.

Lâm trường "kêu cứu" vì đất liên tục bị lấn chiếm

.
08:53, Thứ Năm, 09/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhiều năm trở lại đây, diện tích đất thuộc địa phận quản lý của Lâm trường Đồng Hới (thuộc Công ty TNHH MTV LCN Long Đại) liên tục bị các hộ dân lấn chiếm. Điều đáng nói, cho đến hiện tại các bên liên quan vẫn chưa có giải pháp đủ cứng rắn để ngăn chặn tình trạng nói trên.

Lâm trường Đồng Hới được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ và chăm sóc 2.057 ha rừng và đất rừng. Trong đó có hơn 700 ha cây cao su, còn lại là diện tích trồng các loại keo tràm, thông. Việc người dân lấn chiếm đất của lâm trường bắt đầu rộ lên từ năm 2016 đến nay.

Ông Lê Văn Tính, ở thôn 10, xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch) là hộ dân lấn chiếm đất của Lâm trường Đồng Hới với diện tích lớn nhất. Từ phần đất của gia đình ở đoạn giáp ranh, ông Tính đã lấn qua phần đất của lâm trường quản lý đến 6.000 m2.

Khu vực đất vốn trồng keo tràm của Lâm trường Đồng Hới bị ông Nguyễn Văn Công san ủi đất trái phép.
Khu vực đất vốn trồng keo tràm của Lâm trường Đồng Hới bị ông Nguyễn Văn Công san ủi đất trái phép.

Ông Lê Văn Thuật, Phó Giám đốc Lâm trường Đồng Hới cho biết, sự việc được cán bộ lâm trường phát hiện từ đầu năm 2018. Theo biên bản có xác nhận của lâm trường và ông Tính, thời điểm trên cán bộ lâm trường phát hiện phần đất tại hai lô 7 và 10 thuộc khoảnh 2, tiểu khu 259, thôn 10, xã Lý Trạch có dấu hiệu bị người ngoài vào phát cuốc.

Khu vực này trước đó lâm trường đã cho trồng cao su nhưng sau đợt bão năm 2016, 2017 thì cao su bị gãy đổ. Ông Lê Văn Tính đã lấn qua diện tích đất có cao su gãy đổ này để trồng rau màu. Sau khi bị lâm trường phát hiện, ông Tính đã cam kết giữ nguyên hiện trạng, không đào bới trên phần đất của lâm trường.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, cán bộ lâm trường lại tiếp tục phát hiện ông Tính đưa cả máy cày qua cày xới trên diện tích trồng cao su của lâm trường. Sau đó, phía lâm trường phải mời lãnh đạo UBND xã Lý Trạch, cán bộ địa chính xã, đại diện Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường IV (thuộc Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam) lên trực tiếp đo đạc tại hiện trường để xác định rõ diện tích mà ông Tính đã xâm lấn.

Kết quả đo đạc cho thấy, chỉ hơn một năm, ông Tính đã lấn dần lên đến 6.000 m2 đất thuộc quyền quản lý của lâm trường. Biên bản ngày 5-12-2018 ghi rõ: Lâm trường Đồng Hới và UBND xã Lý Trạch yêu cầu hộ ông Tính sau khi thu hoạch hoa màu thì không được canh tác tiếp trên diện tích này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khi chúng tôi có mặt tại khu vực trên, ông Tính vẫn đang tiếp tục trồng hoa trên diện tích đã lấn chiếm của lâm trường.

Ông Nguyễn Văn Công, thôn 10, xã Lý Trạch bắt đầu lấm chiếm đất của Lâm trường Đồng Hới quản lý từ năm 2017. Vị trí ông Công lấn chiếm theo biên bản hiện trường của Lâm trường Đồng Hới cung cấp cho thấy thuộc khoảnh 5, tiểu khu 261, thôn 10, xã Lý Trạch.

