết quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.
 
Đề tài phản ánh rõ mối quan hệ giữa việc gắn các quan điểm, định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước với kết quả triển khai, thực hiện công tác phòng ngừa và PCTN tại địa bàn tỉnh; chỉ rõ và nêu bật những kết quả đạt được, những tồn tại của từng văn bản chỉ đạo, điều hành đối với địa bàn nghiên cứu; hệ thống giải pháp đưa ra mang tính đồng bộ, có hệ thống, bao quát được tất cả các lĩnh vực trong công tác phòng ngừa và PCTN, phù hợp với thực tiễn địa bàn nghiên cứu và nếu được áp dụng đồng bộ tại địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao; đưa ra được dự báo về tình hình tham nhũng và công tác PCTN trong thời gian tới…
   
P.V: Vậy tính khả thi của đề tài như thế nào khi được triển khai vào thực tiễn, thưa đồng chí?    
   
Đ/c Trần Hải Châu: Như tôi đã nói, đề tài là kết quả của việc nghiên cứu, đánh giá trên những dữ liệu thu thập, điều tra thực tế của địa phương và có tham chiếu một số khía cạnh nổi bật về công tác PCTN tại một số tỉnh, thành trong cả nước cũng như sự góp ý từ các chuyên gia, những người có kinh nghiệm đã và đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu, nên ngay bản thân kết quả nghiên cứu này đã mang tính thực tế rất cao. Thêm vào đó, việc đưa ra hệ thống các giải pháp ngoài những điểm chung của cả nước còn dựa trên cơ sở đánh giá thực tế kết quả được và chưa được của tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua (giai đoạn 2011-2020). Do đó, sau khi hoàn thiện theo quy định và nộp cho Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh thì được Hội đồng thống nhất và đánh giá rất cao về tính khả thi của đề tài.
   
Cũng cần nói thêm rằng, với tư cách cơ quan chủ trì đề tài nghiên cứu về lĩnh vực PCTN, điều đáng mừng là quá trình chuẩn bị các nội dung phục vụ tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập BCĐ Trung ương về PCTN (ngày 1-2-2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, ngày 14-8-2020, Ban Nội chính Trung ương đã gửi Công văn số 5740-CV/BNCTW, đề nghị chúng tôi tham gia tham luận “Thực trạng phát hiện tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền đối với vấn đề này và những kiến nghị, đề xuất” tham gia trong buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong PCTN, vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học các Ban Đảng Trung ương dự kiến tổ chức trong tháng 9 này.    
 
Bản thân tôi, với góc độ là Chủ nhiệm đề tài thêm một lần nữa khẳng định rằng, không chỉ việc nghiên cứu và đưa ra hệ thống các giải pháp mang tính khả thi cao, dễ vận dụng và vận dụng tốt vào thực tiễn địa phương mà trong bất kỳ một lĩnh vực nào, nếu các giải pháp đưa ra để lãnh đạo, chỉ đạo đều bắt nguồn từ nghiên cứu thực tiễn, lúc đó tính vận dụng, tính thực tế cao và tối ưu được hiệu quả trong triển khai thực hiện.
 
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngô Thanh Long (thực hiện)