Một số giải pháp trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

  • 17:16 | Thứ Bảy, 25/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 12-6-2017.
 
Luật đã cụ thể hoá chủ trương tại các Nghị quyết Đại hội Đảng, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đảng lần thứ XII; các chủ trương tại Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX), ngày 18-3-2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
Những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (HTPL cho DN) được điều chỉnh bởi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, ngày 28-5-2008 của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả công tác HTPL cho DN, chưa sát với đòi hỏi của thực tiễn; chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chủ yếu tập trung vào việc triển khai các văn bản mới, mà thiếu đi tính gắn kết giữa quy định của pháp luật với thực tiễn; việc xây dựng chương trình tập huấn, đào tạo còn mang tính chủ quan từ phía cơ quan nhà nước mà chưa có sự điều tra, khảo sát, tìm hiểu một cách toàn diện nhu cầu của doanh nghiệp.
Một hội nghị HTPL cho DN được tổ chức tại thành phố Đồng Hới trong tháng 6 năm 2020.
Một hội nghị HTPL cho DN được tổ chức tại thành phố Đồng Hới trong tháng 6 năm 2020.
Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn trong công tác HTPL cho DN, lần đầu tiên chế định HTPL cho DN được đề cập trong một đạo luật do Quốc hội ban hành. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ HTPL cho DN theo tinh thần của luật, cần có sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan có chức năng HTPL cho DN, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp. Xác định công tác HTPL cho DN là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả của doanh nghiệp. Cụ thể:
 
Trước hết, cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu HTPL cho DN, việc khảo sát có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại các chuyên đề pháp luật về kinh doanh cho doanh nghiệp, thông qua đó để thiết lập được diễn đàn trao đổi đa chiều, tạo điều kiện để cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật.
 
Thứ hai, tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác HTPL cho DN. Nội dung cần tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội, pháp luật về thuế, kế toán, pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, đầu tư...; kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp như kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật, kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng trong kinh doanh; kỹ năng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.
 
Thứ ba, tăng cường xây dựng, đăng tải, phát sóng các chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp trên đài, báo, tạp chí, bản tin và các phương tiện truyền thông khác. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những điểm mới của pháp luật về kinh doanh hiện hành, phân tích những tác động của sự thay đổi đó đối với hoạt động của doanh nghiệp; cung cấp các tình huống pháp lý, những vướng mắc trong thực tiễn thường gặp và cảnh báo những rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp không tuân thủ quy định, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
 
Thứ tư, duy trì, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm thiết lập hệ thống cộng tác viên trực tiếp giải đáp, trả lời những khó khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp trong công tác thực thi pháp luật.
 
Thứ năm, cập nhật thường xuyên, có hệ thống các chính sách, văn bản pháp quy bao gồm văn bản luật, văn bản dưới luật; liên kết với các cơ sở dữ liệu pháp luật hiện có ở các trang thông tin làm nguồn dữ liệu; phân loại có hệ thống văn bản pháp quy theo từng lĩnh vực chuyên môn: thuế, hải quan, doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, cạnh tranh, thương mại quốc tế; các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, các quy định trong thương mại quốc tế....
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải luôn song hành cùng với cơ quan nhà nước, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên cung cấp các thông tin về khó khăn, vướng mắc, nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý cho cơ quan nhà nước; tin tưởng vào khả năng và nội dung tư vấn, hỗ trợ của cơ quan nhà nước; sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý, nhất là việc lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp khi có các tranh chấp xảy ra.
 Luật gia Đình Huân