Phía sau những cuộc ly hôn

  • 10:08 | Chủ Nhật, 01/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hai phiên tòa xét xử ly hôn. Hai hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng có chung những tình tiết giống nhau dẫn đến việc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” khiến vợ chồng đường ai nấy đi. Đoạn kết của sự tan vỡ hạnh phúc gia đình là cảnh những đứa con thơ chênh chao giữa dòng đời, lựa chọn về sống với mẹ… vắng cha!
 
1. Chị Phan Thị Lý, quê quán xã Phú Thủy kết hôn với anh Lê Văn Tình vào năm 2011, sau đó về sinh sống tại quê chồng ở xã Sơn Thủy. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên hạnh phúc khi đứa con trai đầu lòng Lê Chung Thủy ra đời vào cuối năm đó. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, sống với anh Tình, chị Lý phát hiện ra chồng mình nghiện nặng cờ bạc, lô đề. Được đồng nào anh Tình đều nướng cả vào những canh bạc thâu đêm suốt sáng hoặc từng con số đề đỏ đen… ước mơ sớm đổi đời.
 
Nhân gian có câu “Nghiện đề… ra đê mà ở”, may mắn vợ chồng Tình chưa đến cảnh ra đê vì đang nương nhờ trong nhà ông bà nội. Chị Lý nhỏ to, nặng nhẹ khuyên bảo chồng không được, tình cảm vợ chồng từ đó rạn nứt dần. Anh Tình phớt lờ lời khuyên của người thân, vẫn chứng nào tật ấy, chẳng “dứt áo” với kiếp đỏ đen.
 
Chuyện gì đến phải đến, năm 2014, chị Phạn Thị Lý ôm con nhỏ về nhà ông bà ngoại, sống ly thân với anh Lê Văn Tình, sau đó viết đơn xin ly hôn. Qua nhiều phiên hòa giải không thành, xét thấy quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng sứt mẻ trầm trọng, không thể nào cứu vãn được, TAND huyện Lệ Thủy tiến hành xét xử thuận tình để chị Lý, anh Tình đường ai nấy đi.
 
Về trách nhiệm nuôi con chung, HĐXX tuyên thuộc về chị Phan Thị Lý vì một nhẽ, quá trình ly thân hơn 6 năm trời (2014-2020), khoảng thời gian dài đó chị Lý vẫn để ngỏ cho anh Tình một nẻo quay về với vợ con, dứt bỏ "duyên nợ" cờ bạc, lô đề nhưng anh vẫn chứng nào tật đó. Đến một khoản tiền nhỏ chu cấp nuôi con hàng tháng, anh Tình thừa nhận trước HĐXX mình cũng không “kham” nổi. Phiên tòa kết thúc, chị Lý ôm con lặng lẽ ra về, rời xa người chồng, người cha vô tâm, vô tình... không một lời từ biệt.
2. Cũng nghiện ngập cờ bạc như anh Lê Văn Tình ở vụ án trên, nhưng tại một vụ án ly hôn khác, anh Nguyễn Xuân Mười lại hơn anh Tình vì còn nghiện thêm rượu chè, nhậu nhẹt bê tha. Cứ rượu vào là y như rằng về nhà anh vô cớ gây gổ, nhiều lần đánh đập vợ. “Tức nước vỡ bờ”, tình nghĩa vợ chồng ráo cạn, người vợ đâm đơn ra tòa xin ly dị.
 
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, vợ anh Mười, cùng quê quán với chồng ở xã Liên Thủy “tố” chồng trước HĐXX: năm 2015, chị từng viết đơn ly dị, được TAND huyện Lệ Thủy vận động, hòa giải, anh Nguyễn Xuân Mười hứa “như đinh đóng cột” sẽ thay đổi, tu chí làm ăn cùng vợ chăm lo hạnh phúc gia đình, chăm lo cho các con thơ.
 
Hứa là vậy, nhưng “chứng nào tật đó”, khi rượu vào, anh Mười vẫn tiếp tục đánh vợ, gây con. Thậm chí trong thời gian hòa giải, anh Mười còn đánh chị chấn thương vùng chóp mũi phải nằm viện điều trị dài ngày. Không chịu đựng nổi người chồng nát rượu, vũ phu, chị Hương ôm con đến sống nhờ nhà chị gái.
 
Kết hôn năm 2001, chị Nguyễn Thị Thu Hương và anh Nguyễn Xuân Mười từng có 15 năm chung sống hạnh phúc, họ sinh được ba người con. Đến năm 2015 thì hạnh phúc gia đình rạn vỡ.
 
Theo lời anh Nguyễn Xuân Mười trình bày trước tòa, nguyên do xảy ra mâu thuẫn ban đầu là vì anh bị lừa vay tiền nặng lãi. Từ đó vợ chồng thường xuyên gây gổ, xâu ẩu nhau. Hiện tại, tình cảm vợ chồng đã cạn, anh thuận tình ly hôn.
 
Trước tòa, Chị Nguyễn Thị Thu Hương xin HĐXX nhận nuôi ba người con. HĐXX hỏi ý kiến anh Nguyễn Xuân Mười, anh gật đầu chấp thuận, nhất trí chu cấp cho các con, mỗi đứa 500 nghìn đồng/tháng cho đến lúc trường thành.
 
3. Trò chuyện với phóng viên, Thẩm phán Nguyễn Thanh Hải, Chánh án TAND huyện Lệ Thủy băn khoăn: “Thời gian vừa qua, TAND huyện tiếp nhận, xử lý, xét xử rất nhiều vụ án ly hôn, tranh chấp con cái, tài sản khi ly hôn. Tỷ lệ án ly hôn có chiều hướng gia tăng trong các loại án. Hạnh phúc của những người “cầm cân, nảy mực” là cố gắng hòa giải, đoàn tụ. Mỗi vụ án ly hôn hòa giải thành là chúng tôi góp thêm một hạnh phúc nhỏ cho một gia đình nhỏ nào đó, cho cộng đồng và toàn xã hội. Nhiều vụ án, HĐXX thuận tình cho các đương sự đường ai nấy đi vì không thể nào hòa giải thành mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm lên đến đỉnh điểm trong mối quan hệ vợ chồng, chồng vợ. Giải pháp cuối cùng là chia tay”.
 
“Nhưng sau mỗi vụ án ly hôn luôn kèm theo nhiều hệ lụy, quan hệ vợ chồng tan vỡ kéo theo tranh chấp tài sản, tranh chấp quyền nuôi con, nghĩa vụ chu cấp hàng tháng cho con chung… Trong tất cả các vụ án ly hôn, đối tượng thiệt thòi nhất chính là những đứa con. Trẻ thơ dễ tổn thương khi chông chênh đứng giữa ngã ba chọn lựa: có mẹ, không cha; có cha vắng mẹ hoặc trở về sống nương tựa vào ông bà, người thân”- Chánh án Nguyễn Thanh Hải nỗi niềm.
 
(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.
Hồ An