Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên

  • 09:06 | Thứ Sáu, 27/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Công chứng viên (CCV) là một cá nhân được trao một phần quyền lực công của Nhà nước (thực hiện dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm) nên đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, kiến thức pháp luật phải rất rộng và đặc biệt phải vững vàng. Thêm vào đó, còn cần yếu tố kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn đầy đủ và chắc chắn. Chính vì vậy cần có quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm phù hợp để chọn lựa những người có đủ phẩm chất, năng lực.

Các giao dịch qua khâu công chứng có giá trị như một chứng cứ, vì vậy mức độ tin cậy của một hành vi công chứng rất lớn nên CCV có trách nhiệm rất lớn khi hành nghề công chứng. Công dân khi đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 8, Luật Công chứng năm 2014 về tiêu chuẩn CCV thì được xem xét, bổ nhiệm CCV. Các tiêu chuẩn gồm: Có bằng cử nhân luật;

có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật; tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật Công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Công chứng; đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.

Theo đó, công dân Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân Luật. Sau khi có bằng cử nhân luật, người đó phải tham gia khóa đào tạo nghề công chứng 12 tháng tại Học viện Tư pháp và được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa học. Việc tham gia khóa đào tạo hành nghề công chứng không áp dụng cho tất cả các trường hợp.

Cụ thể, theo Điều 10 Luật Công chứng 2014, những đối tượng được miễn đào tạo hành nghề công chứng gồm: Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên; Luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên; Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên pháp luật cao cấp.

Các trường hợp được miễn đào tạo hành nghề công chứng vẫn phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại Học viện Tư pháp trong 3 tháng và tập sự hành nghề. Người đã hoàn thành khóa đào tạo hành nghề công chứng hoặc khóa học bồi dưỡng hành nghề công chứng đăng ký việc tập sự hành nghề với Sở Tư pháp, nơi có Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nhận tập sự.

Trong trường hợp không tìm được tổ chức hành nghề công chứng để tập sự hoặc gặp khó khăn trong việc tự liên lạc, người tập sự có thể liên hệ với Sở Tư pháp địa phương nơi mình muốn tập sự để được bố trí phù hợp.

Thời gian thực tập hành nghề công chứng là 12 tháng đối với những người tốt nghiệp khóa đào tạo hành nghề công chứng; 3 tháng đối với người tốt nghiệp khóa bồi dưỡng nghề công chứng. Người có nguyện vọng được quyền thay đổi nơi tập sự nhưng phải đảm bảo tổng thời gian tập sự tối thiểu tại mỗi tổ chức hành nghề là 3 tháng.

Sau khi kết thúc tập sự, người tập sự phải trải qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự. Việc đăng ký kiểm tra kết quả tập sự có thể được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi đăng ký tập sự khi có kỳ kiểm tra do Bộ Tư pháp tổ chức hoặc ngay khi người tập sự nộp báo cáo kết quả tập sự.

Một năm, Bộ Tư pháp tổ chức 2 kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Trong trường hợp không đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra trước, người tập sự được phép đăng ký kiểm tra lại trong đợt sau nhưng tổng số lần kiểm tra tối đa chỉ 3 lần.

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng. Khi đạt tiêu chuẩn hành nghề và đã tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, có giấy chứng nhận hoàn thành tập sự hành nghề công chứng, người có nguyện vọng đủ điều kiện nộp hồ sơ xin bổ nhiệm CCV theo quy định của Luật Công chứng.

Người đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm CCV. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV được gửi đến Sở Tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm CCV đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm CCV kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm.

Trường hợp từ chối đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm CCV. Trường hợp từ chối bổ nhiệm phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định cụ thể những trường hợp không được bổ nhiệm làm CCV tại Điều 13 Luật Công chứng 2014.

Pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể về bổ nhiệm CCV, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập như tại khoản 2 Điều 8, Luật Công chứng 2014 quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV: “Có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật”.

Quy định này không đủ và chưa hợp lý so với quy định các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10): “Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên” hoặc “Luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên”.

Những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng này có thể xác định được số năm công tác pháp luật của họ tối thiểu phải 8 đến 10 năm mới có thể được bổ nhiệm làm CCV, trong khi khoản 2 Điều 8 nói trên quy định chỉ cần 5 năm công tác pháp luật. Đây rõ ràng là một sự thiếu sót, khập khiễng của điều khoản này.

Do vậy, để thống nhất về mặt định lượng trong hệ thống văn bản pháp luật và nâng cao chất lượng CCV cần quy định nội dung này theo hướng: Phải có từ đủ 5 năm liên tiếp làm giúp việc nghiệp vụ trực tiếp cho CCV hoặc có ít nhất 5 năm làm việc tại tổ chức hành nghề công chứng mới đảm bảo phù hợp.

Luật gia Trà Đình Phúc