Ký sự pháp đình:

Cái giá của những lòng tham!

  • 08:28 | Chủ Nhật, 29/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Lừa đảo để chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, giờ đây không còn là chuyện mới. Thế nhưng vì lòng tham, không ít người đã “dính” vào bẫy của những kẻ lừa đảo...

Khoảng tháng 7-2018, chị Thanh sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook của mình kết bạn với tài khoản có tên “Robinson Adams”. Qua nhắn tin trò chuyện, người này tự giới thiệu quốc tịch Mỹ, đang làm dự án đường sắt tại Indonesia.

Sau một thời gian nhắn tin, người này chia sẻ mình đang cần tiền để đặt cọc hợp đồng có giá trị lớn nên hỏi mượn tiền chị Thanh và hứa hẹn sau khi có được hợp đồng sẽ trả lại đầy đủ. Vì tin tưởng, chị Thanh đã gửi tiền cho đối tượng 4 lần qua các tài khoản ngân hàng Việt Nam mà đối tượng cung cấp, với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Tương tự, cũng trong tháng 7-2018, anh Huy đã kết bạn với tài khoản facebook tên “Woodard Tyler” của một người tự giới thiệu là sỹ quan quân đội Mỹ đang tham chiến tại Syria. Người này cho biết, sắp tới sẽ gửi một gói hàng có giá trị 3,2 triệu đô la Mỹ về Việt Nam và nhờ anh Huy nhận giúp. Để “cảm ơn” anh, người này sẽ cho anh Huy 30% tổng số tiền trên.

Khoảng đầu tháng 8-2018, có một người phụ nữ, giới thiệu là nhân viên Hải quan, nhiều lần gọi điện thoại cho anh Huy yêu cầu anh nộp tiền phí để nhận hàng. Nhớ lại lời nhờ vả của người sỹ quan quân đội Mỹ trước đó, anh Huy nhanh chóng nộp vào tài khoản ngân hàng Việt Nam mà người Mỹ kia cung cấp, với số tiền 155 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài chuyển tiền, cả chị Thanh và anh Huy đều không nhận được hàng và tiền của những “người bạn” qua mạng xã hội kia trả lại. Bất đắc dĩ họ phải gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng.

Lần theo manh mối của vụ việc, Cơ quan Công an xác định Trần Thị Thùy Hương ở TP. Hồ Chí Minh chính là người đã sử dụng hộ chiếu cá nhân của mình mở 13 tài khoản có thẻ thanh toán quốc tế, cùng mật khẩu đưa cho các đối tượng người nước ngoài sử dụng để nhận tiền, bằng cách tạo lòng tin về việc sẽ gửi tiền, quà có giá trị lớn cho họ.  

Theo khai nhận của Hương, từ tháng 6-2018, Trần Thị Thùy Hương sinh sống tại Phnôm Pênh (Campuchia) và gặp gỡ 3 đối tượng là đàn ông da đen (gốc châu Phi). Hương không biết rõ quốc tịch, tên gọi chính xác, để câu kết thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, các đối tượng sử dụng mạng internet lừa đảo nhiều người ở Việt Nam. Hương là người sử dụng hộ chiếu của mình về TP. Hồ Chí Minh, đến các ngân hàng đăng ký mở nhiều tài khoản có thẻ thanh toán quốc tế để có thể rút tiền ở nước ngoài.

Sau khi có thẻ ngân hàng, Hương giao thẻ cho các đối tượng người nước ngoài nói trên sử dụng để rút tiền của những người bị lừa nộp vào. Mỗi tài khoản, Hương được các đối tượng trả 200 đô la Mỹ. Đối với các món tiền lớn gửi vào tài khoản mang tên mình, Hương về Việt Nam và trực tiếp đến các ngân hàng dùng hộ chiếu của mình rút tiền mặt, sau đó đổi thành đô la, rồi đưa cho các đối tượng người nước ngoài.

Theo thỏa thuận, mỗi lần rút tiền mặt, Hương được hưởng 5% trong tổng số tiền đã rút. Cụ thể, qua điều tra, ngày 18-9-2018, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Chi nhánh Trung tâm TP. Hồ Chí Minh), Hương sử dụng hộ chiếu của mình, trực tiếp rút tiền mặt 2 lần, với tổng số tiền 685 triệu đồng.

Đây chính là số tiền mà chị Thanh đã nộp vào tài khoản theo yêu cầu của “người bạn” mà chị làm quen qua mạng xã hội. Sau khi rút tiền, theo hướng dẫn của các đối tượng, Hương đến các tiệm vàng ở TP. Hồ Chí Minh đổi thành đô la Mỹ và giao cho người phụ nữ Phi-lip-pin.

Ngoài ra, theo sự sắp đặt của các đối tượng người nước ngoài, Hương còn nhiều lần sử dụng sim điện thoại không chính chủ của các nhà mạng viễn thông Việt Nam, gọi điện thoại cho nhiều người ở Việt Nam, tự giới thiệu là nhân viên chuyển hàng quốc tế, đề nghị họ gửi tiền vào các tài khoản để được nhận hàng, quà từ nước ngoài chuyển về, sau đó chiếm đoạt tiền của họ.

Trong vụ án này còn có Châu Thị Bích Hồng (SN 1980, ở TP. Hà Tiên-tỉnh Kiên Giang). Theo khai nhận, từ tháng 6-2018, Hồng có quen và thuê khách sạn tại quận 12 (TP. Hồ Chí Minh) sống cùng đối tượng người nước ngoài tên là Chu Weameka. Người này đã nhờ Hồng dùng CMND của mình mở 13 tài khoản ở các ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh, như: Sacombank, Vietcombank, Techcombank, VTB, OCB, Viettinbank, VP bank và đưa thẻ ATM cho người này sử dụng.

Mỗi tài khoản, Hồng được trả 500.000 đồng. Điều đáng nói, trong quá trình sống tại khách sạn, Hồng đã nghi ngờ hai người này lừa gạt người khác, tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên Hồng vẫn đồng ý thực hiện, để được nhận 3% số tiền chuyển vào tài khoản của mình. Ngày 25-9-2018, người nước ngoài này bảo có khoản tiền lớn chuyển vào tài khoản mang tên Châu Thị Bích Hồng và yêu cầu Hồng rút tiền. Sau khi rút 1.090 triệu đồng và đưa tiền mặt cho người nước ngoài này, Hồng được trả 25 triệu đồng.

Tại phiên tòa, xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Thị Thùy Hương 13 năm tù và Châu Thị Bích Hồng 12 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về trách nhiệm dân sự, 2 bị cáo buộc phải trả lại số tiền đã rút tại các tài khoản của mình để trả lại cho các bị hại. Riêng đối với các đối tượng lừa đảo người nước ngoài thì đến này vẫn "bặt vô âm tính".

D.C.H

-------------------------------------------------------------------------

* Tên người bị hại trong bài đã được thay đổi.