Nhận diện tham nhũng để phòng, chống hiệu quả

  • 08:16 | Thứ Tư, 19/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ban Nội chính Tỉnh ủy vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới”, từ đó nêu cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh, quyết tâm, quyết liệt chống thứ giặc “nội xâm” này. Phóng viên Báo Quảng Bình lược ghi một số vấn đề quan trọng trong các tham luận nhằm mang đến cho bạn đọc góc nhìn đa chiều về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện nay.
 
 
Trong tham luận “Dự báo tình hình tham nhũng trong thời gian tới, những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN”, ông Cấn Đức Quyết, Vụ trưởng thuộc Vụ địa phương, Ban Nội chính Trung ương nhận định, Trung ương dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả  toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
 
Tuy nhiên, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nhiệp, “tham nhũng vặt” vẫn chưa bị đẩy lùi. Đáng lưu ý, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn... 
 Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để có giải pháp phòng, chống phù hợp.  “Tham nhũng vặt” dù không gây tác hại lớn về kinh tế, nhưng nó gặm nhấm lòng tin của người dân và hủy hoại hình ảnh nền công vụ, vì nó liên quan đến đại đa số người dân..., ông Cấn Đức Quyết nhấn mạnh. Do vậy, chống “tham nhũng vặt” không hề là chuyện vặt mà đòi hỏi sự kiên trì, đồng bộ trong các giải pháp và sự chung tay của hệ thống chính trị, của người dân và toàn xã hội.
 
Với tham luận “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong phòng, chống tham nhũng ở tỉnh Quảng Bình”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khẳng định, công tác PCTN luôn được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
 
Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về PCTN và được triển khai thực hiện. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có vị trí quan trọng trong PCTN.
 
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các tổ chức đảng có thẩm quyền của tỉnh đã thi hành kỷ luật 12 tổ chức đảng, 1.515 đảng viên. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế khuyết điểm, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ trong nội bộ, ngay từ cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đã đề xuất bảy nhóm giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng để nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
 
Theo ông Hồ Quốc Long, Trưởng phòng theo dõi công tác PCTN, Ban Nội chính Tỉnh ủy, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh luôn xác định PCTN là một trong những công tác trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; nhiều giải pháp phòng ngừa được quan tâm tập trung chỉ đạo; tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương từng bước được nâng cao; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành kịp thời, đúng luật định, nhận được sự đồng tình của dư luận...
 
Đặc biệt, thông qua công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thông qua việc cung cấp thông tin từ báo chí; sự vào cuộc của toàn xã hội, các hành vi “tham nhũng vặt” xảy ra trên địa bàn tỉnh đã được kịp thời tham mưu, xử lý như: vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội); vụ việc sai phạm xảy ra tại Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới; vụ việc liên quan đến dự án xây dựng siêu thị Hiệp Hợi...
 
Từ thực tiễn công tác PCTN, ông Hồ Quốc Long đã đề xuất một số giải pháp nhằm qua đó tạo nên sức mạnh toàn dân, sự đoàn kết chung sức, chung lòng trong việc đẩy lùi tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức liêm chính.
 
Với góc nhìn của mình, trung tá Trần Sỹ Nghệ, Đội trưởng, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh đã nhận định về những biến tướng của tham nhũng, cách tiếp cận. Với những phương thức rất phong phú và đa dạng, có thể coi biến tướng của tham nhũng giống như một loại hình “tội phạm ẩn” rất khó phát hiện, đấu tranh và xử lý. Loại hình này đang xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đặc biệt về đầu tư, xây dựng cơ bản, chính sách xã hội, công tác tổ chức cán bộ...
 
Trung tá Trần Sỹ Nghệ đồng thời đề ra các nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng và các biến tướng của tham nhũng, đó là: về nghiên cứu và tuyên truyền; hoàn thiện bộ máy, thể chế và xây dựng chính sách; hoạt động kiểm tra, điều tra, xử lý và cơ chế giám sát; công tác cán bộ...
 
Bên cạnh mặt còn hạn chế, nhìn chung, công tác PCTN thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, kết quả này thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Các cơ quan, địa phương đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp giữa phòng và chống tham nhũng, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu được nâng cao; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN tiếp tục được tăng cường...
 
Trần Minh Văn