Khu vực này trước đó Lâm trường Đồng Hới cũng đã trồng keo tràm. Ông Công bị phát hiện đưa máy múc vào san gạt đất trên diện tích quản lý của lâm trường với diện tích 500m2. Ngày 8-12-2017, UBND xã Lý Trạch đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất rừng của ông Công với mức phạt 2 triệu đồng. Tuy nhiên, cho đến hiện tại ông Công vẫn chưa chịu trả lại phần đất đã lấn chiếm cho Lâm trường Đồng Hới.

Theo báo cáo của Lâm trường Đồng Hới, chỉ trong 3 năm trở lại đây, có 5 hộ dân có đất liền kề với rừng và đất rừng của Lâm trường Đồng Hới đã có hành vi xâm lấn, gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.

Không chỉ bị người dân lấn chiếm đất rừng, Lâm trường Đồng Hới còn ghi nhận thêm 3 vụ người dân chặt phá cây cao su trên diện tích quản lý của lâm trường. Theo đánh giá của phía lâm trường, việc chặt phá cây cao su này cũng liên quan đến động cơ lấn chiếm đất rừng.

“Có vụ ghi nhận được đến gần một trăm cây cao su bị chặt cùng lúc. Lâm trường cũng đã báo cho Công an huyện điều tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc Lâm trường Đồng Hới cho biết.

Có thể nhận thấy, qua những vụ lấn chiếm đất rừng đã xảy ra trong thời gian qua tại Lâm trường Đồng Hới, một giải pháp đủ mạnh để răn đe là điều chưa thực hiện được. Các hộ dân lấn chiếm đất rừng vẫn ngang nhiên tiếp tục sử dụng diện tích đã lấn chiếm vào mục đích riêng, bất chấp các biên bản, văn bản của cơ quan được giao bảo vệ rừng và đất rừng.

Dù đã có mốc phân định ranh giới rõ ràng, nhưng hộ ông Lê Văn Tính vẫn ngang nhiên lấn qua phần đất thuộc quyền quản lý của Lâm trường Đồng Hới để trồng hoa.
Dù đã có mốc phân định ranh giới rõ ràng, nhưng hộ ông Lê Văn Tính vẫn ngang nhiên lấn qua phần đất thuộc quyền quản lý của Lâm trường Đồng Hới để trồng hoa.

Ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc Lâm trường Đồng Hới nói, “Vướng mắc” lớn nhất trong vấn đề này là việc lâm trường chỉ được giao trách nhiệm quản lý và bảo vệ chứ không được giao quyền xử lý đối với những hộ dân lấn chiếm. Việc này dẫn đến khi phát hiện vụ việc đất rừng của lâm trường bị người dân lấn chiếm trái phép, phía lâm trường cũng chỉ có thể lập biên bản ghi nhận hiện trường, sau đó gửi văn bản cho chính quyền xã, huyện để có hình thức xử lý.

Những vụ lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua, phía lâm trường đều đã làm văn bản gửi cho chính quyền địa phương phối hợp xử lý nhưng hiện tại mới chỉ có một quyết định xử phạt hành chính mức 2 triệu đồng được ký. Còn vụ liên quan đến vụ việc lấn chiếm đất của ông Lê Văn Tính, phía lâm trường đã có đến 4 cuộc làm việc với ông Tính, trong đó hai cuộc có sự có mặt của đại diện UBND xã Lý Trạch.

Mốc phân định ranh giới đất lâm trường quản lý cũng đã được đo đạc và cắm lại theo đúng chuẩn của bản đồ. Nhưng đến nay, ông Tính vẫn chưa chịu trả lại phần đất đã lấn chiếm. Những hộ khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Lý Trạch cho rằng: "Người dân địa phương đang thiếu đất sản xuất, nên giải pháp cần thực hiện nhất hiện tại là xã sẽ xin lại những diện tích đất rừng không hiệu quả của lâm trường về giao cho người dân. Hiện phía xã đang làm văn bản gửi các ban ngành liên quan để đề xuất việc xin giao những diện tích đất này cho người dân sản xuất".

L.Chi

,