Phòng, chống tham nhũng:

Để có sự công khai, minh bạch thực chất!

  • 10:52 | Thứ Bảy, 17/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị không chỉ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần hạn chế tiêu cực, sai phạm, mà qua đó còn tạo điều kiện cho toàn xã hội giám sát, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN).  

Theo đánh giá của Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã thực hiện việc công khai, minh bạch (CKMB) trong hoạt động, như: công khai các nội quy, quy chế; quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất; công khai tài chính; đấu thầu các công trình, dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; tiếp nhận, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và quản lý cán bộ; quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc, các thủ tục hành chính...

Việc công khai cũng đã được triển khai đa dạng bằng nhiều hình thức khác nhau như: công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; niêm yết tại nơi làm việc; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân cùng tham gia quản lý, giám sát.

Cùng với việc CKMB trong hoạt động, những kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng trên địa bàn Quảng Bình.

Công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị là điều kiện quan trọng thúc đẩy vai trò giám sát của mỗi cán bộ, nhân viên và người dân trong PCTN.
Công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị là điều kiện quan trọng thúc đẩy vai trò giám sát của mỗi cán bộ, nhân viên và người dân trong PCTN.

Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức ăng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt là tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ. Các lĩnh vực được xác định dễ phát sinh sai phạm, tham nhũng là tài chính, đấu thầu, ngân hàng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, công tác cán bộ...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do kỷ luật công vụ chưa được thực thi nghiêm minh; việc CKMB trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị còn hình thức; trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ PCTN vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức.

Trong thực tế, một số vụ việc sai phạm bị phát hiện xảy ra trong thời gian vừa qua một phần do thiếu CKMB của các cơ quan, đơn vị; hoặc có công khai nhưng chỉ là hình thức. Trường hợp hàng chục người dân không nghèo nhưng lại “lạc” vào gia đình của các hộ nghèo xảy ra tại xã Hoàn Trạch (Bố Trạch) bị phát hiện năm 2018, gây xôn xao dư luận là một ví dụ.

Sau khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc  kiểm tra mới phát hiện nhiều người không thuộc diện hộ nghèo nhưng lại có tên trong danh sách hộ nghèo. Cụ thể qua rà soát đã phát hiện, năm 2011, có 14 khẩu không thuộc hộ nghèo ghép vào 11 hộ gia đình nghèo; năm 2012, có 98 khẩu không thuộc hộ nghèo tại 46 hộ gia đình nghèo; năm 2013, có 41 khẩu không thuộc hộ nghèo ghép vào 31 hộ gia đình nghèo.

Như vậy, từ năm 2011 - 2013, xã Hoàn Trạch có 153 khẩu không nghèo, trong đó có cả người thân, con em cán bộ thôn, xã nhưng lại có tên trong danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách hộ nghèo từ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để “phù phép” và “hợp thức hóa” cho những người nghèo "giả" này, những người có trách nhiệm của địa phương này đã kín đáo “gửi” vào gia đình các hộ nghèo thật. Họ làm “kín đáo” đến mức ngay chính những hộ nghèo cũng không biết chuyện xen ghép này.

Vấn đề đặt ra ở đây là quá trình thực hiện việc bình xét, công bố hộ nghèo của địa phương này liệu có thực sự CKMB? Hoặc có thể, họ chỉ CKMB trong quá trình bình xét, còn bước công bố, niêm yết công khai kết quả danh sách bình xét bị “giấu đi” nhằm “che mắt” người dân?

Vì vây, mà suốt cả một thời gian dài, không chỉ người dân nơi đây mà ngay cả chính những người nghèo cũng không hề biết? Bởi, theo một lãnh đạo huyện thì, sau khi chốt danh sách bình xét hộ nghèo xong, Chủ tịch UBND xã và cán bộ chuyên môn tự ý ghép người thân thêm vào gia đình các hộ nghèo thực sự để trục lợi.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: “Muốn phát huy vai trò giám sát và thúc đẩy phong trào toàn dân tích cực tham gia đấu tranh PCTN, các cơ quan, đơn vị cần phải CKMB và cần phải CKMB thực sự. Thời gian qua, mặc dù việc thực hiện CKMB đã có chuyển biến, song ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và ở một số lĩnh vực còn tình trạng CKMB hình thức, đặc biệt trong quyết toán ngân sách nhà nước, CKMB trong kê khai tài sản, thu nhập...”.

Như vậy, rõ ràng CKMB trong hoạt động tại các cơ quan, đơn vị có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hạn chế các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, cơ chế để kiểm tra, kiểm soát mức độ CKMB của các cơ quan, đơn vị nhằm giúp người dân và toàn xã hội có cơ sở, có điều kiện tiếp cận, giám sát còn chưa được đánh giá cụ thể.

Muốn vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong phong trào đấu tranh PCTN, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc CKMB trong các hoạt động, cũng như việc thực hiện các giải pháp trong phòng ngừa, xử lý tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt là cần đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính theo hướng CKMB và phải coi đây là tiêu chí để đánh giá trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong điều hành, thực thi các nhiệm vụ được giao.

D.C.H