.

Vì sao khó thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát?

.
08:54, Thứ Hai, 18/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Mặc dù, nhiều vụ án đã có hiệu lực pháp luật nhiều năm, thế nhưng có đến 44% các vụ việc vẫn bị xếp vào loại án không có điều kiện thi hành án (THA), khiến cho hàng trăm tỷ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế khó có thể thu hồi.

Điển hình trong số đó phải kể đến số tiền trốn thuế hơn 21 tỷ đồng của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hiếu Trung xảy ra từ năm 2013 đến năm 2015. Đầu năm 2018, vụ án “Trốn thuế” và “Mua bán trái phép hóa đơn” xảy ra tại doanh nghiệp này đã được đưa ra xét xử.

Theo bản án số 05/2018/HS-ST ngày 3-4-2018 của TAND tỉnh, từ năm 2013 đến năm 2015, ông Lê Quốc Văn, Giám đốc DNTN Hiếu Trung và Lê Thị Thanh Hải, kế toán của doanh nghiệp này đã có hành vi mua bán hóa đơn khống để kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng hóa dịch vụ mua vào, khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ bán ra nhằm mục đích trốn thuế và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước với số tiền gần 20,9 tỷ đồng (trong đó trốn thuế GTGT hơn 19 tỷ đồng, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 1,7 tỷ đồng).

Cũng trong thời gian trên, doanh nghiệp này còn có hành vi xuất bán 689 hóa đơn khống (hóa đơn ghi nội dung nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo) cho 113 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn khống gần 82 tỷ đồng, để thu lợi bất chính hơn 223 triệu đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra khám xét nơi ở và nơi làm việc trong vụ “Trốn thuế” và “Mua bán trái phép hóa đơn” xảy ra tại DNTN Hiếu Trung.
Cơ quan Cảnh sát điều tra khám xét nơi ở và nơi làm việc trong vụ “Trốn thuế” và “Mua bán trái phép hóa đơn” xảy ra tại DNTN Hiếu Trung.

Với các hành vi nói trên, bị cáo Lê Quốc Văn đã bị TAND tỉnh tuyên xử phạt 1,5 tỷ đồng về tội “Trốn thuế” và 3 năm cải tạo không giam giữ về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; Lê Thanh Hải bị xử phạt 500 triệu đồng về tội “Trốn thuế” và 1 năm cải tạo không giam giữ về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Về trách nhiệm dân sự, 2 bị cáo nói trên phải nộp tổng số tiền đã trốn thuế là hơn 20,9 tỷ đồng và hơn 223 triệu đồng tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán hóa đơn. Trong quá trình điều tra, 2 bị cáo đã nộp 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, gần 1 năm qua, vụ án vẫn được xếp vào loại án chưa có điều kiện THA, vì qua xác minh, các bị cáo nói trên không có bất cứ một tài sản gì để bảo đảm nghĩa vụ THA. Hầu hết các tài sản có được như nhà, xe đã được các bị cáo này bán để khắc phục một phần hậu quả của vụ án.

Tương tự, năm 2012, vụ án Nguyễn Đức Hải (SN 1981), nguyên Trưởng phòng giao dịch Hải Đình (TP.Đồng Hới), thuộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Chi nhánh Quảng Bình) bị TAND tỉnh tuyên phạt 15 năm tù về tội: “Tham ô tài sản” và buộc phải bồi thường số tiền 3,2 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Chi nhánh Quảng Bình).

Thế nhưng, cho đến nay, ngoài số tiền 600 triệu đồng khắc phục một phần hậu quả từ trước khi vụ án được đưa ra xét xử, suốt 7 năm qua Nguyễn Đức Hải vẫn chưa THA được đồng nào trong số tiền còn lại 2,6 tỷ đồng đã tham ô. Từ đó đến nay, vụ án vẫn được xếp vào loại chưa có điều kiện THA, vì đối tượng đang chấp hành hình phạt tù và trong tay Hải hiện không có tài sản gì để THA.

Theo thống kê từ Cục Thi hành án dân sự (THADS), từ năm 2013 đến 2018, cơ quan này thụ lý thi hành 117 vụ việc, với số tiền phải thi hành hơn 215 tỷ đồng; trong đó có 66 việc có điều kiện thi hành (chiếm 56%) và 51 việc chưa có điều kiện thi hành, chiếm đến 44%. Điều đáng nói, chỉ với 51 việc chưa có điều kiện THA, số tiền đã lên đến hơn 200 tỷ đồng, chiếm đến 93% về tổng số tiền phải THA.

Ông Trà Đình An, Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, Cục THADS cho biết, phần lớn các vụ việc được xếp vào loại không có điều kiện THA đều do đối tượng thi hành không có tài sản, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng chỉ bảo đảm cho cuộc sống; hoặc có tài sản nhưng giá trị chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA... Còn các tài sản đã được kê biên trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đều đã được xử lý.

Câu hỏi đặt ra ở đây là có hay không việc để lọt tài sản phạm tội trong quá trình kê biên tài sản, dẫn đến đối tượng THA tẩu tán tài sản? Bởi thực tế, trong nhiều vụ việc, số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt là rất lớn nhưng khi kê biên, xác minh tài sản để THA lại không có tài sản gì.

Ông Mai Công Danh, Cục trưởng Cục THADS cho rằng, phát hiện các hành vi phạm tội là một việc khó, nhưng để ngăn chặn, xử lý và đặc biệt là thu hồi tài sản bị thất thoát và chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lại càng gặp nhiều khó khăn.

Nhất là các đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn và có trình độ cao. Họ không chỉ thực hiện các hành vi phạm tội rất tinh vi, mà còn có khả năng che giấu các tài sản do phạm tội mà có.

Còn ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết, để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản THA sau này, đồng thời tránh trường hợp tẩu tán tài sản, ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, hầu hết các tài sản của đối tượng phạm tội đã được cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp đối tượng phạm tội che giấu, tẩu tán tài sản. Bởi, đối với những tài sản có đăng ký quyền sở hữu như nhà cửa, xe, máy móc... thì có thể biết được, còn những tài sản không đăng ký thì khó có thể biết để kê biên.

Ngoài ra, trong thực tế, không ít đối tượng mất khả năng THA vì đã sử dụng, tẩu tán hết tài sản, mà nguyên nhân là do các hành vi phạm tội thực hiện trong thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý kịp thời.

Để thu hồi các tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, theo ông Nguyễn Tiến Hùng, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc kê biên tài sản ngay từ giai đoạn điều tra, đồng thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện các tài sản bị che giấu, tẩu tán, nhằm làm cơ sở cho công tác THA, thu hồi tài sản vi phạm sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Dương Công Hợp

 

,