Những quy định về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

  • 08:20 | Thứ Bảy, 28/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 13-12-2019, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Đây chính là những quy định về chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, thước đo phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư.

Về quan hệ với khách hàng: Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tiếp đến, luật sư phải giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, luật sư không được thực hiện 13 nhóm hành vi cấm, trong đó đáng chú ý là các hành vi: Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng; nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng; tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ, bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng; cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng; hứa hẹn, cam kết đảm bảo kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư; lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng.

Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không. Trường hợp biết khách hàng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì luật sư thông báo cho họ biết. Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật. Phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp: Vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau; vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại; vụ việc khác của khách hàng là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc luật sư đang thực hiện; vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ; vụ việc của khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư; vụ việc mà luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan nhà nước, trọng tài viên, hòa giải viên; vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của luật sư.

Về quan hệ với đồng nghiệp: Luật sư không được thực hiện 8 nhóm hành vi bị cấm, trong đó đáng chú ý là các hành vi: Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp; thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân; tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc khi biết khách hàng đó có luật sư mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hoặc luật sư đại diện cho khách hàng đó biết; thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng; thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng...

Trường hợp có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, luật sư cần thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hoà giải không có kết quả.

Về quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác: Luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; chấp hành nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án, tuân theo sự điều khiển của chủ tọa và hội đồng xét xử; tôn trọng người tiến hành tố tụng, luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác; có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa.

Đặc biệt, luật sư không được phát biểu những điều biết rõ là sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng về những vấn đề có liên quan đến vụ việc mà mình đảm nhận hoặc không đảm nhận nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan tiên hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Khi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan nhà nước khác với tư cách đại diện ngoài tố tụng, luật sư tư vấn hoặc thực hiện dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng, phải tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan nhà nước và quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam...

Luật gia Minh Tiến