Để những dòng sông yên bình-Bài 2: Quản lý đồng bộ cát, sỏi lòng sông

  • 07:55 | Thứ Hai, 30/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Với quyết tâm giữ bình yên cho các dòng sông trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch để đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn "cát tặc" hoành hành. Nhờ đó, trật tự hoạt động khai thác cát, sỏi trên các dòng sông dần được thiết lập trở lại, tình trạng xói lở bờ sông do hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép có chuyển biến̉...

Quảng Bình có địa hình hẹp và dốc từ Tây sang Đông, hệ thống sông suối khá lớn, với 5 sông chính là sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hoà, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Các dòng sông mang trong mình một trữ lượng tài nguyên cát, sỏi khá lớn.

 Một đơn vị khai thác cát, sỏi lòng sông trên tuyến sông Long Đại, đoạn ngang qua địa bàn xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.
Một đơn vị khai thác cát, sỏi lòng sông trên tuyến sông Long Đại, đoạn ngang qua địa bàn xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.

Kết quả quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025 được điều chỉnh tại Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND, ngày 20-12-2018 của UBND tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có 186 khu vực mỏ, trong đó có 34 khu vực mỏ cát, sỏi lòng sông với diện tích 162,9 ha, tài nguyên dự báo 2,64 triệu m3.

Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường quản lý về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là về cát, sỏi lòng sông.

>> Bài 1: Xử lý nghiêm "cát tặc" lộng hành

Nội dung các văn bản đã cụ thể hoá tình hình thực tiễn của từng địa phương và phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, đồng thời cụ thể chi tiết trách nhiệm, nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép tới các cấp, ngành; phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và trách nhiệm cơ quan phối hợp. Nhờ đó, đã tạo hành lang pháp lý cho công tác xây dựng, hoạch định và triển khai các kế hoạch trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn...

Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TNMT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, như: Tập trung lực lượng đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân, doanh nghiệp...

 Những biên bản kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, tập kết cát sỏi trái phép trong năm 2019 của chính quyền huyện Lệ Thuỷ.
Những biên bản kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, tập kết cát sỏi trái phép trong năm 2019 của chính quyền huyện Lệ Thuỷ.

Nhờ đó, tình trạng hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã giảm mạnh, các vi phạm đã được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình hình tập kết, khai thác trái phép cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên sông Gianh thuộc địa bàn hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch, đã được chấn chỉnh, dần đi vào ổn định.

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng Phòng TNMT huyện Tuyên Hóa cho biết: "Cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn "cát tặc" lộng hành trên sông Gianh ngang qua địa bàn, để bảo vệ tốt tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, từ đầu năm 2019, Phòng TNMT huyện đã phối hợp với Sở TNMT, Đoàn Địa chất 406 cùng UBND các xã Văn Hóa, Tiến Hóa thực hiện khoan thăm dò 10 lỗ khoan nhằm đánh giá trữ lượng khai thác tại 5 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác (gồm: Công ty TNHH Đức Toàn, Chi nhánh Công ty TNHH KT-KT-XD Hoàng Gia, Công ty TNHH Miền Tây, Công ty TNHH Thương mại Toàn Phát và Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà).

Căn cứ vào kết quả kiểm tra tại mỏ của các đơn vị được cấp phép và đối chiếu vào báo cáo kết quả thăm dò đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện tại các đơn vị khai thác nói trên đang khai thác trong giới hạn độ sâu được cấp phép, trữ lượng tại các mỏ vẫn còn để các đơn vị khai thác theo đúng công suất và thời gian còn lại trong giấy phép do tỉnh cấp. Hiện nhiều xã dọc sông Gianh đã dựng chòi canh, bố trí cán bộ túc trực 24/24 giờ để bảo vệ, quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi lòng sông..".

Ở huyện Lệ Thủy, công tác quản lý nguồn tài nguyên này cũng đang được các cấp chính quyền tăng cường. Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ Phan Hồng Đăng cho hay: "Để bảo vệ tốt nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông, UBND huyện Lệ Thuỷ đã lập đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh về lĩnh vực TNMT từ ngày thứ hai đến thứ sáu trong tuần, riêng số điện thoại của Trưởng phòng TNMT sẽ tiếp nhận 24/24 giờ.

Đường dây nóng này sẽ tiếp nhận tất cả thông tin từ những tổ chức, cá nhân phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, kể cả hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ của cán bộ.

UBND huyện cũng chỉ đạo nếu xã, thị trấn nào thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện...".

Một điểm tập kết cát sỏi ven sông Nhật Lệ, đoạn ngang qua xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh.
Một điểm tập kết cát sỏi ven sông Nhật Lệ, đoạn ngang qua xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh.

Theo ông Phạm Quang Ánh, Phó Giám đốc Sở TNMT, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1027/QĐ-UBND, ngày 8-4-2016 về việc phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh gồm 1.787 khu vực cấm (với tổng diện tích 390.657,95 ha), 171 khu vực tạm thời cấm (với tổng diện tích 14.034,27 ha). Việc khoanh định các khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn không ảnh hưởng đến quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông.

Tính đến cuối tháng 8-2019, toàn tỉnh đã cấp 35 giấy phép thăm dò cát, sỏi lòng sông, với diện tích 96,5 ha, trữ lượng được phê duyệt 2.499.240,6m3. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp phép khai thác 30 mỏ cát, sỏi lòng sông với diện tích 71,57ha, trữ lượng được phép khai thác 1.772.443,1m3, công suất khai thác 195.720 m3/năm (trong đó có 5 khu vực mỏ được cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản). Thời điểm này, ở Quảng Bình không có các dự án nạo vét khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thuỷ nội địa có tận thu cát đang hoạt động.

"Nhìn chung công tác cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đúng pháp luật, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn", ông Ánh nói.

Văn Minh