.

Vụ chặt phá rừng tự nhiên ở khu vực đèo Đá Đẽo: Có dấu hiệu vi phạm hình sự

.
16:09, Chủ Nhật, 14/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 27-3, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng Trạm Kiểm lâm Troóc, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch phát hiện nhiều cây gỗ bị đốn hạ tại khu vực rừng tự nhiên nằm dưới chân đèo Đá Đẽo thuộc xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, diện tích lên đến 2,3ha.
 
Ngay khi nhận được thông tin, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch nhanh chóng thành lập tổ công tác phối hợp với UBND xã Xuân Trạch tổ chức kiểm tra hiện trường. Vụ việc được báo cáo cho UBND huyện Bố Trạch và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
 
Qua kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện diện tích 2,3ha rừng bị chặt phá. Sau khi kiểm tra về mặt nội nghiệp, ngoại nghiệp, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật kết hợp cùng quyết định quy hoạch 3 loại rừng (Quyết định số 4534/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020) thì diện tích rừng xảy ra tình trạng chặt phá đã được đưa vào quy hoạch khoanh nuôi bảo vệ, thuộc đối tượng rừng sản xuất (Trước Quyết định số 4534/QĐ-UBND, diện tích rừng trên là rừng tự nhiên nghèo kiệt cho phép khoanh nuôi bảo vệ nhưng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng).
Diện tích rừng bị chặt phá tại khu vực đèo Đá Đẻo, xã Xuân Trạch.
Diện tích rừng bị chặt phá tại khu vực đèo Đá Đẽo, xã Xuân Trạch.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Bình thì diện tích rừng này đã được giao UBND xã Xuân Trạch quản lý. UBND xã Xuân Trạch giao 2 hộ gia đình, gồm: ông Nguyễn Thanh Phượng và bà Nguyễn Thị Hoài (đều trú tại xã Xuân Trạch) hợp đồng quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Tuy vậy, 2 hộ dân trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích rừng mà mình quản lý, chăm sóc, bảo vệ.
 
Những cây gỗ bị chặt hạ tại hiện trường chủ yếu là gỗ ba bét, mán đĩa, sung... thuộc nhóm 7, 8; đường kính từ 10 đến dưới 20cm, giá trị kinh tế thấp. Việc chặt phá tiến hành bằng phương pháp thủ công như dùng rựa, rìu... nên rất khó phát hiện. 
 
Ông Nguyễn Thanh Phượng và bà Nguyễn Thị Hoài thừa nhận hành vi chặt phá rừng của mình, mục đích theo như họ khai là để trồng rừng kinh tế. “Chúng tôi cứ suy nghĩ thiển cận như thế này, vì diện tích rừng 2,3ha đó UBND xã Xuân Trạch giao chúng tôi quản lý, bảo vệ, mặc dù chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng xem như là tài sản của mình rồi.
 
Rừng ở đây là rừng nghèo kiệt, những cây gỗ không có giá trị kinh tế đáng kể, bởi vậy chúng tôi bàn nhau dùng rựa phát quang mặt bằng trồng rừng kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Trong quá trình chặt phá vẫn không biết rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Thanh Phượng thừa nhận.
Một cây gỗ bị chặt hạ tại hiện trường
Một cây gỗ bị chặt hạ tại hiện trường.
Ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
 
Hiện tại, Hạt đề nghị UBND xã Xuân Trạch, Trạm Kiểm lâm Troóc cùng 2 hộ gia đình nói trên có trách nhiệm bảo vệ nguyên hiện trường, nghiêm cấm việc tẩu tán tang vật gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý”.
 
“Mặc dù là rừng nghèo, các loại cây bị chặt phá chủ yếu là gỗ ba bét, mán đĩa, sung... thuộc nhóm 7, 8. Nhưng theo nghiên cứu, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định 157/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản thì với diện tích 2,3ha trên sẽ không thuộc phạm vi xử lý hành chính mà có dấu hiệu về mặt hình sự", ông Phạm Văn Tân cho biết thêm.
 
Liên quan đến sự việc chặt phá rừng tự nhiên ở khu vực đèo Đá Đẻo, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: “Chi cục chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật, đồng thời xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm lực lượng Kiểm lâm sở tại, đặc biệt là Kiểm lâm địa bàn, trực tiếp là trạm trưởng trạm kiểm lâm khu vực.
 
Qua sự việc này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch có biện pháp tăng cường lực lượng kiểm tra, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng và đất nông nghiệp trên địa bàn. Dừng ngay các hoạt động sử dụng rừng trái phép tại các diện tích rừng được giao về cho xã quản lý, trong đó phải quản lý chặt diện tích rừng tự nhiên”.
 
Trao đổi với  phóng viên Báo Quảng Bình vào chiều 12-4, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch thông tin: “UBND huyện nắm rõ sự việc ngay trong ngày 23-3. Do diện tích rừng vượt quá phạm vi xử lý hành chính nên các ngành chức năng đang củng cố, hoàn chỉnh hồ sơ, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì phải khởi tố vụ án hình sự. Trong tuần tới, UBND huyện sẽ họp các ngành thuộc khối nội chính để thống nhất quan điểm xử lý vụ phá rừng này”.
 
Nhóm P.V Bạn đọc
 
 
,