"Sập bẫy" lừa đảo, hàng chục hộ dân đổ nợ

  • 10:14 | Thứ Năm, 27/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng chục hộ dân ở huyện Bố Trạch tố cáo hành vi của ông Dương Minh Phú (SN 1988), trú tại xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, là nhân viên Phòng giao dịch Bố Trạch, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)-Chi nhánh Quảng Bình lập hồ sơ ký khống, lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và bỏ trốn.
 
Ký khống hồ sơ vay vốn
 
Liên quan đến vụ việc, hiện tại cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt quyết định tạm giữ hình sự đối với Dương Minh Phú (SN 1988), trú tại xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, là nhân viên Phòng giao dịch Bố Trạch, BIDV-Chi nhánh Quảng Bình về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Là giáo viên về hưu với đồng lương ít ỏi, tháng 12-2018, ông Dương Thự (SN 1955), ở xã Đồng Trạch đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để vay 150 triệu đồng tại Phòng giao dịch BIDV huyện Bố Trạch nhằm mục đích kinh doanh phế liệu. Đến tháng 3-2020, ông Thự tiếp tục làm hồ sơ thế chấp thêm 1 GCNQSDĐ khác để vay 500 triệu đồng nhằm xây nhà cho con. 

Ngày 4-5-2020, Phú nói với ông Thự về khoản vay 500 triệu đồng đã được ngân hàng duyệt và yêu cầu ông trả số tiền vay lần 1 là 150 triệu đồng để tất toán. Sau đó, Phú gặp ông Thự trước cửa trụ sở ngân hàng giao 500 triệu đồng tiền mặt, đồng thời đưa cho ông Tự 1 tờ giấy nhận tiền trống thông tin rồi bảo ký vào. Vì Phú là con của người bạn, ông Thự đặt bút ký mà không mảy may nghi ngờ.
 
“Khi thấy mọi người đồn đoán Phú lừa tiền của nhiều người, đã bỏ trốn. Tui lên ngân hàng để kiểm tra hồ sơ vay thì tá hỏa khi được giao dịch viên thông báo số nợ đến 1,2 tỷ đồng (vay 2 sổ, mỗi sổ 600 triệu đồng) kèm theo các giấy rút tiền vào các ngày 9-3-2020 và 22-4-2020. Trong khi đó, khoản vay lần trước tui đã thanh toán 150 triệu đồng, chỉ còn sổ vay 500 triệu. Giờ tính ra 150 triệu đồng bị mất, thêm khoản nợ 700 triệu từ trên trời rơi xuống nữa”, ông Thự cho hay.
Một số nạn nhân tố cáo hành vi lừa đảo của ông Dương Minh Phú
Một số nạn nhân tố cáo hành vi lừa đảo của ông Dương Minh Phú
Tháng 3-2020, bà Dương Thị Thanh (SN 1959), xã Hải Phú, huyện Bố Trạch lên trực tiếp ngân hàng gặp Phú thế chấp "sổ đỏ" nhà xin vay 1 tỷ đồng để cho con đi du học. Vài ngay sau đó, Phú về gặp bà Thanh để thẩm định tài sản và yêu cầu bà đem hồ sơ thế chấp đi công chứng. Tại đây, vì là người làng nên bà Thanh tin tưởng và ký vào tập hồ sơ do Phú đưa cho. Chờ tiếp vài ngày thì Phú gọi bà Thanh đưa sổ đỏ gốc nộp vào ngân hàng và hứa khi nào giải ngân được thì sẽ báo lại. 
 
Đến giữa tháng 7-2020, khi thông tin Phú bỏ trốn lan truyền, bà Thanh lên tìm ngân hàng lấy lại sổ đỏ thì được thông báo số nợ là 1,2 tỷ đồng và sắp hết hạn. Bà Thanh cho hay, khi nhận được thông báo nợ bà hết sức ngỡ ngàng vì mình hoàn toàn chưa nhận đồng tiền vay nào từ ngân hàng. Các loại giấy tờ tùy thân, chứng minh nhân dân bà vẫn giữ và không hề đưa cho ai, kể cả Phú thì tại sao tiền lại được rút khỏi ngân hàng? 
 
Trong số các nạn nhân bị Phú lừa gạt, có rất nhiều trường hợp tương tự như ông Thự, bà Thanh. Thực tế nhu cầu vay của họ rất ít, có 1 số nạn nhân thậm chí chưa nhận được tiền đã bị ngân hàng thông báo nợ.
 
Lập tài khoản ảo để chiếm đoạt?
 
Theo tìm hiểu, hàng chục người dân là nạn nhân sinh sống tại địa bàn xã Hải Phú, Đồng Trạch, Đức Trạch, thị trấn Hoàn Lão… những người từng quen biết, nhiều lần vay vốn ngân hàng làm ăn, giao dịch thông qua Dương Minh Phú vì cả tin đã bị Phú lừa ký giấy tờ nhận tiền, đáo hạn… với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. 

Ông P.V.H (đề nghị giấu tên), (SN 1968), ở thị trấn Hoàn Lão là khách hàng thường xuyên của BIDV Phòng giao dịch huyện Bố Trạch và có quen biết với Dương Minh Phú. Trong mỗi lần giao dịch thì ông H. luôn rất cẩn thận kiểm tra đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Ngày 6-7-2020, Phú điện cho ông H. ngỏ ý nói có khách hàng gần đến hạn và cần giúp đỡ với số tiền 2,9 tỷ đồng. Vì là chỗ quen biết, giao dịch lâu năm nên ông H. ra ngân hàng chuyển tiền theo chỉ định của ông Phú và giao dịch viên.

