Xét xử 8 cán bộ dân số-kế hoạch hóa gia đình huyện Lệ Thủy vi phạm pháp luật

  • 09:36 | Thứ Sáu, 04/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 3-10, Tòa án nhân dân huyện Lệ Thủy mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với 8 cán bộ dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện về "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
 
Theo đó, bị cáo Lê Văn Quân (SN 1966) ở xã An Thủy, nguyên Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lệ Thủy bị xét xử về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, theo quy định tại khoản 1, Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
Các bị cáo Nguyễn Thị Bường (SN 1983), ở xã Hồng Thủy; Nguyễn Thị Hương (SN 1985), ở xã Mai Thủy; Nguyễn Thị Lan (SN 1985), ở xã Trường Thủy; Võ Thị Hương (SN 1987), ở xã Dương Thủy; Lê Thị Mừng (SN 1965), ở xã Mỹ Thủy; Trần Thị Ngọc Khuyên (SN 1994), ở xã Ngư Thủy Bắc; Phan Thị Mẫu (SN 1976), ở xã Tân Thủy bị xét xử về “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
aaa
Tòa án nhân dân huyện Lệ Thủy mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo.
Theo cáo trạng, trong 2 năm 2017 và 2018, sau khi nhận được thông tin UBND huyện Lệ Thủy có kế hoạch xét tuyển đặc cách viên chức DS-KHHGĐ, các bị cáo: Nguyễn Thị Bường, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Lan, Võ Thị Hương, Lê Thị Mừng, Trần Thị Ngọc Khuyên, Phan Thị Mẫu, (lúc này đang là hợp đồng bán chuyên trách DS-KHHGĐ tại các xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy) đã sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ DS-KHHGĐ giả để tham gia xét tuyển và trúng tuyển viên chức DS-KHHGĐ. 
 
Quá trình điều tra, cơ quan Điều tra Công an huyện Lệ Thủy xác định các bị cáo Nguyễn Thị Bường, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Lan, Lê Thị Mừng, Phan Thị Mẫu, Võ Thị Hương đã liên hệ với người không quen biết để mua chứng chỉ giả. Riêng Trần Thị Ngọc Khuyên thông qua Lê Văn Quân để mua chứng chỉ giả với giá 15 triệu đồng từ một người tên T.T.L (ở TP. Đồng Hới, hiện tại đã chết).
 
Hành vi của các bị cáo nêu trên đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước, đến mức phải truy tố ra tòa. Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện hồ sơ, chứng cứ, tài liệu liên quan, Hội đồng xét xử nhận thấy các bị can đều phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đối với bị can Lê Văn Quân được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ, người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
 
Vì vậy, Hội đồng xét xử đã quyết định xử phạt Lê Văn Quân 40 triệu đồng về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; 7 bị cáo còn lại đều bị xử phạt cảnh cáo.
Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
 
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;...”
 
Điều 34, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt cảnh cáo như sau: “Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”.

D.C.H