Tranh chấp đầu tư quốc tế và một số vấn đề cần quan tâm

  • 08:58 | Thứ Ba, 26/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tranh chấp về đầu tư quốc tế (ĐTQT) là những tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư giữa nhà nước nơi tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư từ quốc gia khác phát sinh trên cơ sở Điều ước quốc tế về đầu tư (ĐƯQTVĐT); tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước cụ thể liên quan đến hoạt động đầu tư phát sinh trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hay luật quốc gia của nước tiếp nhận đầu tư; tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến giải thích, thực hiện các ĐƯQTVĐT...

Trong khuôn khổ bài viết này, qua nghiên cứu, tìm hiểu, người viết chỉ nêu ra một số nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư giữa nhà nước ta (nơi tiếp nhận đầu tư) và nhà đầu tư từ quốc gia khác phát sinh trên cơ sở ĐƯQTVĐT.

Thứ nhất, ai là bên bị kiện trong tranh chấp ĐTQT?

Bên bị kiện trong tranh chấp ĐTQT là nhà nước Việt Nam khi việc khởi kiện dựa trên ĐƯQTVĐT mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Tuy nhiên, việc khởi kiện có thể được tiến hành đối với hành vi bị khiếu nại là vi phạm ĐƯQTVĐT của bất kỳ cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức, viên chức nào tại Trung ương, địa phương hay các tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước như: Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp; cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, địa phương...

Thứ hai, những nội dung vi phạm nào có thể là nguyên nhân dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện?

Nhà đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện khi có các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước Việt Nam (trung ương hay địa phương) hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với một hoặc một số nghĩa vụ của Chính phủ Việt Nam được quy định trong ĐƯQTVĐT có liên quan như: Vi phạm các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu theo tập quán quốc tế; vi phạm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc; vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia; tước đoạt hoặc quốc hữu hóa tài sản đầu tư; vi phạm cam kết cho phép nhà đầu tư nước ngoài tự do chuyển các khoản đầu tư ra nước ngoài; không đảm bảo quyền tiếp cận công lý và thiếu khách quan, công bằng trong xét xử tư pháp, thi hành án; không trả nợ theo đúng cam kết tại hợp đồng vay, hợp đồng bảo lãnh chính phủ.

Thứ ba, những lĩnh vực nào dễ phát sinh tranh chấp đầu tư với nhà ĐTQT?

Các tranh chấp dễ phát sinh gồm đất đai (tranh chấp trong lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp đất, thuê nhà xưởng nhưng không triển khai dự án hoặc triển khai không đúng tiến độ), xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị, nhà ở và các lĩnh vực đầu tư có cam kết ưu đãi về thuế ...

Các hoạt động cam kết của địa phương dễ nảy sinh tranh chấp gồm: Ưu đãi đầu tư vượt quá quy định của pháp luật; dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho nhà đầu tư; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào; cung cấp đủ lao động theo yêu cầu của nhà đầu tư; cung cấp đủ điện 24/24 giờ; bảo đảm cung cấp đủ nước sạch và xử lý nước thải; cung cấp nhà ở cho công nhân; thủ tục hải quan thuận lợi; thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhanh nhất; không có đình công, bãi công; bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài doanh nghiệp....

Khi có tranh chấp ĐTQT xảy ra, theo pháp luật Việt Nam và ĐƯQTVĐT mà Việt Nam là thành viên, các phương thức giải quyết tranh chấp ĐTQT bao gồm: Thương lượng, đàm phán; hòa giải (có trung gian hoặc thông qua trao đổi trực tiếp tại cơ quan giải quyết tranh chấp); trọng tài; tòa án.

Thứ tư, Tòa án hoặc cơ quan hành chính Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ĐTQT hay không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Đầu tư năm 2014, tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được giải quyết tại Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp hợp đồng hoặc ĐƯQTVĐT mà Việt Nam tham gia có quy định khác.

Do vậy, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp sau: Tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài không mang quốc tịch của các quốc gia tham gia ĐƯQTVĐT và giữa nhà đầu tư đó với cơ quan nhà nước Việt Nam không tồn tại một thỏa thuận có hiệu lực về giải quyết tranh chấp liên quan tại cơ quan tài phán quốc tế hay trọng tài Việt Nam.

Tòa án Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định tại hợp đồng, thỏa thuận có hiệu lực pháp lý giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan nhà nước Việt Nam, hoặc theo ĐƯQTVĐT mà Việt Nam và quốc gia của nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch là thành viên.

Thứ năm, các biện pháp nào để giúp ngăn chặn bất đồng, mâu thuẫn giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước, khi đã có dấu hiệu rõ ràng về việc có khả năng xảy ra tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương?

Khi đã có dấu hiệu rõ ràng về việc có khả năng xảy ra tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương thì các biện pháp ngăn chặn gồm: xử lý dứt điểm các bất đồng giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có khả năng trở thành tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam; giải quyết dứt điểm các bất đồng theo thủ tục khiếu nại hành chính hoặc tham vấn, thương lượng, hòa giải, tư pháp trong nước; chia sẽ kinh nghiệm nội bộ về xử lý các bất đồng, tranh chấp.

Thứ sáu, các biện pháp phòng ngừa từ xa nào trong phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế?

Phòng ngừa từ xa trong tranh chấp ĐTQT là những cách thức mà các cơ quan nhà nước cần áp dụng nhằm giảm thiểu nguyên nhân nảy sinh các tranh chấp ĐTQT, bao gồm: Xây dựng các cam kết chặt chẽ và hiệu quả về nghĩa vụ của nhà nước đối với các nhà đầu tư khi tham gia các ĐƯQTVĐT; hoàn thiện khung pháp lý trong nước để phòng ngừa tranh chấp; tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tranh chấp; phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài cho các nhà đầu tư nước ngoài; lựa chọn, thẩm định năng lực thực hiện dự án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án; nâng cao chất lượng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài...

Luật gia Đình Huân