Chuyện tuần này:

"Khoác nhầm áo"?

  • 10:04 | Thứ Bảy, 11/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Thời gian qua, dư luận trong cả nước không khỏi ngạc nhiên vì chuyện đánh tráo nhân thân của bà T.T.N.A.S (giả)., nguyên trưởng phòng quản trị-văn phòng của một tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, khi bà sử dụng bằng cấp của chị gái để học hành, bổ nhiệm.
 
Dư luận nghi vấn có sự “nâng đỡ không trong sáng”, bởi trong suốt thời gian dài, mặc dù không có bằng cấp theo quy định nhưng bà S. vẫn vượt qua nhiều “barie” để thăng tiến vùn vụt. Sự việc này xảy ra khiến mọi người ngỡ ngàng vì không khác vụ “hot girl” xứ Thanh năm nào, khi cả hai trường hợp đều thăng tiến thần tốc.
 
Sau khi sự việc vỡ lở và cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thì ngoài các nhân vật chính bị buộc phải thôi việc, khai trừ Đảng, nhiều người liên đới phải chịu án kỷ luật.
 
2. Mới đây, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng trong tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng cấp giả để vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
 
Điển hình như 2 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển viên chức giáo dục và được bố trí làm việc tại Trường THCS Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy), sau khi bị phát giác, 2 người này đã tự ý bỏ việc.
 
Tiếp đó, là trường hợp ông C.Đ.T, Trưởng công an xã T.H (huyện M.H) với nghi vấn sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả (bằng THPT hệ bổ túc ở tỉnh Đồng Nai) để tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Tuy nhiên, đến nay sự việc này vẫn chưa được xử lý dứt điểm theo kết luận của cơ quan chức năng.
 
Đặc biệt, trường hợp ông N.V.T., cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, người đã bị bắt tạm giam với các đồng phạm vì “dính” vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, làm thất thoát của Nhà nước hàng tỷ đồng. Ông này bị tố cáo không có bằng THPT nhưng có “bụi tre” là chú làm giám đốc đơn vị nên được nâng đỡ để học hành, thăng tiến và nâng lương thần tốc. Sự việc này đúng hay sai? Có lẽ câu trả lời không khó khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ, nhưng với các vấn đề bất thường đã xảy ra ở đơn vị này thì sự nghi vấn của dư luận là điều tất yếu.
 
Có thể nói, việc “khoác nhầm áo” là có thật và đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội, nhưng để ngăn chặn là không dễ vì sự “cả nể” kèm theo đó và “lỗ hổng” pháp lý khiến các đối tượng sẵn sàng lợi dụng. Do vậy, cần phải có chế tài mạnh, nghiêm minh mới có thể xử lý triệt để hiện tượng này!
Trần Minh Văn