.
Ký sự pháp đình:

Tan vỡ...

.
09:04, Chủ Nhật, 21/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang là cứu cánh cho cuộc mưu sinh của không ít gia đình trẻ. Đó cũng là con đường giúp họ nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ đổi đời. Thế nhưng, cũng từ đây, “sóng gió” đã ập xuống không ít gia đình...

1. Người chồng nộp đơn ra tòa ly hôn khi người vợ vẫn còn đang vật lộn với cuộc mưu sinh nơi xứ người. 7 năm, người vợ đi XKLĐ ở Hàn Quốc, cũng chừng ấy năm, người chồng ở nhà, một vai 2 gánh, với cảnh gà trống nuôi con, nhưng mọi việc vẫn chu toàn. Họ bảo rằng, đó là con đường mà họ đã cùng nhau lựa chọn, vì cuộc sống, vì tương lai gia đình.

Trước khi chị Hương đi XKLĐ, anh Tú, chị Hương có đến 15 năm chung sống dưới một mái nhà, dù cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn và không thiếu những lúc đụng độ, va chạm, thế nhưng họ vẫn vượt qua.

Từ khi có 3 đứa con, gia đình ngày càng khó khăn. Áp lực cuộc sống mưu sinh ngày càng nặng gánh. Giữa lúc đó, ở quê nhà đang rộ lên phong trào XKLĐ. Nhiều gia đình cũng nhờ đó mà được “đổi đời”. Một ngày, anh chị bàn nhau, một trong 2 người sẽ đi, một người ở nhà chăm sóc con cái.

Năm 2011, chị Hương đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Thế rồi, sau một thời gian, những đồng tiền đầu tiên là công sức, mồ hôi, nước mắt của chị kiếm được trên đất khách quê người cũng được chuyển về. Những khó khăn, thiếu thốn trước đây dần trôi vào quá khứ. Không nói ra nhưng ai cũng thầm hy vọng về viễn cảnh tương lai tươi sáng của gia đình.

Nhờ những năm tháng hai vợ chồng chung lưng đấu cật, họ đã có căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Dù ở cách xa, nhưng chưa bao giờ, họ thiếu sự quan tâm động viên lẫn nhau.

Thế nhưng, khi mà giấc mơ về một cuộc sống đủ đầy đã trở thành hiện thực, thì hạnh phúc của gia đình nhỏ này chao đảo. Những giá trị vật chất đủ đầy vẫn không thể cố kết cho một cuộc hôn nhân bền vững. Mọi chuyện bắt đầu từ khi cô con gái đầu sang du học Hàn Quốc.

Thông tin về anh Tú ở quê nhà có người phụ nữ mới đến tai chị Hương. Ban đầu là hoài nghi, rồi xích mích, mâu thuẫn, không ai quan tâm đến ai vì niềm tin và tình yêu bị sụp đổ. Những cuộc điện thoại liên lạc thưa dần. Nó cũng không còn là phương tiện giao tiếp để kết nối, vun đắp, hay sưởi ấm tình cảm vợ chồng nữa, mà giờ đây là những cuộc cãi vã.

Người chủ động viết đơn ra tòa ly hôn không phải là chị Hương, mà là anh Tú. Anh Tú một mực kiên quyết ly hôn vì tình cảm vợ chồng nay đã không còn, vì mâu thuẫn và vì thiếu cả sự tin tưởng với nhau.

Còn chị Hương (vắng mặt tại phiên tòa), qua bản tự khai gửi từ phương xa, cũng khẳng định chị không còn niềm tin và tình cảm với một người chồng đã qua lại với người phụ nữ khác, không chăm lo cho con cái, khiến hai con phải xuống nhà ông bà ngoại ở.

Trước sự kiên quyết của 2 bên, Tòa chấp nhận cho ly hôn. Vậy là sau bao nhiêu năm đồng cam cộng khổ, vợ chồng đồng lòng chung sức vượt qua, cuối cùng họ đành buông tay nhau khi đã thực hiện được ước mơ đổi đời.

2. Không giống như anh Tú chị Hương, trường hợp của anh Quang chị Bích lại đưa nhau ra tòa khi còn chưa kịp hiện thực hóa giấc mơ “đổi đời” từ XKLĐ. Trong đơn xin ly hôn gửi đến Tòa án, chị Bích cho biết, một năm sau khi kết hôn, anh Quang sang Đài Loan XKLĐ. Trong quãng thời gian sống xa nhau đó, mỗi lần điện thoại liên lạc trò chuyện, họ thường xảy ra tranh cãi.

Hơn một năm sau, anh Quang về nước, nhưng tình cảm vợ chồng vẫn không được cải thiện. Mâu thuẫn vẫn diễn ra thường xuyên, vì tính tình vợ chồng không hợp, dù đó chỉ là những bất đồng trong việc xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, khi anh Quang quyết định sẽ tiếp tục sang xứ người để làm việc. Trong khi đó, chị chỉ muốn anh ở nhà. Không tìm thấy tiếng nói chung, chị Bích bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống. Từ đó vợ chồng sống ly thân.

Anh Quang cho rằng, trong hôn nhân, mâu thuẫn vợ chồng là điều khó có thể tránh khỏi. Còn về lý do, khoảng thời gian anh làm ăn tại Đài Loan, vợ gọi điện không nghe máy là vì lúc đó anh đang bận làm việc và do giờ giấc, môi trường làm việc ở bên đó rất khắc nghiệt.

Bù lại, lúc rảnh rỗi, anh cũng gọi điện thoại về nhưng chị Bích lại không nghe máy. Anh bảo, sung sướng gì khi phải tha phương, lưu lạc mưu sinh, khi vợ dại con thơ. Lựa chọn con đường XKLĐ cũng vì muốn lo cho gia đình, vợ con chứ không vì mục đích gì khác.

Thế nhưng, chị Bích, vợ anh không đồng ý. Quyết định là vậy thế nhưng anh chưa kịp qua lại Đài Loan thì vợ anh đã tự ý mang con về sống ở nhà ngoại. Không những thế, chị Bích còn cho rằng, ở bên đó anh đã có người phụ nữ khác.

Từ ngày chị Bích về nhà ngoại, anh Quang cũng đã gặp vợ và bố mẹ vợ để trao đổi, mong muốn gia đình đoàn tụ trở lại nhưng vợ anh nhất quyết không chấp nhận. Anh không đồng ý ly hôn, vì tình cảm của anh dành cho vợ vẫn còn. Anh muốn gia đình được đoàn tụ, dù bất kể có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, cuối cùng cuộc hôn nhân của họ cũng không thể cứu vãn.

XKLĐ đã và đang mang đến cho nhiều gia đình nhiều sự đổi thay. Nhưng, hy vọng những đổi thay đó là để tiếp tục vun đắp cho mái ấm hạnh phúc gia đình, chứ không phải đổi thay để rồi đánh đổi bằng niềm tin bị đánh mất và gia đình tan vỡ.

D.C.H

-------------------------------------------------------------

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

,