Nhà trường "lạm thu" hay linh mục "lạm quyền"?-Kỳ 2: Giải pháp nào cho vấn nạn "lạm thu"

  • 08:33 | Thứ Ba, 05/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Để hạn chế những bức xúc, phản ứng trong cha mẹ học sinh, dư luận xã hội, chống lại sự can thiệp, “lạm quyền” của các linh mục, đòi hỏi ngành GD-ĐT phải tuân thủ nghiêm túc quy định và minh bạch các khoản đóng góp tự nguyện, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi “lạm thu”.

Cần thực hiện đúng văn bản quy định

Hiện nay, nguồn lực ngân sách nhà nước chi cho hoạt động GD - ĐT còn hạn chế trong khi nhu cầu chi cho hoạt động và đầu tư, phát triển các trường học là rất lớn, nên việc cân đối ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, các khoản thu theo thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh và đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cho các trường học theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18-4-2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao là hết sức cần thiết, nhằm huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp GD-ĐT, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất phục vụ việc học tập của các em học sinh.

Văn bản của linh mục Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa
Văn bản của linh mục Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa

Nhằm tránh việc lợi dụng chủ trương xã hội hóa để lạm thu, sử dụng sai mục đích, không đúng tinh thần, mục tiêu mà Nghị quyết 05 đề ra, ngày 11-3-2005, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 09/2005/TT-BTC hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

Ngày 7-5-2009, Bộ GD - ĐT đã ban hành Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong đó, Thông tư số 09 quy định đầy đủ, rõ ràng nguyên tắc, các nội dung, hình thức và thời điểm công khai đối với từng cấp học.

>> Kỳ 1: Lợi dụng chống "lạm thu" để thực hiện ý đồ "bất tuân dân sự"

Để cụ thể hóa các khoản thu theo quy định và giúp cho các cơ sở công lập trên địa bàn tỉnh thuận lợi trong việc thu và sử dụng các khoản thu, ngày 1-10-2019, Sở GD - ĐT Quảng Bình ban hành Hướng dẫn số 1660/HD-SGDĐT (thay thế Hướng dẫn số 2525/HD-SGDĐT, ngày 19-8-2016) về thực hiện thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục công lập, trong đó quy định rất rõ khoản nào các trường học được thu, các khoản nào không được thu hộ.

Hướng dẫn số 2525/HD-SGDĐT còn yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện đúng quy trình từ việc lập kế hoạch, dự toán, thẩm định, xin chủ trương phê duyệt, đến quyết toán và báo cáo kết quả thực hiện.

Chấm dứt ngay tình trạng mập mờ, thiếu minh bạch

Hàng năm, chuẩn bị bước vào năm học mới, Bộ GD - ĐT đều có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD - ĐT, trong đó yêu cầu cấm các trường học thu các khoản ngoài quy định và lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22-11-2011 của Bộ GD - ĐT về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

Quy định là vậy, nhưng quá trình tổ chức thực hiện lại không được các trường học tuân thủ nghiêm túc. Chính những khoản đóng góp thỏa thuận, còn nhiều mập mờ, thiếu minh bạch mới gây nghi ngờ, phản ứng trong cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Đối với từng khối lớp, đáng lẽ phải căn cứ vào số lượng học sinh và dự toán các khoản chi, trên cơ sở đó nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh bàn bạc, thống nhất sau đó mới chia theo đầu học sinh.

Nhưng ở đây, các trường dự toán các khoản thu nhưng không dựa trên căn cứ hay cơ sở thực tiễn nào cả. Ngoài ra, tại các cuộc họp cha mẹ học sinh, đáng ra các trường phải in chi tiết các khoản thu trên giấy, không thì phải viết trên bảng để cha mẹ học sinh nắm bắt, bàn bạc và đi đến thống nhất.

Nhưng quá trình họp hội cha mẹ học sinh, các trường giao cho giáo viên chủ nhiệm điều hành, đọc một danh sách dài dằng dặc các khoản thu. Cha mẹ học sinh chỉ biết tổng số tiền, còn chi tiết từng khoản, số tiền bao nhiêu thì không thể nhớ hết.

Chính từ cách làm và hình thức thể hiện không rõ ràng, thiếu minh bạch, khiến cho cha mẹ học sinh không đồng tình, thậm chí có người chất vấn nhưng không được giải thích một cách cụ thể, chi tiết.

Ngoài ra, theo nguyên tắc, khoản thu tự nguyện của tổ chức nào thì tổ chức đó chịu trách nhiệm đứng ra thu. Nhưng trong thực tế, Ban đại diện cha mẹ học sinh vô tình trở thành “bức bình phong”, làm thay đứng ra thu các khoản đóng góp tự nguyện cho các nhà trường. Đánh vào điểm yếu và tâm lý tránh bị “liên lụy”, ngại ảnh hưởng đến việc học tập của con cái, nhiều bậc cha mẹ học sinh đành tặc lưỡi, bấm bụng nộp cho xong chuyện.

Kiên quyết nói không với "lạm thu"

Lạm thu đầu năm học đang trở thành vấn nạn không chỉ riêng của tỉnh ta mà là tình trạng của các địa phương trong cả nước. Vấn nạn lạm thu trở thành nỗi lo, trăn trở và gánh nặng của nhiều bậc cha mẹ học sinh mỗi khi vào năm học, nhất là đối với những gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người lao động có thu nhập thấp. Các cơ quan chức năng dù đã đoán “đúng bệnh” nhưng đang loay hoay, chưa có giải pháp “bốc đúng thuốc” để ngăn chặn.

Những năm qua, có rất nhiều trường hợp đã bị xử lý kỷ luật nghiêm minh về hành vi lạm thu nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Điển hình, là tháng 7-2019, bà Lê Thị Thu Thủy, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương, An Dương, Hải Phòng phải nhận mức án 66 tháng tù vì lạm thu.

Lời lẽ đầy kích động của linh mục Mai Văn Quốc.
Lời lẽ đầy kích động của linh mục Mai Văn Quốc.

Điều này gây dư luận xấu trong nhân dân, làm hoen ố, hạ thấp hình ảnh của người giáo viên và nhà trường. Nguy hiểm hơn, đây lại là kẽ hở để các phần tử xấu, phần tử cơ hội lợi dụng kích động người dân phản đối, gây phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương. Điển hình, đó là việc “lạm quyền” can thiệp vào hoạt động giảng dạy của một số linh mục đang mục vụ ở tỉnh ta như Nguyễn Lượng, Dương Sĩ Nho, Nguyễn Văn Hảo, Mai Văn Quốc … .

Để ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi các trường học phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về các khoản thu trên nguyên tắc tự nguyện, thu đúng mục đích, thu đủ bù chi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Quá trình thực hiện phải đúng quy trình, bàn bạc một cách công khai, dân chủ, minh bạch để có được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía cha mẹ học sinh và toàn xã hội.

Các cơ quan chức năng như thanh tra ngành GD - ĐT, thanh tra các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các trường học, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lạm thu. Đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an xác minh, điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, cơ quan Công an cũng có biện pháp xử lý, răn đe đối với các trường hợp có hành vi xúi giục, ngăn cấm học sinh đến trường, can thiệp thô bạo hoạt động dạy học. Có như vậy vấn nạn lạm thu mới được đẩy lùi, hệ lụy gây ra từng bước được ngăn chặn và loại bỏ triệt để.

Kỳ Sơn