.
Ký sự pháp đình:

Sơ sẩy một phút, hậu quả khôn lường

.
08:15, Chủ Nhật, 10/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đứng trước Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên phúc thẩm của TAND tỉnh là bị cáo Hoàng Bích Sơn (SN 1980) phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”. Chỉ vì một phút sơ sẩy, Sơn đã để phương tiện do mình điều khiển va chạm với tàu hỏa, gây thiệt hại lớn về tài sản nhà nước. Từ một người có nhân thân tốt, Sơn phải vướng vào vòng lao lý.

Hoàng Bích Sơn quê ở xã Quảng Minh (T.X Ba Đồn), hiện tại tạm trú ở phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới), nghề nghiệp lái máy công trình. Vợ chồng Sơn hiện có một con nhỏ sinh năm 2008.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hoàng Minh Sơn thành khẩn khai báo về sự việc do mình gây ra vào tháng 9-2017. Ngày 3-9-2017, bị cáo được ông Trần Văn Cương (SN 1968, trú tại TDP 12, phường Bắc Lý -TP. Đồng Hới) thuê lái máy đào bánh lốp hiệu Doosan tiến hành phá thanh tà vẹt bê tông đường sắt do Công ty Cổ phần QLĐS Quảng Bình bán thanh lý.

Sơn điều khiển máy đào đến đường dân sinh giao với đường sắt tại km 491+ 820,5 (khu gian đường sắt Ngân Sơn- Thọ Lộc) để qua phía bên kia đường tiếp tục công việc. Lúc máy đào đến sát đường sắt, bánh trước chạm vào thanh ray, cần cẩu ra giữa đường sắt thì Sơn phát hiện thấy tàu khách SE3 chạy theo hướng Bắc- Nam (do lái tàu Hà Minh Tâm điều khiển) xuất hiện tại khúc cua cách 200 mét về phía ga Ngân Sơn.

Dù đã đạp hết ga cho máy đào vượt qua đường sắt và lái tàu Hà Minh Tâm hãm phanh gấp giảm vận tốc đoàn tàu từ 58 km/giờ xuống còn 50 km/giờ nhưng giữa máy đào và tàu SE3 vẫn xảy ra va chạm.

Hậu quả vụ tai nạn mặc dù không tổn thất về con người nhưng thiệt hại nặng nề cho ngành đường sắt: đầu máy tàu SE3 bị nghiêng; 2 toa tàu trật khỏi đường ray; nhiều thanh đường ray, tà vẹt và máy đào hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại theo biên bản định giá của Sở Tài chính Quảng Bình lên đến hơn 3.135 triệu đồng. Tổng công ty đường sắt Việt Nam yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền này.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 47/2018/HS-ST, TAND huyện Bố Trạch tuyên xử bị cáo Hoàng Bích Sơn phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”, mức án tù 36 tháng tù, đồng thời bồi thường toàn bộ số tiền 3.135 triệu đồng.

Hoàng Bích Sơn “kêu oan”, viết đơn kháng cáo. Bị cáo Sơn đưa ra nguyên nhân khách quan dẫn tới việc bản thân quyết định lái máy đào vượt qua đường sắt. Quá trình tiến hành đập phá các thanh tà vẹt, Công ty Cổ phần QLĐS Quảng Bình đã dùng các thanh tà vẹt cắm thu hẹp lối đi dân sinh để bảo đảm an toàn.

Tại thời điểm xảy ra tai nạn “không may” các thanh tà vẹt này bị kẻ xấu lấy cắp mất. “Nếu các thanh tà vẹt thu hẹp lối đi không bị mất thì bị cáo sẽ không điều khiển được xe đào bánh lốp qua đường sắt và tai nạn không thể xảy ra”- Bị cáo Sơn cho biết thêm-  “Bản thân là người làm công ăn lương, được ông Trần Văn Cương thuê làm việc nên TAND huyện Bố Trạch bắt buộc bị cáo đền hết số tiền 3.135 triệu đồng là ngoài sức tưởng tượng của bị cáo”.

Quá trình bào chữa cho bị cáo Hoàng Bích Sơn, các luật sư Hoàng Minh Tâm, Vũ Xuân Hải thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình cũng bày tỏ quan điểm: “Ông Trần Văn Cương là chủ phương tiện, còn bị cáo Hoàng Bích Sơn chỉ là người làm thuê.

Giữa ông Cương và bị cáo Sơn chỉ thỏa thuận bằng miệng việc giao máy cho Sơn làm thử, sau đó mới thống nhất mức lương, ngoài ra không còn thỏa thuận gì thêm. Thời điểm xảy ra tai nạn, ông Cương là người trực tiếp dẫn đường, hướng dẫn địa điểm cho Sơn lái máy đào thực hiện công việc đập phá các thanh tà vẹt.

Như vậy bị cáo Sơn không phải là người chiếm hữu, sử dụng máy đào mà chính ông Cương mới là người chiếm hữu, sử dụng máy đào của chính mình”.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Trần Hữu Sỹ đồng quan điểm với ý kiến các luật sư bào chữa: “Trong vụ án này, bị cáo Sơn là người làm công cho ông Trần Văn Cương, vì vậy ông Cương phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do bị cáo Sơn gây ra và có quyền yêu cầu bị cáo Sơn phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định pháp luật căn cứ vào Điều 600, Bộ luật Dân sự năm 2015”.

Từ việc phân tích nhân chứng, tài liệu, hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi bị cáo và những người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan cũng như quá trình tranh tụng tại tòa, HĐXX quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo về trách nhiệm hình sự của bị cáo Hoàng Bích Sơn.

Bản án sơ thẩm số 47/2018/HS-ST do TAND huyện Bố Trạch có hiệu lực kể từ ngày TAND tỉnh đình chỉ xét xử phúc thẩm, giữ nguyên mức án 36 tháng tù giam đối với bị cáo Hoàng Bích Sơn. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo để sửa chữa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.

Buộc ông Trần Văn Cương phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam số tiền trên 3.135 triệu đồng (trước đó ông Cương đã khắc phục hơn 319 triệu đồng và bị cáo Sơn bồi thường 15 triệu đồng). Số tiền ông Trần Văn Cương tiếp tục bồi thường là hơn 2.800 triệu đồng.

Vụ án khép lại, bản án phúc thẩm đã tuyên. Tính nghiêm minh, đúng đắn của pháp luật thể hiện qua quá trình tranh tụng tại phiên tòa và sự sáng suốt, xem xét “thấu tình đạt lý” của HĐXX. Dù không còn một mình “cõng” trên lưng số tiền bồi thường 3.135 triệu đồng nhưng bị cáo Hoàng Bích Sơn vẫn phải trả giá bằng việc đối mặt với 3 năm tù giam… cũng vì bản thân sơ sẩy chỉ một phút, đã để lại hậu quả khôn lường.

Hồ An


 

,