Ký sự pháp đình:

Lấy trộm của nhà...

  • 11:52 | Chủ Nhật, 11/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Con cái lâm vào cảnh tù tội, không có người bố, người mẹ nào không đau xót. Thế nhưng người bố của bị cáo, cũng là người bị hại trong vụ án này, đành bấm bụng đưa con ra tòa, chỉ vì muốn dạy cho con trai mình một bài học.

Ông bảo, dù sao nó cũng là con của mình. Con hư bố mẹ nào không xót. Nó hư hỏng, mình dạy dỗ không được, thì đã có pháp luật trừng trị, mặc dù nó trộm tiền của bố mẹ.

Thêm nữa, qua chuyện này cũng muốn cho nó biết rằng không phải lấy cắp tiền của bố mẹ là pháp luật không trừng trị.

Điều quan trọng đối với ông giờ đây, không phải là hình phạt mà con trai mình sẽ phải chịu trước pháp luật, mà chính là thông qua chuyện này ông muốn dạy con bài học để làm người.  

Đứng trước tòa là một cậu bé gương mặt sáng sủa, trông chững chạc so với đám bạn bè cùng lứa tuổi, ăn chưa no lo chưa tới của nó.

Tình kể, 2 năm làm thuê kiếm tiền ở TP.Hồ Chí Minh đã cho mình nhiều bài học quý. Biết được rằng để kiếm được đồng tiền là điều không phải dễ dàng. Những ngày đầu ở nơi đất khách quê người, cũng là lần đầu tiên Tình bước ra môi trường cuộc sống tự lập.

Ban đầu, Tình  làm đủ mọi việc để sống. May mắn sao, sau đó Tình được nhận vào làm việc cho một khách sạn nhỏ. Ở đây Tình làm tất tật mọi việc từ quét dọn, bưng bê, phục vụ phòng với mức lương 3 triệu đồng.

Sau một thời gian, thấy Tình hiền lành, chăm chỉ, ông chủ giao cho quản lý với mức lương 7 triệu đồng.

Tình cho biết, số tiền gần 100 triệu đồng mà mình có được để đem về trả cho bố mẹ, đó chính là công sức, mồ hôi mà bản thân kiếm được.

Vì vậy mà mỗi lần nghĩ đến bố mẹ, Tình càng ân hận về những ngày tháng ăn chơi lêu lỏng, và cả những việc làm không đúng với bố mẹ mình.  

Trước đó, khi đang là học sinh lớp 9, Tình đã theo đòi đám bạn bè hư hỏng, rồi bỏ học, bỏ ngoài tai bao lời khuyên can của bố mẹ.

Trước ngày xảy ra vụ việc, Tình bị Công an huyện xử phạt hành chính với hình thức cảnh cáo về hành vi trộm cắp tài sản.

Tưởng chừng cậu bé sẽ sợ, thế nhưng, mấy ngày sau, lợi dụng lúc bố mẹ vắng nhà, Tình liền chớp ngay cơ hội mở khóa két sắt lấy trộm 100 triệu đồng rồi bắt xe vào thành phố Huế ăn chơi.

Chỉ trong một thời gian ngắn ở đây, Tình đã “nướng” đến hơn 80 triệu đồng vào các trò chơi game và tiêu xài cá nhân.

Khi còn lại ít tiền, Tình mới giật mình nghĩ, nếu quay về nhà, bố mẹ sẽ không tha thứ. Tình liền cầm số tiền còn lại vào TP.Hồ Chí Minh tự kiếm việc làm với mục đích khi nào gom đủ tiền mang về trả cho bố mẹ.

Sau hơn 2 năm lưu lạc xứ người, không một lời nhắn gửi người thân, cuối năm 2018, Tình bỗng nhiên trở về trong sự ngỡ ngàng của bố mẹ và người thân.

Bố Tình cho biết, ngày nhìn thấy con trở về, cả nhà vui mừng khôn xiết. Mừng là dù còn trẻ người non dạ và dù trước đây là đứa trẻ hư hỏng, nhưng sau 2 năm bặt tăm tích con mình đã biết lỗi và trở về nhà hối lỗi cùng bố mẹ.

Lần đầu cầm những đồng tiền do con kiếm được và trở về đàng hoàng, vợ chồng ông mừng rơi nước mắt. Con mình đã biết nhận lỗi, mình cũng không bụng dạ nào để trách cứ. Nhưng, dù là lấy tiền của bố mẹ, con cũng đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, ông đã động viên con đến Công an đầu thú. Hành vi của Tình sau đó đã bị Tòa án huyện tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội: “Trộm cắp tài sản”.

Sau đó, Tình làm đơn kháng cáo xin được cải tạo tại địa phương, với lý do lúc phạm tội mình còn trẻ chưa nhận thức hết hành vi của mình. Sau khi trở về nhà, biết vụ việc đang được Công an điều tra, Tình đã chủ động ra tự thú, thành khẩn khai báo và thật sự hối hận về hành vi của mình.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bố mẹ của Tình cũng đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét xử phạt Tình với mức hình phạt nhẹ nhất có thể để con trai có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Ông bà cũng hứa sẽ có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con sau này.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, hình phạt 18 tháng tù của tòa sơ thẩm là quá  nghiêm  khắc, khi chưa xem xét hết các nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi, đó là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và hình phạt chủ yếu  nhằm  mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Từ các nội dung trên, HĐXX thấy cần áp dụng chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội, để chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo theo hướng sửa hình phạt của bản án sơ thẩm, và xử phạt Tình với mức hình phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ.

D.C.H

--------------------------------------------------------

* Tên nhân vật đã được thay đổi.