Ngày 8-7, Phú điện cho ông H. nói cần thêm 300 triệu đồng để giúp khách hàng, vợ ông H. lại tới ngân hàng chuyển cho Phú. Đến ngày 13-7-2020, Phú tiếp tục gọi điện cho ông H. nói cần số tiền 450 triệu đồng và hứa ngày hôm sau sẽ tất toán toàn bộ. Theo ông H. mỗi lần chuyển tiền đều theo hướng dẫn của ông Phú và giao dịch viên tại ngân hàng tên là Trang và Dương, có biên lai rõ ràng. Tổng số tiền mà ông H. chuyển 3 lần để giúp đáo hạn theo chỉ dẫn là 3,65 tỷ đồng. Vài ngày sau, Phú viện nhiều lý do thoái thác rồi bỏ trốn. 
 
“Kỳ lạ ở chỗ trong mỗi lần giao dịch thì giao dịch viên phải kiểm tra đầy đủ hồ sơ của người đáo hạn. Sau khi ngân hàng thông báo đủ hồ sơ hợp pháp thì mới lệnh chuyển tiền đáo hạn khách hàng. Tôi nghi ngờ có 1 số cán bộ giao dịch viên có sự thông đồng, bao che để chiếm dụng số tiền với các mục đích khác nhau”, ông H. bức xúc.
Biên lai nộp tiền vào tài khoản do ông Phú và giao dịch viên của ngân hàng chỉ định (nhân vật cung cấp)
Biên lai nộp tiền vào tài khoản do ông Phú và giao dịch viên của ngân hàng chỉ định (nhân vật cung cấp)
Khi lên trụ sở Phòng giao dịch BIDV huyện Bố Trạch kiểm kê biên lai giao dịch của mình thì ông H. được biết số tiền được chuyển vào 1 tài khoản 5311xxx mang tên “Ngô Thanh Long” có địa chỉ, năm sinh, quê quán tại xã Hải Phú (là bà con với Phú) trùng khớp với thông tin trên biên lai giao dịch. Khi tìm gặp anh Long để hỏi thì cả ông H. lẫn anh Long đều giật mình. Anh Long khẳng định mình chưa hề tạo tài khoản bất kỳ nào của BIDV, không có nhu cầu vay vốn và chưa hề rút tiền... Sự việc này khiến anh Long thấy khó hiểu, bất an. 
 
“Tôi chưa bao giờ mở tài khoản tại BIDV, kính mong ngân hàng xác minh tài khoản trên ai đã mở và số tiền đã chuyển về tài khoản này đang ở đâu. Tôi đề nghị nếu số tiền này còn trong tài khoản trên thì ngân hàng cho tôi chuyển trả lại cho các nạn nhân. Nếu tài khoản này không có tiền thì ngân hàng phải giải quyết, làm rõ số tiền đã chuyển về tài khoản này hiện đang ở đâu. Tôi xin cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật”, anh Long khẳng định.
 
Tờ trình của  "chủ nhân " tài khoản ảo gửi ngân hàng yêu cầu xác nhận và làm rõ số tiền đã chuyển vào tài khoản
Tờ trình của "chủ nhân" tài khoản ảo gửi ngân hàng yêu cầu xác nhận và làm rõ số tiền đã chuyển vào tài khoản
Trường hợp của anh Võ Văn Sơn (SN 1984), ở xã Đức Trạch cũng tương tự. Tháng 4-2019, anh thế chấp 2 GCNQSDĐ đến Phòng giao dịch BIDV huyện Bố Trạch vay 6 tỷ đồng với mục đích kinh doanh hải sản. Hồ sơ thẩm định duyệt xong, anh nhận 3 tỷ đồng tiền mặt, 3 tỷ còn lại thì anh lập thêm tài khoản thấu chi để khi cần thì rút ra giải quyết công việc. 
 
Mới đây, bà Võ Thị Hoa (chị gái anh Sơn) cùng anh đến ngân hàng làm thủ tục rút 2,9 tỷ đồng số dư trong tài khoản thấu chi của anh, sau đó nộp vào tài khoản của BIDV của bà Hoa để thanh toán khoản nợ mà bà vay ngân hàng trước đó. Cụ thể, bà Hoa nộp vào tài khoản của mình 1,9 tỷ đồng để trả nợ, 1 tỷ đồng còn lại thì gửi tiết kiệm làm vốn lưu động.
 
Về nhà đợi mãi vẫn không thấy tiền chuyển vào tài khoản mình, bà Hoa vội vàng ra ngân hàng hỏi thì được giao dịch viên tên Lê Thùy Dương giải thích, toàn bộ số tiền chị gửi đã được chuyển đi cho 1 tài khoản khác tên “N.V.T” nhưng trong biên lai lại không rõ thông tin, địa chỉ.
 
Trong số những nạn nhân bỗng dưng trở thành "con nợ" vì tin tưởng vào Dương Minh Phú, có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều người đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà, lâm vào cảnh khốn cùng. 
 
“Chúng tôi mong muốn những số tiền còn lưu tại BIDV thì đơn vị này phải có trách nhiệm khoanh nợ lại, chờ Công an làm rõ và kết luận các vấn đề về số tiền vay, chuyển về đâu. Khi đó mới xử lý, nếu cứ để quá hạn thì ảnh hưởng rất lớn, bị phạt lãi nặng và có thể bị thu hồi tài sản”, một nạn nhân nói.
X.Phú
 

>> Tạm giữ hình sự đối tượng là nhân viên ngân hàng BIDV lừa đảo, chiếm đoạt gần 15 tỉ đồng