Quy định mới về Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý

  • 14:47 | Thứ Ba, 30/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một nghề đặc thù, cung cấp dịch vụ pháp lý không thu tiền cho người nghèo, đối tượng chính sách thuộc diện người được TGPL. Người thực hiện TGPL có bổn phận bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, từ đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật...
 
Để nâng cao trách nhiệm, đạo đức, uy tín nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, gương mẫu của người thực hiện TGPL, ngày 28-4-2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Thông tư số 03/2020/TT-BTP ban hành Quy tắc nghề nghiệp về TGPL. Theo đó, ngoài việc tuân thủ pháp luật, người thực hiện TGPL còn phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động theo quy định nói trên. 
 
Cụ thể, quy tắc này có 8 điều quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử thật sự cần thiết của người thực hiện TGPL từ khi tiếp nhận đến khi kết thúc vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng vụ việc TGPL.
 
Các quy tắc nghề nghiệp TGPL ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP có sự kế thừa từ những quy định còn phù hợp và có tính khả thi (Quy tắc nghề nghiệp TGPL ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08-12-2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); tham khảo một số quy tắc nghề nghiệp tương đồng trong lĩnh vực khác và kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng quy tắc nghề nghiệp TGPL như: quy tắc của người thực hiện TGPL của Scotland, quy tắc luật sư quốc tế...
 
Đồng thời, quy tắc này còn khắc phục những hạn chế, bất cập được phát hiện từ thực tiễn áp dụng các quy tắc nghề nghiệp TGPL ban hành theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP, cụ thể như: đã bổ sung quy định một số quy tắc ứng xử cơ bản và những quy tắc được xem là cốt lõi khi tham gia TGPL; độc lập, kịp thời trong quá trình thực hiện vụ việc TGPL.  
Chi nhánh TGPL số 3 thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Bình luôn nỗ lực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Chi nhánh TGPL số 3 thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Bình luôn nỗ lực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Nhìn chung, các quy tắc tại Thông tư số 03/2020/TT-BTP chỉ nhằm điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của các cá nhân trong quá trình thực hiện nghề nghiệp của mình; có sự phân định rõ ràng giữa quy tắc ứng xử và quy tắc hướng dẫn nghiệp vụ; khắc phục tình trạng một số quy tắc còn quy định chung chung, chưa mang tính quy phạm hoặc chưa phù hợp với tinh thần đòi hỏi cần phải có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Bên cạnh đó, Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 đặt ra yêu cầu bảo đảm chất lượng TGPL.
 
Do đó, ngoài việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ TGPL thì người thực hiện TGPL cần phải có những chuẩn mực ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ như quan hệ với người được TGPL, quan hệ giữa trợ giúp viên pháp lý với người tập sự, quan hệ với đồng nghiệp… nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ TGPL có chất lượng. 
 
So với các quy định trước đây, Quy tắc nghề nghiệp TGPL có một số điểm mới cần lưu ý, gồm:
           - Về sự liêm chính của người thực hiện TGPL: Tính liêm chính là một yêu cầu đòi hỏi đối với luật sư, người thực hiện TGPL ở nhiều nước trên thế giới. Việc đặt ra yêu cầu về tính liêm chính sẽ góp phần bảo đảm để việc thực hiện TGPL hướng tới mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, không màng vụ lợi cho người cung cấp dịch vụ.
 
           - Quy tắc độc lập khi thực hiện TGPL: Tính độc lập là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của người thực hiện TGPL, mang tính xuyên suốt khi hành nghề, đặc biệt khi tham gia tố tụng. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi người thực hiện TGPL trong quá trình thực hiện vụ việc phải tự mình đánh giá các tình tiết, chứng cứ của vụ việc mà không chịu ảnh hưởng, tác động của bất cứ cá nhân nào, đồng thời không được để lợi ích của mình hoặc lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ảnh hưởng đến việc thực hiện vụ việc TGPL; giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, không bị tác động bởi mối quan hệ hành chính nội bộ, không bị ảnh hưởng khi bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc bị can thiệp trái pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý.
 
         - Quy tắc bảo mật thông tin trong TGPL: Ngoài việc kế thừa những quy định giữ bí mật thông tin về vụ việc, việc TGPL tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP, quy tắc này bổ sung yêu cầu giữ bí mật đối với thông tin về vụ việc, việc TGPL, người được TGPL mà mình biết được không chỉ trong quá trình thực hiện vụ việc mà ngay cả khi vụ việc đã kết thúc đồng thời yêu cầu người thực hiện TGPL không được sử dụng thông tin mà mình có được để gây bất lợi cho người được TGPL, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.
 
          - Quy tắc ứng xử với đồng nghiệp: Quy tắc này xác định trách nhiệm của người thực hiện TGPL trong việc bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ người thực hiện TGPL. Mỗi người thực hiện TGPL có ý thức bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ người thực hiện TGPL sẽ góp phần tạo dựng uy tín, sự tin tưởng của người được TGPL, của xã hội đối với hoạt động TGPL. Ngoài ra, quy tắc này còn quy định những việc người thực hiện TGPL được làm và không được làm trong mối quan hệ với đồng nghiệp của mình, quy định như vậy sẽ tạo ra tính chuẩn mực trong cách ứng xử của đội ngũ người làm nghề TGPL, xây dựng một môi trường làm việc văn minh, hiệu quả.
 
           - Quy tắc ứng xử của trợ giúp viên pháp lý với người tập sự TGPL: Đây là một quy tắc mới bởi chế định tập sự là một chế định mới theo quy định của Luật TGPL năm 2017. Theo quy tắc này, trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người hướng dẫn tập sự cần có bổn phận tận tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp giúp người tập sự tiếp thu kiến thức để họ trưởng thành trong nghề nghiệp, tự tin, vững vàng khi thực hiện TGPL cho người dân; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với người tập sự TGPL; không được phân biệt đối xử giữa những người tập sự TGPL và không được lợi dụng tư cách người hướng dẫn tập sự để buộc người tập sự TGPL phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự.
 
Luật gia Bá Thành